Nút vàng YouTube ưu ái ca sĩ hội chợ, phim giang hồ số má

Đăng lúc: 11:27 am, Ngày 06/04/2019

Trong danh sách nghệ sĩ Việt đã nhận nút vàng YouTube, chiếm tỷ lệ lớn là các ngôi sao ca nhạc hội chợ và những nghệ sĩ hài làm web drama về giang hồ, bạo lực.

Nút vàng là một giải thưởng YouTube dành cho chủ sở hữu của kênh có 1 triệu subscribe (đăng ký theo dõi kênh). Giải thưởng được cho là danh giá với cộng đồng YouTuber, nhưng cũng bị nhận xét là dễ dãi khi YouTube gần như chỉ quan tâm đến lượt xem và đăng ký, bỏ qua chất lượng nội dung của sản phẩm. Đó là lý do Khá Bảnh - một giang hồ mạng - cũng từng nhận được giải thưởng này. 
Châu Khải Phong là ca sĩ chuyên hát hội chợ, có nhiều ca khúc "làm mưa làm gió" trên thị trường.
 
Trong giới showbiz, nút vàng YouTube hay top trending từ lâu vốn được nhắc đến như một trong những kênh để truyền thông và công chúng đánh giá thành tích của nghệ sĩ. Nhiều người thậm chí còn coi đó là là một trong những quy chuẩn để so sánh giữa các nghệ sĩ với nhau.
 
Tuy nhiên, cũng có một thực tế được nhiều chuyên gia đồng tình là với giới nghệ sĩ, lượt xem hay lượng người đăng ký đôi khi không tỷ luận với chất lượng và sự đầu tư của sản phẩm đăng tải trên YouTube.
 
5 ca sĩ nhận nút vàng, có 3 ca sĩ chuyên hát nhạc chợ
 
YouTube là môi trường có nhiều nghệ sĩ tham gia, và đặc biệt được ưa chuộng trong bối cảnh bùng nổ MV. Tuy nhiên, thực tế là không phải ca sĩ nào đăng tải trên YouTube cũng thành công, có thành tích hoặc kiếm được tiền.
 
Rất nhiều ca sĩ nổi tiếng cũng đăng tải MV, sản phẩm của mình trên YouTube, nhưng hiện nay theo thông kê, chỉ mới có 5 ca sĩ nhận được nút vàng của YouTube là Sơn Tùng M-TP, Bích Phương, Lâm Chấn Khang, Châu Khải Phong và Hồ Quang Hiếu.
 
Trong đó, Châu Khải Phong là ca sĩ mới nhất nhận được nút vàng, vào tháng 3/2019 với một kênh có hơn một triệu người đăng ký theo dõi, tổng số lượt xem là khoảng 350 triệu lượt dù kênh này chỉ mới thành lập được khoảng một năm.
 
Châu Khải Phong ít xuất hiện trên sân khấu nhà hát nhưng được xem là một ca sĩ giải trí nổi tiếng và đặc biệt được yêu thích ở thị trường hội chợ. Anh có nhiều ca khúc giải trí dễ nghe như Ngắm hoa lệ rơi, Nếu ta ngược lối... Không được giới trong nghề đánh giá cao về âm nhạc, nhưng những sản phẩm của nam ca sĩ này trên YouTube luôn có lượt xem và tương tác lớn, thậm chí rất lớn.
 
Trường hợp tương tự Châu Khải Phong là Lâm Chấn Khang. Anh được cho là ca sĩ thứ 2 ở Việt được nút vàng YouTube, sau Sơn Tùng M-TP. Năm 2018, phim ca nhạc Người trong giang hồ phần 6 của nam ca sĩ thậm chí lọt danh sách 10 video nổi bật nhất thế giới, danh sách do YouTube Rewind công bố.  
Lâm Chấn Khang là một trong những ca sĩ đã nhận nút vàng của YouTube.
 
Lâm Chấn Khang cũng nổi tiếng là ca sĩ tuyến tỉnh, chuyên hát hội chợ, anh được gọi là "ông vua miền Tây". Bản thân nam ca sĩ cũng không ngại thừa nhận mình là ca sĩ bình dân, ca sĩ tỉnh, chuyên phục vụ khán giả nông thôn. 
 
Công bằng mà nói, âm nhạc của Lâm Chấn Khang dễ nghe. Giọng hát không xuất sắc, ca khúc na ná nhau, giới trong nghề đánh giá không cao nhưng lại chiều lòng được số đông công chúng. Như phim Người trong giang hồ của anh bị nhiều người cho là nhảm, nội dung vô bổ nhưng lại đặc biệt được ưa chuộng trên YouTube.
 
Danh sách ca sĩ hội chợ được trao nút vàng YouTube còn có Hồ Quang Hiếu. Anh được trao giải thưởng này vào năm 2018, chủ yếu nhờ phim ca nhạc Thiếu niên ra giang hồ. Phim ca nhạc này giúp nam ca sĩ có lượt xem và lượt người đăng ký chóng mặt dù âm nhạc không có nhiều ấn tượng.
 
Như vậy, trong 5 ca sĩ đã được YouTube dành cho nút vàng có tới 3 ca sĩ là ngôi sao ngôi chợ. Hai ca sĩ khác là Sơn Tùng M-TP và Bích Phương.
 
Nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác cũng đầu tư tiền tỷ làm MV đăng trên YouTube nhưng lại tỏ ra lép vé hơn hẳn những ngôi sao nhạc chợ. Hành trình đến với nút vàng vẫn còn nhiều khó khăn khi tiêu chí của YouTube đưa ra là lượng người đăng ký, lượt xem, chứ không phải chất lượng hay sự đầu tư cho sản phẩm.
 
Phim giang hồ dễ được YouTube ghi nhận thành tích
 
Lâm Chấn Khang và Hồ Quang Hiếu được xếp vào danh sách những ca sĩ nhận nút vàng YouTube. Tuy nhiên, không khó để nhận ra, sản phẩm giúp hai ca sĩ này được nút vàng là những phim ca nhạc kiểu web drama. Cụ thể, chính đề tài giang hồ đã góp phần làm nên thành tích lượt xem của Lâm Chấn Khang và Hồ Quang Hiếu.
 
Lâm Chấn Khang là Người trong giang hồ, trong khi Hồ Quang Hiếu là Thiếu niên ra giang hồ. Cả hai đều xây dựng nội dung theo loại hình phim ca nhạc drama, giang hồ, hành động. Âm nhạc đóng góp một vai trò, nhưng hình ảnh, câu chuyện về giang hồ, tội phạm mới được cho là yếu tố quan trọng thu hút người xem.
 
Ngoài giới ca sĩ tham gia cuộc đua MV, nhiều nghệ sĩ hài cũng có kênh YouTube và phát triển bằng cách thực hiện, đăng tải các web drama. Nhìn chung, web drama của các nghệ sĩ hài tương đối đa dạng về nội dung, không ít sản phẩm đầu tư. 
Thu Trang là nghệ sĩ hài đầu tiên được trao nút vàng của YouTube nhờ phim Thập Tam Muội.
 
Nhưng không khó để nhận ra những sản phẩm gây bão thường có chủ đề về giang hồ, xã hội đen, thế giới ngầm. Hiện tại, cũng chỉ web drama về giang hồ mới được cho là dễ được nút vàng.
 
Cả Thu Trang và Nam Thư đều từng làm web drama cổ trang. Nhưng phải đến khi làm phim về giang hồ, kênh YouTube của hai nghệ sĩ mới tăng chóng mặt lượt xem, lượng tài khoản đăng ký theo dõi.
 
Thu Trang trở thành nữ nghệ sĩ hài đầu tiên được trao nút vàng YouTube với Thập Tam Muội. Sau đó, Nam Thư là nữ nghệ sĩ hài thứ 2 nhận danh hiệu này cũng với phim về giang hồ có tên Thập tứ cô nương.
 
Làng hài còn có 2 nghệ sĩ khác đã nhận được nút vàng là Trấn Thành và Huỳnh Lập, trong khi kênh của Trường Giang, Việt Hương chưa đạt một triệu tài khoản đăng ký theo dõi. Dù rõ rằng, xét về mức cát-xê hoặc độ nổi tiếng, Trường Giang vượt trội Thu Trang hay Nam Thư.
 
Thực tế, cũng không phải nghệ sĩ hài nổi tiếng nào cũng tham gia YouTube hoặc đầu tư thực hiện web drama để nhận nút vàng. Mỗi nghệ sĩ có một lựa chọn riêng, nhiều người vẫn chọn sân khấu, điện ảnh để khẳng định vị trí, tên tuổi thay vì môi trường YouTube.
 
Theo chuyên gia Dipayan Ghosh - nghiên cứu sinh tại Trường Kinh Doanh Kennedy ở ĐH Harvard, từng làm việc trong đội ngũ về chính sách và quy định riêng tư của Facebook - các mạng xã hội như YouTube có xu hướng khuyến khích các nội dung gây sốc vì chúng được thế kế để tối đa hóa lượng truy cập. Báo cáo của Bloomberg cho biết trong nhiều năm qua, YouTube đã phớt lờ những lời cầu khẩn của nhân viên về việc giải quyết và gỡ bỏ các video mang tính đầu độc trên kênh vì họ cho rằng nó không nằm trong chiến lược thúc đẩy số lượng người xem.
 
Khuê Tú/Theo Zing

Đọc thêm các bài khác