3 lý do khiến đoạn kết phim Võ Tắc Thiên bị ném đá

Đăng lúc: 11:33 am, Ngày 06/02/2015

Luôn dẫn đầu tỉ suất khán giả nhưng “Võ Mỵ Nương truyền kỳ” không để lại ấn tượng nào ngoài vẻ đẹp của Phạm Băng Băng và hình ảnh “thỏ trắng ngây thơ” của nhân vật chính.

Bộ phim như lẩu thập cẩm

Ở những phiên bản truyền hình về Võ Tắc Thiên trước đây, từ Nhất đại nữ hoàng (1985) với Phan Nghinh Tử đến gần đây nhất là Võ Tắc Thiên bí sử (2011) do 3 diễn viên Ân Đào, Lưu Hiểu Khánh và Tư Cầm Cao Oa cùng đảm nhận vai chính, tất cả đều thực hiện theo phong cách dã sử.

Thế nhưng với Võ Mỵ Nương truyền kỳ của Phạm Băng Băng, bộ phim đã gom chung nhiều thể loại phim như cổ trang, thần tượng, hậu cung… chẳng khác gì một nồi lẩu thập cẩm. Vì vậy, khán giả không thể xác định “hương vị” chính của tác phẩm này là gì và sau khi theo dõi trọn 96 tập phim, điều công chúng nhớ đến Võ Mỵ Nương truyền kỳ chỉ là bối cảnh đầy màu sắc, trang phục đẹp rực rỡ và nhan sắc mỹ miều của Phạm Băng Băng trong vai Võ Mỵ Nương.
Phạm Băng Băng Khán giả gọi Võ Mỵ Nương của Phạm Băng Băng là nàng "thỏ trắng ngây thơ".

Khán giả đón chờ Võ Mỵ Nương truyền kỳ để được xem lại hành trình trở thành vua bà đầu tiên trong lịch sử phong kiến Trung Hoa của Võ Tắc Thiên, song các nhà làm phim lại đưa người xem vào chuyện tình của Võ Mỵ Nương và Đường Thái Tông Lý Thế Dân (Trương Phong Nghị đóng) suốt hơn 60 tập phim. Trong tập 81, khi nhân vật của Phạm Băng Băng nói: “Cuộc đời của Võ Mỵ Nương ta mới bắt đầu”, nhiều khán giả dở khóc dở cười: “Vậy là chúng tôi mất trắng thời gian ngồi xem 80 tập trước đó sao?”. Có khán giả đã viết trên mạng xã hội: “Phạm Băng Băng hãy trả lại một Võ Tắc Thiên uy quyền, sắc sảo và đầy dục vọng cho khán giả”.

Những hư cấu “phản bội” lịch sử

Phim là phải có hư cấu thì mới hấp dẫn nhưng nhà biên kịch Phan Phác đã quá bạo tay khi sáng tạo mới cuộc đời Võ Mỵ Nương. Bấy lâu nay, người ta biết đến Võ Tắc Thiên là một phụ nữ thông minh, nhiều tâm kế nên mới bước lên ngôi nữ hoàng. Song, nhân vật này trong Võ Mỵ Nương truyền kỳ lại được tô vẽ bằng sự hồn nhiên, thánh thiện khiến khán giả ví von như nàng “thỏ trắng ngây thơ”. Mãi đến tập 74, Võ Mỵ Nương mới thể hiện sự phản kháng của mình, song đó là sự phản kháng rất đỗi bình thường của một người mẹ mất con trong chi tiết Vương hoàng hậu (Thi Thi đóng) làm bà hư thai, chứ không phải hành động của một Võ Tắc Thiên đầy tham vọng như các phiên bản trước.

Từ Huệ là hình ảnh của Từ Tuệ có thật trong lịch sử, là người thứ 2 sau Trưởng Tôn hoàng hậu được Đường Thái Tông Lý Thế Dân sủng ái, một lòng lòng chung trinh với hoàng thượng. Dù thời gian đầu Võ Mỵ Nương cũng rất được vua thương yêu nhưng sau đó thì bỏ lơ nên mới phải làm tài nhân suốt 12 năm trời. Tuy nhiên khi xuất hiện trong Võ Mỵ Nương truyền kỳ, Từ Huệ lại được miêu tả như một nhân vật phản diện, vì muốn được hoàng đế quan tâm đã bày mưu tính kế hãm hại bạn thân Võ Mỵ Nương. Chi tiết này có thể khiến bộ phim thêm kịch tính, song dưới mắt các nhà sử học, đó là sự hư cấu mang tính chất “phản bội” lịch sử, không thể chấp nhận.
Phạm Băng Băng Trương Quân Ninh đảm nhận vai Từ Huệ.

Thêm một hư cấu làm phật lòng giới sử học là chuyện Võ Mỵ Nương có thai với Đường Thái Tông Lý Thế Dân khi bị đưa vào chùa Cảm Nghiệp. Phát hiện chi tiết này, phía kiểm duyệt yêu cầu chỉnh sửa vì thực tế, Võ Mỵ Nương không có đứa con nào với Lý Thế Dân. Do phim đã lên sóng, không thể quy tụ diễn viên quay lại nên đoàn phim phải chữa cháy bằng cách dùng lời thoại lồng tiếng cho biết đó là con của Đường Cao Tông Lý Trị (Lý Trị Đình đóng). Việc sửa đổi này khiến khán giả cảm thấy buồn cười vì trước đó, ngoài những cái ôm thoáng qua, tình cảm của Lý Trị và Võ Mỵ Nương không thân thiết đến mức có con với nhau.

Không chỉ hư cấu sai lịch sử, Võ Mỵ Nương truyền kỳ còn bị tố đã “ăn cắp” nhiều tình tiết của bộ phim đình đám Hậu cung Chân Hoàn truyện trước đó. Ví dụ như tình huống Vi Quý Phi (Trương Đình đóng) bắt Lưu Hiền Phi (Nhiếp Mai đóng) té ngã hư thai để vu oan cho Dương Thục Phi giống chi tiết hoàng hậu Nghi Tu (Thái Thiếu Phân đóng) cố ý khiến An Quý nhân (Đào Hân Nhiên đóng) hư thai rồi đổ tội cho Chân Hoàn (Tôn Lệ đóng). Hay cảnh gặp gỡ tình cờ của Võ Mỵ Nương với Đường Thái Tông Lý Thế Dân cũng bị xem là copy từ cuộc chạm mặt đầu tiên của Chân Hoàn với hoàng đế Ung Chính (Trần Kiến Bân đóng)...
Phạm Băng Băng Việc cho Võ Mỵ Nương ra trận đánh giặc được cho là hư cấu ngớ ngẩn.

Chiêu trò tình ái của Phạm Băng Băng

96 tập phim Võ Mỵ Nương truyền kỳ kết thúc, người ta mới bình tĩnh nhìn lại và nhận ra Phạm Băng Băng đã biết tận dụng sức hấp dẫn của mình để làm truyền thông cho phim. Ban đầu, trong quá trinh ghi hình, báo chí liên tục nhắc đến mối quan hệ “trên mức tình cảm” của cô với tài tử trẻ Lý Trị Đình. Luôn xuất hiện thân mật bên nhau, họ tạo dư luận khiến ai cũng nghĩ rằng 2 người đang thật sự cảm mến nhau. Nàng khen chàng là “chàng trai lý tưởng”, còn chàng thổ lộ rằng nàng là “mẫu phụ nữ tuyệt vời”.

Đến khi Võ Mỵ Nương truyền kỳ lên sóng, chuyện tình cảm của Phạm Băng Băng bất ngờ chuyển hướng sang Lý Thần - nam diễn viên đóng vai tướng quân Lý Mục. Lý Trị Đình gần như bị “ném” sang một bên khi báo chí xúm quanh cặp đôi này để khai thác. Nào là chuyện họ lén lút hẹn hò với nhau, nào là chàng đưa nàng về ra mắt gia đình, thậm chí là thông tin Lý Thần cầu hôn thành công Phạm Băng Băng và đám cưới sẽ diễn ra vào tháng 6...

Thực hư mối quan hệ tình cảm của Phạm Băng Băng - Lý Trị Đình và Phạm Băng Băng - Lý Thần thế nào, mãi đến nay vẫn chưa biết. Song, chúng đã giúp người ta quan tâm hơn đến bộ phim Võ Mỵ Nương truyền kỳ. Một khán giả thẳng thắn đặt nghi vấn: “Phải chăng Võ Mỵ Nương đang lừa dối khán giả?”.
 
Theo Anh Dương/Zing

Đọc thêm các bài khác