Chỉ một bàn ăn được đưa xuống nhà giam mỗi ngày, những người đầu dùng phủ phê, mặc bên dưới là cuộc chiến đẫm máu vì thực phẩm cạn dần.
Goreng (Iván Massagué) tỉnh dậy trong một nhà tù đặc biệt, nơi các buồng giam xếp theo chiều dọc, mỗi tầng chỉ có hai người. Giữa các tầng là một lỗ rộng, nơi bàn ăn được đưa xuống mỗi ngày. Những người tầng cao có thể dùng bữa phủ phê nhưng càng xuống dưới, thức ăn càng cạn dần. Các tù nhân có thể giết chóc, ăn thịt lẫn nhau nhưng phải tuân thủ một số luật đặc biệt, như không được tích trữ đồ ăn từ bàn, mỗi tháng phải đổi tầng ngẫu nhiên. Mỗi người cũng được phép mang một thứ vào nhà giam, trong đó Goreng chọn tiểu thuyết Don Quixote.
Bạn tù của anh là Trimagasi (Zorion Eguileor đóng) - một lão già lõi đời, can tội giết người và mang theo con dao nhọn. Họ dần kết bạn khi được phân vào tầng 48, nơi còn đủ thức ăn sống qua ngày. Mỗi ngày, Goreng còn đọc sách cho Trimagasi nghe. Nhưng mọi chuyện thay đổi vào tháng sau, khi bộ đôi tỉnh dậy ở tầng 171.
Iván Massagué được khen ngợi với vai chính. Ảnh: Netflix
Ra mắt trên Netflix từ cuối tuần trước, bộ phim đến từ điện ảnh Tây Ban Nha The Platform thu hút người xem. Ở Việt Nam, trong ngày 24/3, tác phẩm được xem nhiều thứ hai ở nền tàng trực tuyến này, chỉ sau series Itaewon Class. Phim khai thác nhiều tình huống quanh cách ứng xử của con người với miếng ăn. Liệu cơn đói cùng cực đẩy những người vốn hòa thuận đến đâu? Khi phải chọn giữa sinh tồn và đạo đức, điều gì sẽ thắng thế? Liệu kẻ gần đất xa trời có sẵn lòng nhường mạng cho người trẻ hơn sống tiếp? Ở tầng đầu, bàn ăn đại diện cho sự xa hoa nhưng càng xuống cuối, nó chính là "đấu trường" của vô số tấn bi kịch đẫm máu.
Vào giữa phim, biên kịch khéo đưa vào tình tiết gây suy ngẫm về bản tính con người. Theo lời một nhân vật, thức ăn vốn đủ cho tất cả tù nhân nếu mọi người chỉ dùng vừa đủ, để dành khẩu phần cho người bên dưới. Nhưng suốt nhiều năm tháng, trật tự lý tưởng này không đạt được, không ai có thể thuyết phục tuyến đầu ăn bớt lại. Họ thà mặc người khác chết đói để ăn càng nhiều càng tốt, dự trữ năng lượng, phòng tháng sau bị rơi vào nơi thấp. Một số người thậm chí phá hoại, làm ô uế thức ăn chỉ vì ý thích. Nhà tù giống một xã hội tăm tối - nơi sự giao tiếp bị hạn chế.
Lấy điểm nhìn từ nhân vật lương thiện, thậm chí sống lý tưởng (chọn mang theo sách giữa nơi bạo lực), phim đưa khán giả qua những biến đổi tâm lý của anh. Ban đầu, Goreng tin vào sự lương thiện, phẩm giá của con người. Nhưng niềm tin của anh dần biến mất qua mỗi chặng dừng trong nhà tù. Goreng bắt đầu dùng những biện pháp mạnh để áp đặt trật tự mà anh mong muốn lên đám tù nhân.
Cuốn sách Don Quixote mà Goreng mang theo cũng tượng trưng cho tâm lý nhân vật chính. Ra đời năm 1605, tiểu thuyết của Miguel de Cervantes kể về một quý tộc ảo tưởng mình là hiệp sĩ, tin vào những giá trị trượng nghĩa nhưng dần vỡ mộng. Cũng như tiểu thuyết, The Platform mô tả sự va chạm giữa lý tưởng tốt đẹp và cách thế giới thực sự vận hành.
Nhân vật Miharu tạo nhiều bất ngờ cho câu chuyện. Ảnh: Netflix
Về cuối, phim đẩy kịch tính khi Goreng nghĩ đến một kế hoạch triệt để nhất để giải quyết tình hình nhưng cũng đòi hỏi biện pháp cực đoan. Những câu hỏi về đạo đức, về sự đúng đắn của việc hy sinh số ít cho mục đích cao cả được đặt ra. Phim có cái kết mở, dễ gây hụt hẫng cho không ít khán giả nhưng thể hiện dụng ý nghệ thuật của đạo diễn Galder Gaztelu-Urrutia. Nhà làm phim muốn giữ quan điểm trung lập, khép kín câu chuyện quanh hành trình của nhân vật chính chứ không khẳng định đúng sai.
Với bối cảnh đặc thù của nhà giam, đạo diễn chú trọng minh họa không gian tù túng ở từng tầng, đối lập với những cảnh về độ sâu chiếc hố. Tông màu lạnh hợp với nội dung tác phẩm, còn những cảnh bạo lực được mô tả trực diện, đẫm máu. Galder Gaztelu-Urrutia giữ nhịp phim nhanh, tinh giản nhiều về xuất thân nhân vật. Khán giả chỉ biết một ít thông tin về họ trước khi vào nhà tù.
Ra mắt ở LHP Toronto (Canada) năm 2019, The Platform nhận giải Midnight Madness (dành cho các phim có góc nhìn độc đáo). Gần đây, nhiều cây bút nhận định tác phẩm nêu thông điệp gây suy ngẫm trong mùa Covid-19, như chỉ trích nạn vơ vét hàng hóa hay nêu tầm quan trọng của việc thiết lập những hệ thống lãnh đạo xuyên suốt. Trang Collider khen cách tác phẩm khuyến khích việc mỗi người chỉ lấy phần đủ dùng, tránh việc phục vụ cá nhân mà hại đến người khác.
Phim có tựa Việt Hố sâu đói khát, còn quy tụ Antonia San Juan, Emilio Buale Coka, Alexandra Masangkay và Eric Goode, dán nhãn 18+.