Chuyện nhà văn tên Biền có tình nhỏ làm sao quên

Đăng lúc: 7:57 am, Ngày 04/06/2019

Không phát ngôn đao to búa lớn, dồn tâm sức nâng bước những cây viết trẻ, nhà văn Đoàn Thạch Biền ở tuổi thất thập là một chân dung thú vị, dí dỏm và dễ chịu, như những trang viết của ông cách đây mấy mươi năm.

Trang văn đọng lại tháng ngày
 
Ở tuổi thất thập cổ lai hi như nhà văn Đoàn Thạch Biền, phần đông hoặc sợ mạng xã hội như sợ… thế giới bên kia, hoặc ngược lại, nhảy bổ vào cho mạng dắt mũi, kéo đi, bao nhiêu hớ hênh phơi ra hết. Đoàn Thạch Biền không rơi vào hai thái cực ấy. Ông vẫn hài hước, giễu nhại bản thân mang tiếng cười đến cho mọi người. Ví như mới đây, trên trang Facebook cá nhân, ông “khoe” chiếc răng một đi không trở lại bằng hình ảnh và đôi dòng chia sẻ tếu táo. Có lẽ vì vậy mà cảm giác thời gian không tác động gì được đến ông.
 
Phần lớn độc giả biết đến nhà văn Đoàn Thạch Biền ở thời học sinh sinh viên (HSSV). Cái thuở lơ ngơ mới lớn còn rụt rè nhát gan trước phía “bên kia bờ giới tính”, hào hứng nghe ông “dạy” về tình yêu qua các tập truyện. Bắt đầu với Ví dụ ta yêu nhau, tập truyện đầu tay của ông, in năm 1974.
 
Sau năm 1975, trong niềm vui đất nước thống nhất, người ta quên luôn tập sách mỏng này cho đến khi qua cơn tem phiếu đói ăn nó mới được "khai quật" lại. Thật bất ngờ, cuốn sách trong những lần tái bản ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21 vẫn ấn tượng với độc giả thế hệ mới. Người đọc trẻ trôi theo câu chữ của ông bởi sự trong trẻo và tự nhiên, dù biết theo cách ông mà thực hành thì kiểu gì cũng “đường tình đôi ngã”. Không phải tình yêu thời ông khác thời nay. Mà yêu là chuyện của con tim. Mỗi người một khác. Con tim nhà văn Đoàn Thạch Biền còn khác con tim Phạm Đức Thịnh, tên khai sinh của ông, nữa là.
 
Cách nhân vật trong tác phẩm xưng hô “ông” - “em” là dấu chỉ nhận biết, là đặc trưng của văn chương Đoàn Thạch Biền. Quan trọng hơn là giọng văn, cách ông cho nhân vật lí sự, nói chuyện với nhau, dí dỏm và thông minh bắt nguồn từ cái gốc của những người biết chữ, khiêm tốn.
Cách nhân vật trong tác phẩm xưng hô “ông” - “em” là dấu chỉ nhận biết, là đặc trưng của văn chương Đoàn Thạch Biền.
 
Sau Ví dụ ta yêu nhau, Đoàn Thạch Biền còn có nhiều tác phẩm hay, thú vị khác như: Bất ngờ phía trái tim, Phượng yêu, Đừng đốt cháy bông hồng, Tôi thương mà em đâu có hay, Tôi hay mà em đâu có thương, Mây bay trong đầu, Những ngày tươi đẹp, Mùa hè khắc nghiệt, Chao... Vẫn là giọng văn riêng, không đụng hàng, ông mở toang cả thế giới mới lớn đầy hoa mộng. Thứ tình cảm đầu đời run rẩy và đáng nhớ. Đó cũng chính là những trang văn chưng cất tháng ngày tuổi trẻ của Đoàn Thạch Biền. Mà với khán giả yêu điện ảnh, chắc không thể nào quên cuốn phim Tình nhỏ làm sao quên của đạo diễn Lê Hoàng Hoa do chính nhà văn chuyển thể giành HCV liên hoan phim toàn quốc, đưa Mỹ Duyên từ một diễn viên múa trở thành diễn viên điện ảnh.
 
Đoàn Thạch Biền còn làm thơ, những câu thơ lí lắc, lý sự hệt giọng văn của ông. Chẳng hạn như: "Em vô tư, tôi vô tư/ Ta vô tư quá làm hư cuộc tình". Hay: “Thôi đừng láu cá nữa tôi/ Mai sau hết cá chợ đời buồn hiu” - một câu thơ rất đời và đầy chất triết học. Tất cả có trong tập thơ Buổi chiều gió ngút và những bài thơ cũ khiến nhiều bạn thơ phải ngả mũ chào.
 
Nâng bước người trẻ, say với đời
 
Trước và sau năm 1975, trong khi văn chương miền Bắc nghiêm cẩn với các vấn đề “đao to búa lớn”, mang tính khái quát về xã hội, về lý tưởng thời đại mới, thì ở miền Nam, các nhà văn hiện sinh hơn, không bỏ rơi lứa tuổi mà thiếu niên đã qua nhưng tuổi già còn lâu mới đến. Văn chương miền Nam xuất hiện lực lượng viết đông đảo hướng đến độc giả tuổi hoa, gồm: Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Đinh Tiến Luyện, Hoàng Ngọc Tuấn, Từ Kế Tường, Mường Mán, Thùy An, Nguyễn Thái Hải, Tôn Nữ Thu Dung,…
Một số tác phẩm mới tái bản của nhà văn Đoàn Thạch Biền.
 
Trong dàn nhà văn cùng thế hệ, cho đến giờ, có lẽ Đoàn Thạch Biền là người kiệm lời hơn cả. Tính ra, một người như ông, từng ẵm giải thưởng Văn học Nghệ thuật quốc gia (miền Nam) trước năm 1975 về kịch bản sân khấu với tên Nguyễn Thanh Trịnh, qua sự biến thiên thời cuộc, đã trải từ nghề dạy học ở Bình Thuận, đến nông dân ở Lâm Đồng, công nhân ở TP.HCM rồi làm báo cho đến ngày nhận sổ hưu, hoàn toàn được xếp vào hàng “TASS được quyền tuyên bố” (tên một cuốn tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng của nhà văn Yulian Semyonov- PV). Nhưng trước truyền thông lẫn ở… bàn nhậu, hay trên mạng xã hội, ông Biền vẫn kiệm lời. Điều duy nhất ông phát ngôn chính là: nói về/nói cho người viết trẻ.
 
Nhà văn Đoàn Thạch Biền là người chủ trương và duy trì Áo trắng - tờ báo văn chương dành cho tuổi mới lớn duy nhất tồn tại gần suốt 30 năm nay, dẫu tờ báo từng có lần “chết lâm sàng” và “đổi chủ” qua lại vài lần. Nhiều cây viết trẻ 7x, 8x trên Áo trắng giờ thành danh trong làng văn, làng báo hoặc thành “ông nọ, bà kia” vẫn nhớ về ông Biền với thuở non tơ vụng dại được ông dắt vào đường chữ, với tập truyện đầu tay do chính ông Biền chọn, viết lời giới thiệu cổ vũ rồi tìm đơn vị xuất bản cho.
 
Ông Biền là cách gọi thân thương, gần gũi mà các cây bút dành cho ông. Còn ông, như một người thầy, cặm cụi, bao dung. Hết lứa cầm bút này, ông lại chăm chút cho lứa bút mới thuộc thế hệ 9x, 10x. Ông tổ chức bài vở, tự tay gửi báo và nhuận bút cho các bạn trẻ, chuyên nghiệp như bất kỳ tòa soạn báo nào và đúng hẹn như thể tuổi tác đã bỏ quên ông. Mà chắc cũng chỉ ông Biền mới đủ uy tín, mới được thương để liên tục tìm được nhà tài trợ cho các cuộc thi trên Áo trắng, lúc thì thi thơ 5 chữ, khi thì thơ lục bát, lúc lại thi truyện ngắn, khi thì thi tản văn…
Nhà văn Đoàn Thạch Biền trao học bổng cho học sinh Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, xã Bàu Trâm, Đồng Nai, 2018.
 
Từ ngày về hưu, bên cạnh việc chăm chút tờ Áo trắng, lâu lâu độc giả lại thấy tên nhà văn Đoàn Thạch Biền trong Ban giám khảo cuộc thi văn chương nào đó. Ông nhận lời làm giám khảo mong tìm được những nhân tố viết mới. Và ông luôn sẵn sàng ngồi với các bạn trẻ khi ai đó ngang qua Sài Gòn. Trước ông chạy xe máy, giờ có tuổi thì đi Grab hoặc taxi để yên tâm trút bầu tâm sự.
 
Mấy năm trước, nhà văn Nguyễn Đông Thức và nhà văn Đoàn Thạch Biền rủ nhau thực hiện chương trình Mô tô học bổng. Thoạt đầu, hai ông tự bỏ tiền túi ra làm, sau chương trình lan rộng dần, được các mạnh thường quân tin tưởng ủng hộ, chuyến mô tô của hai ông cứ nối dài thêm, khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Gần đây, dù không còn đủ sức để chạy mô tô, nhưng chương trình của hai ông vẫn được duy trì, thậm chí lớn mạnh hơn trước, lan rộng ra các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên và Nam Trung bộ. 6 năm qua, Mô tô học bổng đã tiếp sức cho các học sinh nghèo số tiền lên đến hàng tỉ đồng, đồng thời tài trợ hằng tháng cho 72 HSSV có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường.
 
Văn chương Đoàn Thạch Biền là những mạch nước ngầm, mát lành rỉ rả. Giữa dòng chảy ồn ào của thị trường sách hôm nay, các tác phẩm của ông vẫn được tái bản lai rai. Đủ để những ai thực sự có lòng với chữ sẽ nhận ra sách của Đoàn Thạch Biền không vắng trên kệ. Mới đây, Không phải cái gì cũng mong manh - tuyển tập gồm 17 truyện ngắn Đoàn Thạch Biền tái ngộ độc giả trong diện mạo mới ở tủ sách Thiên đường không tuổi của NXB Văn hóa -Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, với lời nhắn dí dỏm của nhà văn: “Để ‘làm mới’ những truyện cũ (như phim remake), dưới mỗi truyện tôi viết thêm phần Tái bút (P/S). Không phải tôi muốn kéo dài truyện ngắn đã viết, mà chỉ muốn bạn hiểu thêm chuyện bên lề khi tôi viết truyện đó. Biết đâu chuyện bên lề lại thú vị hơn chính truyện!”.
 
Lê Như Thanh/Theo Phụ nữ TP.HCM

Đọc thêm các bài khác