Lý giải thành công của 'Cô dâu 8 tuổi'

Đăng lúc: 7:51 am, Ngày 05/07/2015

“Cô dâu 8 tuổi” là bộ phim phản ánh chân thực các khía cạnh khác nhau của nạn tảo hôn tại quê hương của Bollywood.

Với cảnh quay được dàn dựng tại vùng nông thôn bang Rajasthan (Tây Bắc Ấn Độ), Cô dâu 8 tuổi - bộ phim truyền hình 130 tập do hãng Sphere Origin sản xuất là câu chuyện có thật của một bé gái tên là Anandi (Avika Gor thủ vai) kết hôn khi mới 8 tuổi với một người chồng bằng tuổi tên là Jagdish (Avinash Mukherjee thủ vai). Bước vào một thế giới mới xa lạ, cô bé Anandi đánh mất tuổi thơ và phải chấp nhận thích nghi với cuộc sống mới với tư cách là một người bạn, người tình và sau đó trở thành người vợ, người mẹ “trẻ con”.

Giải thích cho lý do chấp bút cho một kịch bản có nội dung nhạy cảm, Purnendu Shekhar- biên kịch của bộ phim nói rằng: “Với tôi đó là một vấn nạn thực sự, cho đến bây giờ tảo hôn vẫn tồn tại ngang nhiên tại nhiều vùng quê ở Rajasthan. Tôi đã chứng kiến nhiều đứa trẻ ngơ ngác trong những đám cưới, mẹ tôi cũng đã phải kết hôn khi mới 15 tuổi”.
Cô dâu 8 tuổi Cô dâu 8 tuổi

Vào ngày 21/7/2008, Cô dâu 8 tuổi với những góc cạnh khác nhau của nạn tảo hôn đã chính thức khởi chiếu ở Ấn Độ và ngay lập tức gây ra nhiều tranh cãi ở quốc gia này. Hơn 1 năm sau khi phát sóng, Cô dâu 8 tuổi trở thành một trong những tác phẩm “nóng” trên hệ thống truyền hình cáp ở Ấn Độ, trực tiếp giúp Colors TV trở thành kênh truyền hình được xem nhiều nhất.

Thành công ngoài mong đợi của Cô dâu 8 tuổi cũng từng khiến bộ phim phải đối diện với lệnh cấm phát sóng vì Quốc hội Ấn Độ cho rằng tác phẩm mang tính tư liệu này đã đi ngược lại Hiến pháp vì tảo hôn đã bị cấm theo luật Ấn Độ. Tuy nhiên, trước làn sóng phản đối của người dân nơi đây, Quốc hội sau đó đã phải đưa ra phán quyết bộ phim vẫn có thể tiếp tục được công chiếu.

Dù gặt hái thành công vang dội nhưng nhà biên kịch Purnendu Shekhar chia sẻ, ông không muốn tạo ra một cuộc cách mạng gì ghê gớm mà chỉ mong Cô dâu 8 tuổi sẽ giúp mọi người có cái nhìn và suy nghĩ thật sự về vấn nạn tảo hôn, đặc biệt là những người dân nghèo tại các vùng quê - đối tượng chủ yếu của bộ phim.

Đến nay, Cô dâu 8 tuổi vẫn là chương trình truyền hình duy nhất tại Ấn Độ đi sâu phản ánh một tệ nạn xã hội ăn sâu trong tiềm thức ở nhiều vùng quê nghèo. Phim trở lại với khán giả Việt Nam trên sóng YouTV lúc 16h30 hàng ngày từ 7/7/2015.
 
Anh Dương/Theo IMC

Đọc thêm các bài khác