Những câu chuyện drama (đầy đủ yếu tố bi hài kịch với những cảm xúc được đẩy lên cao trào) như phim truyền hình đang được khai thác triệt để trong MV ca nhạc.
Với sự trỗi dậy mãnh liệt của dòng nhạc không chính thống underground thời gian gần đây, một số ca sĩ mainstream (tạm gọi là ca sĩ hoạt động chính thống) chuyển hướng làm MV nhiều tập giống như phim truyền hình và giành ngôi đầu trên các bảng xếp hạng, đặc biệt là Top trending (ca khúc được yêu thích nhất, được đo dựa theo lượng người xem cao nhất) trên YouTube Việt Nam. Trong số đó, 90% sản phẩm đều là serie darama MV, tức sản phẩm âm nhạc nhiều tập mang đậm chất bi kịch (chủ yếu bi kịch trong tình yêu).
Khai thác tối đa tình ngang trái
Chỉ vài ngày ra mắt, MV của ca sĩ chuyển giới Hương Giang Em đã thấy anh cùng người ấy và Một bước yêu vạn dặm đau của Mr Siro, đều chiếm vị trí đầu trên Top trending YouTube Việt Nam.
Công tâm nhận định cả 2 sản phẩm này đều không để lại nhiều ấn tượng về mặt âm nhạc nhưng lại tạo được hiệu ứng nhờ câu chuyện drama nói về tình yêu ngang trái. Chuyện "người thứ ba" hay "tình tay ba" vốn là "chuyện thường tình thế thôi" trong cuộc sống và cả trên màn ảnh nhưng nó luôn có sức hút đặc biệt với công chúng.
Đây cũng chính là công thức tạo nên thành công cho những MV như Rời bỏ và Chấp nhận của Hòa Minzy, Duyên mình lỡ của Hương Tràm, Chạm đáy nỗi đau của Erik hay Những kẻ mộng mơ của Noo Phước Thịnh… Các MV này vươn lên tốp đầu trending YouTube chỉ sau 24 giờ, thậm chí là sau vài giờ phát hành.
Một vài giọng ca còn khôn khéo tạo nên loạt serie MV drama như phim truyền hình để giữ chân và lôi kéo khán giả. Dù chỉ là MV ca nhạc nhưng nó tạo nên những ức chế, gây tranh cãi như một câu chuyện phim truyền hình dài tập. Trong đó, câu chuyện bị bạn thân cướp người yêu trong Em đã thấy anh cùng người ấy là tập tiếp theo của MV Anh đang ở đâu đấy mà Hương Giang đã ra mắt trước đó vào cuối năm 2018. Giống như câu chuyện của Anh đang ở đâu đấy, cái kết của Em đã thấy anh cùng người ấy tiếp tục lửng lơ và không cần chủ nhân lên tiếng, khán giả biết chắc phần thứ 3 sẽ được giọng ca "lắm chiêu trò này" tung ra trong một ngày không xa.
MV Em đã thấy anh cùng người ấy của Hương Giang dù không xuất sắc về âm nhạc vẫn thu hút khán giả bởi câu chuyện đậm chất drama.
Điều đó lý giải vì sao MV Anh đang ở đâu đấy của Hương Giang có hơn 20 triệu lượt xem dù khai thác chuyện tình tay ba với một cái kết "lỡ dỡ" đến bực mình. Đến Em đã thấy anh cùng người ấy ra mắt, MV này lập tức dẫn đầu Top trending YouTube. Điều này cũng chứng minh thể loại MV drama đang dần trở thành xu hướng âm nhạc được ưa chuộng bởi thành công sẵn có lẫn sự phát triển của hệ thống internet.
Thông minh hay bế tắc?
Với thành công ở các sản phẩm MV nói trên, Hương Giang nhận được nhiều lời khen của giới V-pop. Bởi lẽ, cùng một chủ đề tình yêu và sự vị tha, hy sinh của người phụ nữ, Hương Giang dẫn dắt khán giả tới từng câu chuyện, đặt nhân vật trong mỗi hoàn cảnh làm nổi bật nên sự bi lụy, thương cảm. Mỗi sản phẩm âm nhạc, Hương Giang đều để một cái kết mở, để những câu chuyện được tiếp nối, tạo nên "cuốn tiểu thuyết" tình yêu đẫm nước mắt.
Cũng với cách ấy, khán giả chứng kiến hàng loạt MV drama trình làng, biến V-pop thành một sàn điện ảnh thu nhỏ với những đặc tính ưu thế như bối cảnh đẹp, cốt truyện kịch tính, nhiều nút thắt đẩy cảm xúc người xem.
Để thực hiện những MV drama này, chuẩn mực về độ dài MV cũng thay đổi. Thay vì 3-5 phút như thường thấy thì một MV ngày nay kéo dài 9-10 phút, thậm chí 30-40 phút. Sự thay đổi này phù hợp với sự phát triển của kênh riêng, mạng xã hội. Mức kinh phí đầu tư cho một MV cũng nhiều hơn trước.
Thế nhưng, điều lo ngại chính là sự rập khuôn (MV sản xuất theo một công thức chung, sản phẩm cũng mang tính công nghiệp) sẽ tạo nên nhàm chán cho người xem. Thậm chí, nếu khai thác quá đà, đó sẽ là sự thụt lùi đáng thất vọng cho nền công nghiệp MV. Dù soi chiếu dưới bất cứ hình thức nào, rõ ràng MV luôn phải ở một vị thế khác với điện ảnh, phim truyền hình. Bởi lẽ, MV chỉ là một công cụ được dùng để phục vụ cho việc quảng bá một ca khúc. Trong khi đó, mải miết chạy theo câu chuyện của MV, sự đầu tư cho một sản phẩm âm nhạc chất lượng dường như không có.
Dù khán giả Việt ưa thích những câu chuyện kịch tính nhưng công tâm mà nói, mô tuýp tình yêu bi kịch, đau khổ đến tận cùng và hạnh phúc đến tột đỉnh trong kịch bản các MV drama này lại cũ kỹ tới mức chỉ cần nhìn qua teaser giới thiệu hay poster quảng bá đã có thể đoán ra nội dung sản phẩm nói đến. Người trong giới thừa nhận: Phim ca nhạc hiện nay dài dòng, lê thê, phá hỏng cả bài hát. Trong đa số MV drama, phần nhiều hình ảnh lại không hề ăn khớp với ca khúc.
MV Một bước yêu vạn dặm đau của Mr Siro.
Vị trí top đầu trên trending YouTube là một cách để chứng minh sức hút của sản phẩm với công chúng. Việc làm những câu chuyện MV drama, thậm chí dựng thành serie drama, như phim truyền hình, cuối cùng chỉ để nhằm mục đích "top đầu trending Youtube", đồng nghĩa với doanh thu cao. Trong khi đó, sản phẩm âm nhạc chất lượng vẫn là thứ đáng lưu tâm hơn cả lại đang bị bỏ quên.
Đạo diễn phải đưa ra sản phẩm điện ảnh chất lượng. Nhạc sĩ phải có những tác phẩm hay và ca sĩ cần định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng… Đó chính là sứ mệnh đặc thù của âm nhạc. Vậy nên, khi rơi khỏi Top trending YouTube, giá trị sau cùng vẫn là một MV chất lượng, một bài hát có thể nghe được nhiều. Dung hòa được cả phần nghe lẫn phần nhìn về sau mới là nhiệm vụ của một sản phẩm nghệ thuật cần làm.
Thùy Trang/Theo NLĐO