Theo lịch chiếu đã công bố, mãi đến ngày 12/3 bộ phim "Bố già" mới phát hành chính thức nhưng hiện tại, doanh thu phim đã vượt xa con số đầu tư 23 tỷ đồng.
Tính đến 18h30 ngày 9/3, theo số liệu từ Box Office Việt Nam (đơn vị độc lập, chuyên theo dõi số liệu các rạp chiếu Việt Nam), phim Bố già của Trấn Thành đã đạt doanh thu hơn 91 tỷ đồng. Với phim này, Trấn Thành đầu tư 1 triệu USD (khoảng 23 tỷ đồng). Theo dự đoán, phim sẽ sớm cán mốc 150 tỷ đồng, và chắc chắn góp mặt trong danh sách những phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử.
Theo thông lệ, khi doanh thu phim đạt gấp đôi kinh phí sản xuất, NSX sẽ huề vốn (NSX chia doanh thu cho đơn vị phát hành phim, tỷ lệ thường 50 - 50). Như vậy, hiện Bố già đã có lãi khoảng hơn 40 tỷ đồng.
Thông số từ phía nhà sản xuất công bố với truyền thông có chút khác biệt với Box Office Việt Nam
Ban đầu, phim được thông báo sẽ ra mắt chính thức vào ngày 12/3. Các suất chiếu sớm tại rạp từ 5 - 8/3. Tuy nhiên, với sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả, số suất chiếu sớm đã được tăng lên tiếp tục trong các ngày 9 - 11/3.
Từ khi ra rạp, Bố già liên tục lập kỷ lục tại phòng vé. Theo số liệu từ nhà phát hành Galaxy, Bố già là phim Việt có số suất chiếu sneakshow sau 18h cao nhất với hơn 1.200 suất, thu về 10,6 tỷ đồng chỉ trong 6 tiếng. Trong ngày ra mắt thứ 2 chiếu sớm, phim thu về 22 tỷ với 3.000 suất chiếu, trở thành phim Việt có doanh thu và suất chiếu trong ngày cao nhất mọi thời đại. Sang ngày thứ 3, phim thu 30 tỷ chỉ trong 1 ngày, tự phá kỷ lục của chính mình. Nếu duy trì được thành tích hiện tại, Bố già sẽ nhanh chóng lập nên những kỷ lục mới cho phim Việt.
Trấn Thành trên phiên bản điện ảnh được hoá trang chỉn chu, nhìn thật hơn so với bản chiếu trên YouTube
Trong khi đó, theo số liệu từ Box Office Việt Nam, doanh thu của Gái già lắm chiêu V - đối thủ của Bố già, chỉ mới vượt 16 tỷ đồng sau các suất chiếu sớm. Hiện, phim này cũng đang tăng cường suất chiếu sớm như Bố già, tránh khoảng nghỉ trước khi ra rạp chính thức vào 12/3 như kế hoạch trước đó.
Vậy điiều gì làm nên sức hút của Bố già?
Đối với các nhà phê bình phim, Bố già không nặng ngôn ngữ điện ảnh, không thiếu chi tiết thừa và kịch bản phim vẫn còn thiếu sót. Tuy nhiên, câu chuyện phim xúc động và chạm được cảm xúc của khán giả.
Khác với phiên bản Bố già chiếu trên YouTube trước đó, ở bản điện ảnh, câu chuyện về xóm lao động nghèo đã được viết lại, bỏ đi cũng như thêm vào nhiều nhân vật. Bố già xoay quanh cuộc đời của Ba Sang (Trấn Thành thủ vai), là "gà trống" nuôi con, ưa lo chuyện bao đồng và luôn là người chịu phần thiệt về mình. Cái tính thương người của Ba Sang khiến con trai của ông - Quắn (Tuấn Trần) nhiều lần cự cãi.
Diễn viên Tuấn Trần và diễn viên nhí Ngân Chi có màn hoá thân khá tốt trên phim
Ở Bố già, người xem thấy được ưu điểm và cũng nhìn ra những hạn chế nhất định. Nhưng điều khiến khán giả ở lại và dành lời khen tặng cho phim là cảm xúc. Phim chạm được khán giả và chạm rất sâu, khiến người xem bất giác phải nghĩ đến người cha thương yêu của mình ngoài đời. Nhiều chia sẻ của những khán giả bình thường sau khi xem phim, nói rằng mình nhớ cha, tiếc vì chưa chụp chung với cha tấm hình nào như Quắn, và tiếc vì chưa kịp nói với cha lời cảm ơn, lời xin lỗi.
Ngoài câu chuyện, diễn xuất và lời thoại trong phim khá thuyết phục. Trên phim, khán giả dễ thấy Trấn Thành đưa “vũ trụ” bạn bè, đồng nghiệp thân thiết của anh cùng tham gia, như đã từng trên các chương trình truyền hình. Tuy nhiên, nếu như trên truyền hình họ ồn ào, gây náo loạn một cách thiếu tiết chế thì với Bố già, họ được đặt vào các nhân vật phù hợp, giúp họ phát huy khả năng. Nói cách khác, Trấn Thành nâng tầm những diễn viên xuất hiện trong phim của mình, có thể kể đến nhân vật Cẩm Lệ của diễn viên Lê Giang, Quắn của Tuấn Trần.
Diễn viên Lê Giang khá duyên dáng, là một trong những nhân tố tạo tiếng cười trên phim
Cẩm Lệ là vai diễn duyên dáng, phù hợp nhất với Lê Giang cho đến thời điểm hiện tại. Từng phân cảnh nhân vật xuất hiện, từng lời thoại đều mang lại tiếng cười cho khán giả, giúp thay đổi cách nhìn, cảm xúc của người xem về Lê Giang so với những lần cô góp mặt trên truyền hình.
Với Quắn, Tuấn Trần có màn thể hiện tốt ngoài dự đoán. Anh vào vai vô cùng tự nhiên. Những đoạn đối thoại có nhịp điệu nhanh, đòi hỏi cao về đài từ, linh hoạt trong cách xử lý, Tuấn Trần đều làm được. Từ Bố già, sẽ không hề quá khi nhận định rằng nếu được chọn vào các kịch bản phù hợp, nam diễn viên sẽ trở thành gương mặt sáng giá của làng điện ảnh Việt.
Nhiều người cho rằng với Bố già, Trấn Thành đã giúp lấy lại được lòng tin của khán giả dành cho phim Việt
Điểm đáng khen lớn tiếp theo của Bố già là lời thoại trong phim. Những câu thoại bình dị, rất đời thường, đi sâu vào từng tình huống. Nhiều câu nói trở nên viral (lan toả rộng rãi) trên mạng xã hội thời gian qua như: "Chúng ta có nhiều thời gian, bố mẹ thì không", "Những điều đau khổ phải xảy ra để có những điều tốt đẹp", "Tại sao ba cứ hy sinh cho người khác mà không quan tâm người ta có cần hay không?"... chỉ là một trong số câu nói ấn tượng của các nhân vật và thông điệp chính của bộ phim.
Tuy nhiên, có nhiều đoạn hội thoại, vì biên kịch chú ý vần vè, lớp lang giống thoại trong các vở hài Trấn Thành thường đóng nên đôi chỗ hơi cường điệu, văn vẻ. Nhưng số lượng này không quá nhiều. Chưa kể, Bố già tái hiện khá sống động và chân thực về đời sống của một khu dân cư lao động, không gian quen thuộc của xã hội Việt Nam.
Nếu dành lời khen cho Bố già, có lẽ là thừa bởi đã có quá nhiều lời khen trong những ngày qua. Điều duy nhất có thể nói là lời cảm ơn dành cho êkíp Bố già, bởi nhìn theo góc độ tích cực nhất, bộ phim giúp khán giả Việt có lại niềm tin với phim Việt, vừa là một cú hích mạnh với thị trường phim trong nước hậu Covid-19 tái bùng phát.
Một bộ phim khai thác chủ đề không mới nhưng chỉn chu, có thông điệp, chạm được cảm xúc người xem. Với dòng phim thị trường Việt, cần điều gì hơn thế?
Theo PNO