Vài năm trở lại đây, việc nghệ sĩ kinh doanh mỹ phẩm, thời trang trên trang cá nhân, fanpage phát triển rầm rộ nhờ trang cá nhân của nghệ sĩ luôn có hàng trăm, hàng triệu người theo dõi, ủng hộ.
Tuy nhiên, không ít nghệ sĩ “vô tư” bán hàng fake (hàng nhái), hàng “copy”, kém chất lượng công khai qua mạng. Điều đáng nói là họ vẫn nghĩ đơn giản: bán hàng nhái, hàng giả vẫn… chân chính vì giá thấp, người mua biết rõ thì không lừa đảo ai, bán cho những người không có khả năng mua hàng xịn giá cao là không có gì sai. Xem live stream của nghệ sĩ K.C bán túi xách “nhái” của thương hiệu quá nổi tiếng, mà theo lời giới thiệu là còn nhằm gây quỹ từ thiện, nhiều người thấy bất ổn.
Trên trang cá nhân của các nghệ sĩ như: T.N, Q.H, V.T, K.L… thi thoảng vẫn có những buổi live stream bán hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng LV, Burberry, Adidas, Fila, Polo… với giá từ 200.000 đồng đến trên 1 triệu đồng. Một số mắt kính giả của Dior, mỹ phẩm Chanel (bộ gồm 9 món) đang được nghệ sĩ rao bán công khai giá 260.000 đồng, 250.000 đồng, trong khi giá hàng thật khoảng trên 5 triệu đồng.
Nghệ sĩ công khai bán hàng nhái trên trang cá nhân.
Cách đây không lâu, hotgirl Kelly Nguyễn bị “tố” bán hàng fake một thương hiệu giày thể thao nổi tiếng. Ngay sau đó, nhiều lời chỉ trích nặng nề đã viết lên trang cá nhân của cô. Khi sự việc xảy ra, Kelly Nguyễn đã lên tiếng xin lỗi và thanh minh rằng bản thân cũng mua lại của người khác nên không biết hàng nhái. Dù đã trả lại tiền cho người mua và xin lỗi nhưng uy tín của Kelly Nguyễn bị ảnh hưởng khá lớn. Hiện cô đã ngưng kinh doanh.
Ngọc Trinh trước đây cũng công khai lấy hàng từ Quảng Châu (Trung Quốc) nhái các thương hiệu lớn về bán. Dẫu bị cho là cổ súy cho hàng nhái nhưng Ngọc Trinh lên tiếng rằng cô luôn xác định rõ đối tượng khách hàng. Họ là những người thu nhập vừa phải, không chú tâm hàng hiệu đắt tiền; rằng cô không “treo đầu dê bán thịt chó”...
Tuy nhiên, anh Trần Minh Ân (một chuyên gia hàng hiệu) phân tích: “Nghệ sĩ không nên bán hàng nhái. Việc buôn bán này tôi thấy đang có 2 dạng. Một là mập mờ giữa thật, giả với giá khá cao mà trong nghề hay gọi super fake (siêu nhái); một dạng khác khi bán nói rõ luôn đây là hàng nhái. Dân chuyên nghiệp chỉ nhìn thôi đã biết thật hay giả. Không có túi hàng thật nào của Chanel, Dior, Gucci, Louis Vuitton (LV)… mà giá 2 - 3 triệu đồng, đó chắc chắn là giả. Nhưng đâu phải ai cũng biết. Những người ở quê ít theo dõi thời trang khi nghe tên Chanel, LV mà giá vài triệu đồng được bán bởi nghệ sĩ nổi tiếng nữa thì mua ngay”.
Trước đây, diễn viên Ốc Thanh Vân từng công khai xin lỗi khi cô trở thành đại sứ thương hiệu mỹ phẩm cho Công ty TS Việt Nam (bị cơ quan công an điều tra phát hiện lô hàng 11 tỉ đồng không rõ nguồn gốc). Là người có trách nhiệm với sản phẩm mình bán ra, Ốc Thanh Vân vừa xin lỗi vừa thu hồi sản phẩm và trả tiền lại cho khách. Cô từng viết lên trang cá nhân: “Vì việc này chúng tôi cũng phải chịu những lời mắng nhiếc, dè bỉu".
Người mẫu Phi Thanh Vân khi bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phạt trên 150 triệu đồng (do sản xuất mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng, không an toàn cho người sử dụng) nay không còn thấy đăng đàn bán mỹ phẩm nữa.
Luật sư Nguyễn Minh Thuận (Công ty luật Sài Gòn VN), cho biết: “Theo điều 13 Nghị định 185/2013, nếu các nghệ sĩ live stream để bán hàng giả thì tùy theo sản phẩm, hành vi có thể bị xử phạt hành chính từ 200.000 đồng đến 30 triệu đồng. Người bán có thể bị phạt các hình thức bổ sung khác như tịch thu tang vật, buộc nộp lại tiền thu lợi bất chính... Đáng chú ý, nếu việc mua bán này ở quy mô lớn thì người bán còn có thể bị xử lý hình sự về "tội sản xuất buôn bán hàng giả" theo bộ luật Hình sự 2015”.
Nguyên Võ/Theo TNO