Tình trạng nghệ sĩ bỏ về giữa chừng vì không được trao giải, thậm chí không đến nhận giải, xảy ra khá phổ biến.
Một giải thưởng âm nhạc mới diễn ra cách đây vài ngày gây ồn ào dư luận bởi cách ứng xử của giới văn nghệ sĩ. Những hình ảnh khó coi từ hàng ghế khách mời đã làm giảm giá trị của một giải thưởng lớn tồn tại gần 20 năm.
Làm khổ ban tổ chức
Ở lễ trao thưởng này, vì được truyền trực tiếp nên không chỉ khán giả ở sân khấu mà khán giả xem truyền hình cũng thấy khó coi cảnh nghệ sĩ lục tục kéo nhau ra về sau mỗi hạng mục giải thưởng được công bố. Hàng ghế VIP (dành cho nghệ sĩ trong danh sách đề cử) bỗng chốc vắng tanh, chỉ còn cha con ca sĩ Trọng Hiếu. Không ít lần, máy quay “chộp” được hình ảnh Trọng Hiếu ngơ ngác nhìn đồng nghiệp của mình bỏ về.
Chuyện nghệ sĩ quần là áo lượt rôm rả đến khoe dáng ở sảnh nhưng khi trao giải thì lục tục bỏ về vì không được xướng tên vốn không còn lạ, xảy ra ở nhiều lễ trao giải. Ngược lại, ở một số giải, vì cách tổ chức “bí mật giờ chót” nên xảy ra chuyện nghệ sĩ không tới dự dù được mời và trúng giải. Nghệ sĩ Quyền Linh chia sẻ: “Không ít lần tôi bật khóc vì sự lạnh lùng, vô tình của chính đồng nghiệp mình”.
Số là trong vai trò người tổ chức một giải thưởng điện ảnh của Hội Sân khấu Điện ảnh TP HCM, nghệ sĩ Quyền Linh chạy đôn chạy đáo lo toan để giải thưởng được chu toàn. Vì hội không có kinh phí nên Quyền Linh phải nhờ đến một số đồng nghiệp thân thiết. Nhưng lúc lễ trao giải diễn ra, chỉ còn 5 phút nữa đến lượt trao cho nghệ sĩ A, ban tổ chức (BTC) gọi điện mãi thì người này bảo “đang trên đường tới”. Đến khi được xướng tên, bóng dáng nghệ sĩ A chẳng thấy đâu. Tìm hiểu hậu trường mới biết nghệ sĩ A không đến vì… sợ “quê”, không trúng giải.
Trông người mà ngẫm đến ta...
Sẽ là khập khiễng nếu so sánh nhưng hẳn ai cũng phải khao khát khi nhìn những lễ trao giải diễn ra trên thế giới như Oscar hay Grammy. Cứ đến những mùa lễ hội này, sao hạng A khắp thế giới lại đổ về. Đó thực sự là mùa lễ hội mà cả công chúng đến nghệ sĩ đều khao khát có được vé tham dự. Bởi lẽ, chuyện giải thưởng, chuyện quảng bá thương hiệu và sự vinh dự khi được tham dự giải thưởng là những phần tách biệt nhau. Hình ảnh các nghệ sĩ có mặt đông đủ, luôn dõi theo mọi khoảnh khắc diễn ra lễ trao giải một cách nghiêm túc nhất và đứng lên vỗ tay chúc mừng người chiến thắng tại Oscar, Grammy, Cannes, VMAs, MTV, thậm chí là các giải thưởng không mấy đình đám như People Choice hay CMA... luôn khiến cho các lễ trao giải thêm giá trị, nghệ sĩ thêm lung linh.
Việc được dự giải Grammy là mơ ước của nhiều người, trái ngược với nhiều giải thưởng trong nước Ảnh: Reuters
Ở nhiều giải thưởng trên thế giới, BTC còn phải lập cả đội kiểm soát viên luôn trong tư thế sẵn sàng mời khách không mời rời khỏi khuôn viên giải thưởng. Khách không mời có khi là khán giả nhưng phần lớn là những người đang mon men vào con đường nghệ thuật với khát khao cống hiến và được nổi tiếng mãnh liệt. “Nhìn vào những hình ảnh đó, giá trị giải thưởng đó, ai chẳng khao khát được dự, được mời. Đâu phải tự nhiên mà người ta lại gán 2 chữ “danh giá” vào sau tên giải thưởng. Chỉ điều đó thôi cũng đủ có bận mấy cũng không thể lỡ giải thưởng” - một nghệ sĩ gạo cội nói.
Nói thế để thấy văn hóa giao tiếp, ứng xử của một số nghệ sĩ trong làng showbiz Việt còn khá kém. “Mỗi giải thưởng dù lớn hay nhỏ đều ghi nhận sự cống hiến. Việc nghệ sĩ được tôn vinh cũng do công chúng bình chọn, gửi gắm, muốn họ có nhiều đóng góp hơn nữa cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà. Thái độ, ứng xử không phù hợp, bỏ về hay không đến nhận giải không chỉ làm mất đi giá trị giải thưởng mà còn đánh mất hình ảnh của họ trong công chúng” - một nghệ sĩ ưu tú đúc kết.
PG thế chỗ nghệ sĩ vắng mặt
Chuyện nghệ sĩ mời không đến vì ngại không có giải xảy ra nhiều đến mức BTC giải thưởng luôn phải chuẩn bị sẵn một đội ngũ PG ăn mặc lộng lẫy như nghệ sĩ, sẵn sàng thay thế. Đại diện một công ty truyền thông cho biết cách đối phó này chẳng giống ai nhưng buộc phải làm thế để hình ảnh lên truyền hình được tròn trịa.
“Không ít lần nghệ sĩ hỏi trước chúng tôi về kết quả giải thưởng rồi mới quyết định đến dự lễ hay không. Điều đó thật sự gây nhiều khó khăn cho chúng tôi vì BTC muốn có một buổi tiệc sum vầy dành cho nghệ sĩ. Ý nghĩa đó lớn hơn cả việc tôn vinh một cá nhân nào. Nhưng dường như mọi người không hiểu, thậm chí là phớt lờ ý nghĩa của chương trình” - đại diện này nói.
Thùy Trang/Theo Người lao động