Phim sắc dục là mỏ vàng trên nền tảng giải trí trực tuyến

Đăng lúc: 1:52 am, Ngày 10/07/2021

Hai năm qua, Netflix chứng kiến sự lên ngôi của không ít bộ phim nhiều cảnh trần trụi, phô trương da thịt dù nội dung kém. Gần đây nhất là series "Sex/Life".

Loạt phim gồm 8 tập ra mắt từ ngày 25/6, xoay quanh người phụ nữ có cuộc sống tưởng chừng hạnh phúc bên chồng con. Song, cô không thỏa mãn trong chuyện chăn gối mà nhung nhớ bạn trai cũ. Người vợ giằng xé giữa mối quan hệ hiện tại và những khoái cảm cùng anh chàng có khả năng đưa cô thăng hoa năm xưa.
 
Những bộ phim nóng bỏng dẫn đầu bảng xếp hạng
 
Sex/Life vào top phim/chương trình thịnh hành trên Netflix ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, chất lượng series không được đánh giá cao. Trên trang phê bình Rotten Tomatoes, nó chỉ nhận 31% đánh giá tích cực, với hầu hết ý kiến cho rằng phim quá chú trọng yếu tố tình dục. Trên thực tế, kịch bản phim chỉ dừng ở mức trung bình, có chút điểm nhấn về tâm lý phụ nữ nhưng bị lu mờ bởi loạt cảnh nóng và khoe da thịt.
Cảnh trong Sex/Life
 
Một trong những phân đoạn gây bàn tán nhất phim là ở tập 3, khi diễn viên Adam Demos khoe trọn bộ phận nhạy cảm trên màn ảnh. Tài tử sinh năm 1985 vốn không mấy tiếng tăm, chủ yếu đóng phim ở Australia trước khi có cơ hội ở Hollywood ba năm qua. Chỉ sau một khoảnh khắc, tên tuổi anh ngập tràn trên mạng xã hội.
 
Sex/Life không phải là sản phẩm đầu tiên ăn khách trên Netflix nhờ cảnh nóng. Hè năm ngoái, bộ phim 365 Days trở thành hiện tượng toàn cầu, dẫn đầu về số lượt xem tại nền tảng trực tuyến này ở nhiều quốc gia. Chuyện phim xoay quanh một cô gái bị chàng trai giàu có bắt cóc, ép ở với anh ta 365 ngày. Song, cô dần phải lòng người đàn ông này. Loạt cảnh làm tình được thể hiện trực diện, thậm chí mang yếu tố bạo dâm là điểm nổi bật của phim.
 
365 Days thậm chí chịu chỉ trích tệ hại hơn cả Sex/Life. Phim không được đánh giá tích cực nào trên Rotten Tomatoes, nhận sáu đề cử Mâm Xôi Vàng. Khán giả cũng chê phim với chỉ 3,3 điểm (trên 10) ở IMDb và 29% tích cực trên Rotten Tomatoes. Diễn biến tâm lý và những lời thoại của phim khiên cưỡng, ngớ ngẩn. Trên trang Change.org, 70.000 người ký tên xin gỡ bỏ 365 Days vì nội dung phản cảm. Tuy nhiên, Netflix thậm chí đang thực hiện hai phần tiếp theo.
Cảnh trong 365 Days
 
Nền tảng trực tuyến này gần đây trở thành “thiên đường” cho những phim nhiều cảnh nhạy cảm. Love - tác phẩm nổi tiếng của đạo diễn quái kiệt Gaspar Noé - là một ví dụ.
 
Bộ phim này ra mắt ở LHP Cannes (Pháp) năm 2015, gây sốc với những cảnh sex thật, lộ bộ phận sinh dục. Phim không thu hút khi chiếu rạp và chỉ thu 800.000 USD toàn cầu. Nhưng trên Netflix, Love bỗng thịnh hành vào năm 2020, theo sau một trào lưu trên TikTok mà người dùng ghi lại phản ứng của mình khi xem những cảnh đầu phim. Có lẽ cha đẻ của bộ phim cũng không ngờ nó lại nổi tiếng theo cách này. Tác phẩm vốn không được đánh giá cao trong sự nghiệp nhiều tranh cãi của Noé.
 
Ở mảng chương trình truyền hình, Netflix cũng ghi nhận sự thành công của các game show nóng bỏng, tiêu biểu như Too Hot to Handle. Năm 2020, mùa đầu chương trình hẹn hò gợi cảm này dẫn đầu về lượt xem khi ra mắt. Năm nay, mùa hai tiếp tục ra mắt, dù chương trình bị chê nhiều hơn khen.
 
Thói quen và bối cảnh dịch
 
Nền tảng trực tuyến dường như tạo điều kiện cho những bộ phim như 365 Days thành hiện tượng. Ở rạp, tác phẩm này hay Love hoàn toàn không có cơ hội chen chân vào top phim ăn khách nhất năm. Việc xem phim riêng tư ở nhà, giữa thời buổi giãn cách vì đại dịch rõ ràng ảnh hưởng đến lựa chọn của khán giả. Daily Beast kết luận ngắn gọn: “Người ta thích xem tình dục trên Netflix”, đồng thời cho rằng đại gia này có những thuật toán để biết sở thích của người dùng.
 
Trang này đánh giá Sex/Drive huỵch toẹt trong ý định hút khách bằng cảnh nóng: “Nói cách khác, mọi người dùng Netflix bị ám ảnh về tình dục sẽ thích nó”. Còn Buzz Feed cho rằng series hướng đến thiếu niên, mỉa mai rằng chúng có cốt truyện đơn giản, giống cái nhìn của trẻ con về hôn nhân.
Love bỗng nổi trở lại sau 5 năm
 
Chiến lược truyền thông của Netflix cho các phim kiểu 365 Days cũng khá kín đáo, không rầm rộ như The Crown hay Stranger Things (thứ họ mang đến các giải thưởng). Nhưng rồi hiệu ứng truyền miệng và mạng xã hội giúp loạt tác phẩm này đạt kết quả ấn tượng. Tờ New York Times nhận định thành công của 365 Days bắt nguồn sự lan truyền trên mạng xã hội, cụ thể là các thiếu niên trên TikTok quay phản ứng khi xem phim.
 
Một điểm khác giúp các nội dung khoe da thịt đạt lượt xem cao là cơ chế thanh toán của nhiều nền tảng trực tuyến. Người dùng trả một khoản định kỳ mỗi tháng, sau đó có thể tiếp cận bất kỳ nội dung nào trên đó. Quyết định xem một bộ phim tươi mát có thể chỉ là “cho vui”, mang tính giải trí mà không mất gì thêm. Nó khác với khi bạn phải chi tiền cho riêng bộ phim đó, ở rạp hoặc qua hình thức cho thuê.
 
Sự thay đổi cách tính lượt xem của Netflix lại đẩy cao các nội dung này trên bảng xếp hạng. Trước năm 2020, họ quy định một lượt xem là khi xem 70% một phim hoặc một tập trong series. Nhưng từ năm ngoái, thời lượng này được rút còn hai phút.
 
Theo Indiewire, 365 Days gây sốt chỉ vì hiệu ứng tò mò, khi một số người vào xem vài phút cảnh nóng. Giả sử họ bỏ ngang phim, hệ thống vẫn tính đó là một lượt xem.
 
Bất chấp sự khen chê, rõ ràng đây là một nhánh nội dung mà hãng muốn khai triển trong tương lai. Năm 2020, hai tác phẩm gây sốt là 365 DaysLove đều được họ mua lại từ hãng khác. Năm nay, đại gia này đã chủ động sản xuất những nội dung cùng công thức “nóng nỏng, cốt truyện đơn giản”, như Sex/Drive và hai phần kế của 365 Days.
 
Dù vậy, phản ứng của khán giả với các dự án sắp tới sẽ quyết định liệu đây có phải là hướng đi lâu dài, hay chỉ là cơn sốt nhất thời. Nội dung quá kém có thể là điểm yếu chí mạng với những phim kiểu này, khi khán giả dần mất hứng thú sau cú sốc ban đầu.
 
Theo Zing

Đọc thêm các bài khác