Cái gì nằm giữa 2 chân của người đàn ông?

Đăng lúc: 9:03 am, Ngày 13/02/2020

Đó là một câu hỏi dung tục trong chương trình "Trí khôn ta đây" phát sóng trên HTV khiến dư luận xôn xao trong mấy ngày qua.

Phạm Hy, một trong hai người chơi của chương trình đưa ra đáp án là "đáy quần". Trong khi đó, trước khi người chơi đưa ra câu trả lời,  Sam - MC của chương trình đã “rào chắn” rằng nên suy nghĩ gần gũi. 
 
Nhưng đáp án "đáy quần" không được chấp nhận, bởi nữ MC cho rằng có những trường hợp người đàn ông không mặc quần. Câu trả lời được chương trình đưa ra là "hai mắt cá chân". Việc đặt câu hỏi mập mờ, tạo nên tầng nghĩa dung tục của chương trình đang vấp phải sự chỉ trích từ khán giả. 
Câu hỏi nhạy cảm của chương trình Trí khôn ta đây đang bị dư luận chỉ trích
 
Tại chương trình Nhanh như chớp nhí, nữ diễn viên Trang Hý nhận được câu hỏi từ Trấn Thành: “Ba của Trang Hý có một viên bi...”. Ngay từ chi tiết này đã khiến nữ diễn viên cùng MC phải cười ngượng ngùng. Trang Hý cho rằng biên tập của chương trình “quá kỳ”. Vế tiếp theo của câu hỏi mang nghĩa tường minh, nhưng vế đầu cộng với khâu biên tập của chương trình khiến người xem không khỏi suy nghĩ về một tầng nghĩa khác.
 
Trong chương trình Ngôi sao tình yêu, ban tổ chức đưa ra câu hỏi “Đến nhà người yêu chơi, thấy anh ấy đang cuốn khăn tắm, bạn nữ sẽ làm gì?” cùng 3 phương án trả lời: Nói chuyện tự nhiên như mọi khi; Ngại ngùng kêu mặc quần áo; Xuýt xoa khen cơ thể đẹp. Người chơi chọn đáp án thứ ba và phải thực hiện theo yêu cầu. Việc này cũng bị khán giả phản đối vì câu hỏi lẫn hành động nhạy cảm, không phù hợp lên sóng truyền hình.
 
Ai là triệu phú, một chương trình nổi tiếng về học thuật, tri thức cũng từng vướng phải lùm xùm khi đưa ra câu hỏi cùng đáp án nhạy cảm. Lấy câu hát quen thuộc “Ba thương con vì con giống mẹ/Mẹ thương con vì con giống…”, chương trình đưa ra 4 đáp án: ông hàng xóm, chú cạnh nhà, ba, ông đầu ngõ. 
Câu hỏi gây xôn xao của Ai là triệu phú
 
Hay trong chương trình Siêu sao đoán chữ, Hương Giang từng được đưa vào câu hỏi ví von: “Hương Giang kể lại rằng: “Khi tôi còn bé, thậm chí con chó cũng ghét tôi. Cách duy nhất để con chó đến gần tôi là tôi phải ăn mặc như một con […]”. Từ đó, khách mời cũng như các tham luận viên đưa ra đáp án để tính sự trùng khớp. Trong đó, có đáp án "chó con", "chó mẹ", thậm chí nghe không lọt tai như "chó cái".
 
Những điều không đẹp mắt, chẳng vừa tai như thế vẫn xuất hiện trên truyền hình. Ngôn từ khi được phát ra cùng giọng điệu, biểu cảm cố tình của người nói, cộng thêm trí tưởng tượng, sự tiếp nhận của người nghe rất dễ khiến ý nghĩa thực sự của chúng được hiểu khác đi. Và dù rốt cuộc không có từ ngữ tục tĩu nào được thốt ra, sự dung tục vẫn hiện diện một cách mồn một, không khác đi được.
 
Không khó để thấy, đây là cách gây hài cố tình của nhà sản xuất, nhằm thu hút người xem. Nhà sản xuất tuỳ tiện, nhà đài - đơn vị "gác cổng" và truyền tải sản phẩm đến người xem, cũng bắt tay dễ dãi. 
 
Sokrates (triết gia người Hy Lạp) từng nói: “Việc dùng ngôn từ sai lệch mời mọc ác quỷ vào tâm hồn”. Chẳng lẽ, khán giả phải tự mình lên tiếng, đào thải chúng, trong khi đó không phải là trách nhiệm ban đầu của họ?
 
Theo PNO

Đọc thêm các bài khác