Hát bội Sài Gòn rộn ràng bước vào mùa vàng

Đăng lúc: 7:44 am, Ngày 04/03/2019

Mùa hát chầu năm nay, nghệ sĩ của bộ môn nghệ thuật hát bội thật sự ấm lòng khi các hội đình đặt hàng dàn dựng các vở diễn ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc.

Các vở diễn hát bội kinh điển được dàn dựng giữ đúng sắc thái vốn có nên người trong giới cho rằng đây là tín hiệu vui cho công cuộc phục hồi những giá trị của nghệ thuật hát bội truyền thống.
 
Được mùa vở lịch sử
 
Tại lễ tổng kết của Liên chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khu vực TP.HCM và Đông Nam Bộ vào ngày 2/3 tại Hội Sân khấu TP.HCM, NSƯT Nguyễn Hoàn vui mừng cho biết: "Trong tháng 3, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM đã ký hợp đồng 15 suất diễn tại các lễ cúng Kỳ Yên, hát chầu trong địa bàn TP.HCM. Hầu hết các suất đều được yêu cầu biểu diễn những vở hát bội ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc, đó cũng là yếu tố thúc đẩy việc nhà hát dàn dựng nhiều kịch bản lịch sử". 
 
Trong đợt này, nhà hát sẽ diễn các vở: Hoàng thúc Lý Long Tường, Dũng khí Đặng Đại Độ, Oan án trung thần, Trần Hưng Đạo, Nét bút đường gươm, Vụ án Lệ Chi Viên, Nước mắt quyền thần, Tử hình không án trạng… Tinh thần lao động nghệ thuật của anh em nghệ sĩ hát bội vì thế đang lên cao.
Cảnh trong vở Nước mắt quyền thần của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM.
 
Đoàn Cải lương Huỳnh Long, Minh Tơ năm nay cũng được mời hát chầu, lấy cái gốc căn bản của nghệ thuật hát bội làm trụ cột. Nghệ sĩ Xuân Yến nói: "Các nghệ sĩ đều ý thức rất rõ sân đình là sàn diễn duy nhất cưu mang hát bội, để giữ chân từng khán giả, nghệ thuật ca diễn phải tinh tế. Tuồng sử khái quát chiều dài dựng nước, giữ nước với biết bao thăng trầm chính là nơi để nghệ sĩ thăng hoa cảm xúc. Mừng là các nghệ sĩ hát bội trẻ năm nay đã không sao nhãng việc biểu diễn nên từ cách hóa trang, múa bộ đến ca diễn được đầu tư để nhân vật lịch sử cuốn hút khán giả. Điều này cho thấy vai trò truyền nghề của lớp nghệ sĩ tiền bối cho thế hệ sau đã có kết quả".
 
Cuộc ra quân ấn tượng
 
Tham gia dàn dựng các vở lịch sử cho sân khấu hát bội là những đạo diễn có công lao rất lớn trong việc phục hồi giá trị nghệ thuật mà tiền nhân đã khai sáng. NSND Lê Tiến Thọ dựng vở Hoàng thúc Lý Long TườngVụ án Lệ Chi Viên tạo được dấu ấn đẹp đối với người xem. NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng vở Tử hình không án trạng, trẻ hóa đội ngũ nghệ sĩ hát bội ở tuyến nhân vật chính. Đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng dựng vở Trần Hưng Đạo bằng thủ pháp đẩy nhanh tiết tấu. Đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc tham gia với vở Nét bút đường gươm, nói về mối tình giữa chúa Trịnh và Đặng Thị Huệ, bằng các trình thức nghệ thuật hát bội xưa.
 
Năm nay, hơn 70 hội đình đã tạo điều kiện cho dàn nghệ sĩ trẻ tham gia hát chầu với các vở lịch sử. Đây là cơ hội rèn nghề cho lớp nghệ sĩ trẻ. Các nghệ sĩ trẻ như Thành Tây, Võ Minh Lâm, Bình Tinh, Thúy My, Khánh Vy, Nhật Khánh, Ái Vy, Trung Hậu, Lưu Thiện, Hoài An, Hữu Vinh, Hữu Tâm... được giao nhiều vai diễn hay.
 
Diễn viên trẻ Nhật Khánh cho biết mùa chầu năm nay, anh đã có thêm nhiều vai hay như: Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Lý Thường Kiệt… "Tôi được hát các vai tuồng sử để nâng cao nghề nghiệp. Khán giả đồng trang lứa đã đến xem và cổ vũ, giúp chúng tôi nỗ lực vượt qua những khó khăn" - Nhật Khánh tâm sự.
Cảnh trong vở Vụ án Lệ Chi Viên của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM.
 
Phải tự cứu nghề
 
NSƯT Trần Minh Ngọc nói: "Đây là dịp để nghệ sĩ hát bội cứu nghề. Không bám vào những giá trị mà ông cha để lại, chạy theo thị hiếu nhất thời sẽ không thể giữ được khuôn mẫu cho thế hệ diễn viên trẻ noi theo. Do đó, vở lịch sử trên sân khấu hát bội bao giờ cũng phải giữ đúng niêm luật, trình thức vũ đạo, âm nhạc, phục trang, hóa trang…".
 
Sân khấu nghệ thuật hát bội thật sự gặp khó khăn từ nhiều thập niên qua nên việc đào tạo đội ngũ kế cận trẻ là rất vất vả. NSND Đinh Bằng Phi nói: "Các đoàn nghệ thuật xã hội hóa đẩy mạnh việc giới thiệu tài năng trẻ cho sàn diễn sân đình qua các vở sử. Thế hệ nghệ sĩ tiền bối cố gắng làm tròn trách nhiệm truyền nghề, giúp lớp trẻ thực hành qua các vai lịch sử như: Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân, Tôn Thất Thuyết, Đặng Đại Độ, Nguyễn Trãi… Qua đó các em diễn viên trẻ ca diễn tự tin, lên tay nghề hẳn".
 
Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM đã đào tạo được 17 diễn viên trẻ nên đợt ra quân này mạnh dạn giao cho các em diễn những vai chính. Kịch bản lịch sử luôn thu hút người xem, được sự dìu dắt đáng quý của thế hệ nghệ sĩ đi trước, lớp trẻ đã tạo cú hích, gieo mầm cho hát bội hướng tới những mùa thu hoạch mới. 
 
Thu hút khán giả
 
Từ nhiều thập niên qua, hát bội không có đất diễn, nghệ sĩ chỉ trông chờ vào mùa hát chầu lễ Kỳ Yên, bắt đầu từ tháng 3 âm lịch, diễn ra tại các ngôi đình thờ thần ở Nam Bộ. Năm nào cũng vậy, ngoài lễ thỉnh sắc, lễ chánh tế, xây chầu,... là thủ tục phải giữ, các đình thường tổ chức hát chầu. Sau lễ rước Tổ hát bội về đình, 2-3 ngày sau, chương trình biểu diễn hát chầu sẽ diễn ra, thu hút đông đảo người dân trong khu vực đến thưởng thức nghệ thuật.
 
Từ lâu rồi hát chầu chỉ phục vụ khán giả đến dự lễ cúng đình nên nhiều đoàn hát, nhóm nghệ sĩ đã pha trộn nhiều môn giải trí khác nhằm giữ chân khán giả. Vì thế, không ít lời than phiền rằng ngày nay đi xem hát bội không còn thú vị. Năm nay, khán giả hào hứng đến xem rất đông qua các suất hát chầu, vì có các vở tuồng lịch sử được dàn dựng hào hùng thay cho các trích đoạn cải lương pha tấu hài như cách làm của một số đoàn trước đây.
 
Thanh Hiệp/Theo NLĐO

Đọc thêm các bài khác