Nhận một vai nhỏ mà biết làm khán giả nể phục, nhớ đến mình thì là một nghệ sĩ lớn

Đăng lúc: 9:11 am, Ngày 10/03/2019

NSND Kim Cương đã có buổi trò chuyện với hơn 100 diễn viên trẻ, sinh viên của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM trong khuôn khổ tổ chức các hoạt động chuyên đề sân khấu.

Chương trình mang tính chất giao lưu Văn học - Nghệ thuật do Câu lạc bộ Phóng viên sân khấu thuộc Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức, chuyên đề giao lưu với NSND Kim Cương được xem là khởi đầu cho sinh hoạt mang ý nghĩa truyền nghề này.
 
"Tôi nhận lời không phải để đăng đàng nói về mình, về hào quang của hơn 50 năm gắn bó với sân khấu mà vì tôi muốn trao truyền cho các em những gì mình đã trải nghiệm" - NSND Kim Cương bộc bạch.
 
Buổi giao lưu đã diễn ra trong không khí ấm áp, gần gũi và chân thành. Rất nhiều câu hỏi của các sinh viên, diễn viên trẻ dành cho Kỳ nữ. Bà đã trả lời hết sức chân thành, đem lại nhiều cảm xúc cho các bạn trẻ. Hầu hết đều bày tỏ niềm hạnh phúc vì được nghe những tâm sự như rút tận đáy lòng của một người nghệ sĩ có công lao rất lớn trong việc đặt viên đá đầu tiên hình thành phong cách thoại kịch miền Nam.
Các diễn viên, sinh viên Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM trong buổi giao lưu với NSND Kim Cương.
 
Khuyên các bạn trẻ theo nghề, bà nói: "Nhìn thấy trong thời buổi này có quá nhiều bộ môn giải trí để khán giả lựa chọn mà các em vẫn còn mê sân khấu, còn theo đuổi giấc mộng làm diễn viên, tôi thương lắm. Tuy nhiên, trong muôn vàn chông gai mà mình phải đối mặt, có ba thứ rất nghiệt ngã, đó là tự kiêu, tự mãn và tự ti. Tự kiêu sẽ đánh chết sự ham muốn được sáng tạo, được khám phá. Tự mãn là quá tin vào mình, nghĩ mình giỏi mà ở đời thì bao giờ cũng có lực đối trọng, mình tài có người sẽ tài hơn. Còn tự ti là kẻ thù lớn nhất của nghệ sĩ. Không thể nghĩ mình xấu, mình nhỏ con mà mặc cảm. Bởi nghề này không vai chính chỉ có người diễn viên dở mà thôi. Nhận một vai nhỏ mà biết làm khán giả nể phục, nhớ đến mình thì là một nghệ sĩ lớn" - NSND Kim Cương phân tích.
 
Thanh Hiệp/Theo NLĐO

Đọc thêm các bài khác