Diễm Hương trong “Mối tình đầu”, Nết trong “Đến hẹn lại lên”, hay Sương trong “Mùa hè chiều thẳng đứng” là những vai diễn luôn được nhắc đến khi nói về bà.
Nết trong Đến hẹn lại lên
Đến hẹn lại lên được xem là một trong những bộ phim kinh điển nhất của nền điện ảnh Việt Nam. Tác phẩm của đạo diễn Trần Vũ không những được đánh giá cao về mặt nội dung - nghệ thuật mà còn được nhiều người khen ngợi nhờ diễn xuất gần như hoàn hảo của cặp đôi diễn viên chính Như Quỳnh (vai Nết) và Vũ Tự Lẫm (vai Chi).
Như Quỳnh khi đó chưa phải là một nữ diễn viên tiếng tăm trong khi Vũ Tự Lẫm lại là một anh Hai miền quan họ, tức không phải là diễn viên chuyên nghiệp. Nhưng Trần Vũ vẫn nổi tiếng là một đạo diễn biết nhìn người và quyết định của ông chẳng những không gây thất vọng mà còn đạt thành công ngoài mong đợi.
Như Quỳnh vai cô Nết.
Vai Nết có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp diễn xuất của Như Quỳnh. Chính nhờ vai diễn này mà Như Quỳnh đã đạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 3 (1975) và là nền tảng vững chắc để bà trở thành một trong những minh tinh màn ảnh sau này.
Diễn xuất của Như Quỳnh trong bộ phim được đánh giá là kết hợp ăn ý với nam diễn viên chính để chuyển tải được thông điệp về phẩm giá con người trong hoàn cảnh éo le, cùng cực. Vẻ đẹp đậm chất phương Đông trong sáng, thánh thiện của Như Quỳnh cũng được cho là góp phần không nhỏ vào thành công của bộ phim.
Diễm Hương trong Mối tình đầu
Mối tình đầu là một tác phẩm nghệ thuật thứ 7 quy tụ dàn diễn viên tài năng và xuất sắc nhất của nền điện ảnh Việt Nam đó là NSND Thế Anh, NSND Trà Giang và NSND Như Quỳnh. Đóng cùng với đàn anh, đàn chị trong nghề, những người mà tên tuổi nghệ thuật đã được khẳng định, khi đó nhiều người cho rằng Như Quỳnh có thể bị lép vế. Tuy nhiên Như Quỳnh đã khẳng định được phong cách diễn xuất riêng của mình, chẳng những diễn tròn vai mà còn có nhiều sáng tạo về tâm lý khiến nhân vật trở nên hấp dẫn và gây sự chú ý hơn.
Như Quỳnh và Thế Anh trong một cảnh phim.
Có thể nói Như Quỳnh và Thế Anh đã thực sự trở thành một trong những cặp đôi hoàn hảo trên màn ảnh nhờ vai diễn này. Hai người cùng được đào tạo bài bản về diễn xuất, cùng đam mê và cháy hết mình với nghề, cùng là những người được đông đảo khán giả yêu mến. Nhiều người cho rằng, Như Quỳnh chẳng những thấu hiểu vai diễn của bản thân mà còn tìm hiểu tương đối kỹ lưỡng vai diễn của đồng nghiệp để có những kết hợp ăn ý nhất. Vai diễn Diễm Hương trong bộ phim này cho đến nay vẫn được xem là một trong những vai diễn ấn tượng nhất của nền điện ảnh Việt Nam.
Ái trong Ngày Lễ Thánh
NSND Bạch Diệp vốn là một người cực khó tính trong việc chọn diễn viên thế nên không phải ngẫu nhiên mà nữ đạo diễn nổi tiếng bậc nhất Việt Nam chọn Như Quỳnh cho một vai diễn khó trong bộ phim Ngày Lễ Thánh của bà. Trong tác phẩm điện ảnh này, Như Quỳnh vào vai Ái - một nữ giáo dân đã có một đời chồng. Nữ diễn viên xinh đẹp tiếp tục đóng cùng với Trà Giang - một trong những nữ nghệ sĩ nổi tiếng nhất vào thời điểm đó.
NSND Như Quỳnh và NSND Trà Giang trong phim Ngày Lễ Thánh.
Như Quỳnh một lần nữa chứng tỏ được tài năng nghệ thuật thiên bẩm và phong cách diễn xuất tự nhiên nhất có thể. Công bằng mà nói Ái là một nhân vật có tâm lý đa dạng nếu không muốn nói là khá phức tạp, do vậy đòi hỏi Như Quỳnh không những phải hiểu nhân vật mà còn phải sống trong tâm trạng và tính cách của nhân vật. Kết thúc phim, Như Quỳnh được đánh giá là đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình. Cùng với Trà Giang, Như Quỳnh đã góp phần không nhỏ vào thành công của bộ phim.
Bà Văn Minh trong Số đỏ
Bà Văn Minh là vai diễn được xem “ngược chiều” trong dòng chảy diễn xuất của Như Quỳnh. Thế nhưng, một nữ diễn viên tài năng thì dẫu có đi ngược chiều của dòng chảy vẫn tạo được dấu ấn riêng. Như Quỳnh vào vai bà Văn Minh đạt đến mức nhiều người thắc mắc, liệu tính cách ngoài đời của nữ diễn viên có như vậy. Và với người diễn viên thì còn gì hơn khi được khán giả nhận xét như thế.
Như Quỳnh được xem là một trong những "minh tinh không tuổi" của màn ảnh Việt.
Số đỏ - một trong những bộ phim nổi tiếng nhất của nền điện ảnh Việt Nam thực chất là một tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết thành công nhất của Vũ Trọng Phụng. Điều đặc biệt trong bộ phim này hay nói đúng hơn là trong cuốn tiểu thuyết này là mỗi nhân vật có một tính cách riêng, đóng góp một vai trò riêng và gần như tất cả các nhân vật xuất hiện đều cần thiết. Lần này, Như Quỳnh không vào vai nữ diễn viên chính tuy nhiên không ai có thể quên được Như Quỳnh bởi những biểu cảm “có một không hai” và thần thái giống như “đúc từ một khuôn” với nhân vật tiểu thuyết.
Sương trong Mùa hè chiều thẳng đứng
Mùa hè chiều thẳng đứng là một trong những bộ phim xuất sắc của đạo diễn hải ngoại Trần Anh Hùng. Tác phẩm được cho là đã góp phần quảng bá nền điện ảnh Việt Nam ra thế giới và là một trong số ít những phim do Việt Nam sản xuất gây được sự chú ý khi công chiếu ở nước ngoài. Giới phê bình cũng hết lời khen ngợi Mùa hè chiều thẳng đứng, nhiều ý kiến cho rằng bộ phim kết hợp hài hòa được yếu tố bi kịch với sự tráng lệ, nên thơ thông qua những câu chuyện đời thường.
Như Quỳnh vào vai người chị cả bán nước trong phim.
Tuy nhiên, dẫu có lãng mạn và nên thơ như thế nào thì đây vẫn là một tác phẩm điện ảnh được đánh giá là bi kịch bậc nhất trong làng điện ảnh khi mà cả ba nhân vật nữ chính đều là những phụ nữ có số phận đầy éo le, ngang trái. Đó ba mảnh đời tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ. Như Quỳnh vào vai người chị cả tên Sương, một nhân vật có diễn biến tâm lý rất đàn bà, rất tinh tế nhưng cũng không kém phần bản lĩnh. Như Quỳnh đã lột tả được tất cả thần thái cần có có nhân vật, đồng thời sáng tạo có chủ đích những biểu cảm phù hợp để nhân vật thêm hấp dẫn, sinh động. Sương cũng được xem là một trong những vai diễn đã làm nên tên tuổi của NSND Như Quỳnh.
Lê Đức/Theo Công luận