Khán giả vẫn thổn thức khi xem lại 'Bá vương biệt Cơ' sau 27 năm

Đăng lúc: 8:00 am, Ngày 01/04/2020

Bộ phim tiêu biểu của điện ảnh Trung Quốc "Bá vương biệt Cơ" được nhiều khán giả xem lại mỗi dịp 1/4 - kỷ niệm ngày mất tài tử Hong Kong Trương Quốc Vinh.

Trên các diễn đàn phim, nhiều khán giả nói mỗi lần xem lại, vẫn chìm đắm vào nội dung, cử chỉ của các nhân vật trong tác phẩm, nhói đau vì chuyện đời Trình Điệp Y (Trương Quốc Vinh đóng). Từ giữa tháng 3, giới điện ảnh Hoa ngữ cũng tổ chức nhiều buổi tọa đàm, livestream về Bá vương biệt Cơ. Năm nay, Hàn Quốc lần thứ ba đưa tác phẩm ra rạp, dự kiến chiếu từ 25/3 nhằm tưởng niệm Trương Quốc Vinh song hoãn vì Covid-19.
 
Mtime nhận xét phim mang sức sống lâu bền, là tác phẩm đỉnh cao trong lịch sử điện ảnh Hoa ngữ. Từ khi ra mắt đến nay, tác phẩm nhiều lần vào danh sách Phim hay nhất, Phim được yêu thích nhất do truyền thông Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... bình chọn.
 
Trên Ifeng hôm 26/3, Lô Vy - một trong hai biên kịch phim (người còn lại là Lý Bích Hoa, tác giả truyện Bá vương biệt Cơ), kể hành trình thực hiện tác phẩm, tiết lộ bộ phim về đề tài tình yêu đồng giới suýt không được ra rạp Trung Quốc. Khi trù bị quay, biên kịch nghĩ kịch bản ông viết chắc chắn không qua kiểm duyệt. Ông bàn với đạo diễn Trần Khải Ca gửi một kịch bản giả cho cơ quan chức năng. "Lúc đó, Trần Khải Ca bảo tôi như thế chẳng phải lừa chính phủ sao. Tôi nói hoặc là anh chấp nhận tội lừa đảo, hoặc là đừng quay phim nữa". Sau một đêm suy nghĩ, đạo diễn chấp nhận phương án của nhà biên kịch.
Hình ảnh của Trương Quốc Vinh trong phim Bá vương biệt Cơ
 
Sau khi hoàn thành, phim không được duyệt ra rạp. Các nhà đầu tư tìm gặp Đặng Lâm - con gái am hiểu nghệ thuật của Đặng Tiểu Bình, lãnh đạo Trung Quốc bấy giờ, nhờ giúp đỡ. Sau đó, phim được sửa lại chút ít để phát hành.
 
Lô Vy cho rằng phim thành công nhờ đề cao tình yêu thương giữa con người. Phim không nêu cao một chủ nghĩa nào, không răn dạy, giáo huấn người xem điều gì. "Giá trị của nó nằm ở câu chuyện về thân phận con người nhỏ bé. Chúng tôi không né tránh lịch sử, gợi người xem suy nghĩ về một thời đại đã qua", biên kịch nói.
Từ trái sang: Trương Phong Nghị, Củng Lợi và Trương Quốc Vinh khi tới Cannes dự liên hoan phim năm 1993
 
Chung quan điểm, nhà văn, nhà phê bình điện ảnh Đích Khôi nói khi livestream trên Sina ngày 31/3: "Tình yêu giữa Trình Điệp Y và Đoàn Tiểu Lâu (Trương Phong Nghị đóng) không đơn thuần là tình yêu giữa hai người đàn ông mà thăng hoa thành tình cảm sâu sắc giữa người với người, tạo được đồng cảm từ người xem". Điệp Y và Tiểu Lâu, ban đầu là quan hệ huynh đệ hoạn nạn có nhau. Trải qua những lần bị ức hiếp, nhục mạ, tình cảm giữa họ dần không đơn thuần là tình yêu của hai người đàn ông mà là sự tổng hợp của tình thân, tình bạn, tình chiến hữu - những tình cảm đẹp đẽ của nhân thế.
 
Đích Khôi nhận xét so với nguyên tác tiểu thuyết của Lý Bích Hoa, kịch bản điện ảnh có sự thay đổi lớn, làm nổi bật tình thương giữa những thân phận khổ đau. Truyện của Lý Bích Hoa vốn mang phong cách ngôn tình, chủ yếu xoay quanh tình yêu đồng tính bi thảm, điên dại giữa hai nam chính, nhiều đoạn mô tả Trình Điệp Y cay độc, tàn nhẫn với Cúc Tiên - vợ Đoàn Tiểu Lâu. "Còn trong phim, Trình Điệp Y sâu sắc. Ban đầu phản kháng Cúc Tiên nhưng sau đó nhận ra anh ta hiểu mình", nhà văn nói.
Đạo diễn Trần Khải Ca, nhà sản xuất Từ Phong và Trương Quốc Vinh tại Liên hoan phim Cannes 1993, tác phẩm đoạt giải Cành Cọ Vàng
 
Trương Quốc Vinh sinh ra để đóng Trình Điệp Y, nhân vật này cũng góp phần làm nên chân dung của huyền thoại điện ảnh. Biên kịch cho biết ban đầu nhà sản xuất, đạo diễn cân nhắc giữa tài tử và Tôn Long, sau đó Quốc Vinh được chọn nhờ gương mặt có nét mềm mại nữ tính trong khi gương mặt Tôn Long cương nghị. Trần Khải Ca nhiều lần nói không ai có thể diễn Trình Điệp Y xuất thần như Trương Quốc Vinh.
 
Theo VnExpress

Đọc thêm các bài khác