Hiện tượng phim Việt bị kêu gọi tẩy chay trước khi ra rạp bắt đầu rộ lên từ năm ngoái với những tác phẩm như "Vu quy đại náo", "Hạnh phúc của mẹ", "Ngôi nhà bươm bướm".
Không lâu sau khi nhà sản xuất phim Trạng Tí phiêu lưu ký (khởi chiếu ngày 12/2/2021) lên tiếng về ồn ào bản quyền phim, mới đây, họa sĩ Lê Linh, tác giả của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt mà phim chuyển thể, đã chia sẻ lý do từ chối mọi đề nghị quyền lợi từ nhà sản xuất đưa ra. Tâm sự của anh một lần nữa thổi bùng làn sóng kêu gọi tẩy chay phim với lý do nhà sản xuất vi phạm quyền tác giả khi ký hợp đồng với Công ty Phan Thị.
Phim Trạng Tí phiêu lưu ký đang vấp phải làn sóng đòi tẩy chay phim vì ồn ào bản quyền
Phim Cậu Vàng (khởi chiếu ngày 8/1/2021) cũng gặp phải tình trạng tương tự. Lý do: đoàn phim dùng giống chó Shiba của Nhật Bản đóng Cậu Vàng thay vì dùng chó ta; và đại diện truyền thông của đoàn phim đã dùng lời lẽ không lịch sự, câu chữ mang tính xúc phạm, miệt thị đối với khán giả phản đối chuyện dùng chó Nhật.
Không đến mức tạo thành làn sóng đòi tẩy chay, nhưng phim điện ảnh Kiều (khởi chiếu ngày 8/3/2021) cũng bị cộng đồng mạng, nhất là các nhóm cổ phong ném đá, khẳng định mất hứng vì phim mắc nhiều lỗi liên quan đến lịch sử, cộng thêm nhà sản xuất Mai Thu Huyền có phát ngôn thể hiện kiến thức sai lệch.
Hiện tượng phim Việt bị kêu gọi tẩy chay trước khi ra rạp bắt đầu rộ lên từ năm ngoái với những tác phẩm như Vu quy đại náo, Hạnh phúc của mẹ, Ngôi nhà bươm bướm. Lý do tẩy chay liên quan đến đời tư diễn viên và cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của đoàn phim. Phản ứng quay lưng này cho thấy khán giả ngày càng có ý thức về quyền lực của mình, và việc họ lựa chọn thái độ tiêu cực cũng là cách cần thiết để những người làm phim tự nhìn ra hạn chế của mình mà chỉnh sửa, nhằm đáp ứng mong đợi của người xem.
Tuy nhiên thời gian gần đây, nhìn lại những bộ phim vấp phải làn sóng tẩy chay như Trạng Tí phiêu lưu ký, Cậu Vàng có thể thấy khán giả dường như đã lạm dụng “quyền lực” quá đà. Với phim Trạng Tí phiêu lưu ký, những chỉ trích nặng nề nhắm vào nhà sản xuất Ngô Thanh Vân vì đã bắt tay với Tập đoàn Phan Thị - nơi sở hữu quyền tác giả Thần đồng đất Việt - khi chuyển thể bộ truyện này thành phim - bộc lộ hiểu biết sai lệch về vấn đề bản quyền. Đáng tiếc hơn, những chia sẻ của tác giả họa sĩ Lê Linh trên trang cá nhân lại là tác nhân “châm dầu vô lửa”.
Cậu Vàng bị kêu gọi tây chay do dùng giống cho Nhật và phát ngôn của người quản lý truyền thông
Sự giận dữ của dư luận trước những phát ngôn thiếu cẩn trọng của người quản lý truyền thông trong phim Cậu Vàng là đúng, buộc đoàn phim phải lên tiếng xin lỗi. Nhưng, việc đòi tẩy chay phim chỉ vì một lỗi cá nhân, và phim sử dụng chó Nhật thay vì chó ta, cho thấy khán giả đang hành xử quá cảm tính.
Dòng phim cổ trang hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học vốn ít ỏi trên màn ảnh Việt, nên thiết nghĩ các phim như Trạng Tí phiêu lưu ký, Cậu Vàng xứng đáng nhận được sự ủng hộ của công chúng. Quyền phản ứng chỉ nên dừng lại ở mức độ góp ý, để nhà làm phim làm tốt hơn. Đừng lạm dụng biến thành những hô hào đòi tẩy chay.
Điện ảnh Việt đã trải qua một năm khó khăn vì dịch bệnh nên rất cần sự hỗ trợ, động viên từ khán giả. Và quan trọng hơn, đó là thành quả lao động sáng tạo miệt mài của những người làm phim. Nếu không thích, có thể chọn cách không xem phim, đừng “bóp chết” một bộ phim từ trong trứng nước bằng sự cảm tính, chủ quan.
Theo PNO