Không có mặt ở đám đông, không tham dự những sự kiện ồn ào… một ngày của NSƯT Hữu Châu xoay quanh sân khấu, trường học, học trò.
Những mối quan hệ xã giao anh không thích, những câu chuyện thị phi ai hỏi là anh cau mày. Thế nhưng, chỉ cần câu chuyện xoay quanh sân khấu và việc học, anh ngay lập tức có thể nói đến sáng.
Trên poster phim Lô tô mới đây là anh với gương mặt một bên nam một bên nữ, một bên cười và một bên ngấn lệ. Nhiều người đã nói, chẳng hiểu sao nhìn poster đó lại nghĩ đến cuộc đời thực của anh…
-Không đâu mà, tôi bây giờ vui lắm, những ngày buồn nó qua rồi. Bao nhiêu biến cố gia đình cũng đã đi qua rồi. Giờ có điều gì bất ý xảy đến, tôi cũng không buồn nữa. Tôi theo thuyết nhà Phật, nếu cái gì đến thì đó là nghiệp, mình nhận lấy đi. Nghĩ vậy sẽ khiến mình bình thản hơn. Điều tốt đẹp của việc phải đi qua những ngày buồn trong đời là sự hiểu thấu thế sự, không vội vàng phán xét, không vội vàng nhận định cũng không dễ buồn.
NSƯT Hữu Châu trên poster phim Lô tô.
Lệ Liễu của Lô tô là một người rày đây mai đó với nghề hát. Và, cuộc đời ấy anh có tìm thấy mình chút nào trong đó không?
-Từ lúc bé tôi đã cùng ba mẹ rong ruổi khắp nơi với gánh hát, điểm dừng là một bãi đất trống của một tình xa nào đó, rồi sân khấu được quây lại bằng những tấm bạt. Chúng tôi đi khắp cả nước, có khi đi một lèo như vậy đến 7 tháng mới về, hết tỉnh này đến tỉnh kia. Chính vì thế, về lý thuyết thì tôi là một diễn viên nên khi nhận vai diễn nào, thì đó đơn thuần chỉ là công việc của một diễn viên. Cảm xúc thì với vai diễn nào cũng phải có, tôi mới diễn được. Thế nhưng, với Lệ Liễu của Lô tô, không thể phủ nhận rằng đó là một nhân vật có nhiều đặc điểm để tôi có cảm xúc riêng.
Một tháng ở Hà Tiên để quay Lô tô, tôi như tìm lại được cái ngày xưa đó. Có một cảnh quay, tôi không diễn, tôi nằm phía trên nhìn xuống, thấy các em bật đèn, quay sân khấu, diễn… trời ơi tôi nhìn mà nhớ. Cứ như ngày rong ruổi của tôi cùng ba mẹ quay về vậy. Không chỉ là những tấm bạt quây, không chỉ là những ánh đèn hiu hắt, không chỉ là tiếng hát vọng trôi trong đêm… người dân ở đó họ thương nghệ sĩ, như chúng tôi đã được thương khi đi diễn khắp đó đây của ngày xưa. Tôi nói thèm thốt nốt, họ ở bên ngoài nghe được, vậy là hôm sau mang thốt nốt tới.
Đó cũng là lý do tôi ít khi nào nhận lời với phim nào đi xa nhưng tôi không từ chối Lô tô. Chúng tôi ở dưới đó suốt cả tháng như thế.
Là vì anh là người hoài niệm, hay hoài niệm là điều tất yếu của bất kỳ nghệ sĩ nào?
-Nghệ sĩ chúng tôi, ký ức dồn ký ức, và đó chính là thứ giúp chúng tôi làn nên những vai diễn của mình. Vừa rồi tôi có làm một chuyến tìm về các điểm diễn ngày xưa ở miền Trung, về các “bến” mà ngày xưa đoàn của tôi dừng lại. Những bãi đất trống ấy không còn nữa, bây giờ mọc trên nó là nhà cao tầng. Tôi không nhận diện được địa điểm đó nhưng hỏi người dân, họ chỉ liền cho tôi chỗ nào là chỗ của ngày xưa.
Rồi tôi đến một nhà hát cũ ở Huế, nhà hát đó bây giờ đóng cửa, người ta không cho vô, tôi lén vô từ phía sau. Chỗ đó ngày xưa trên trần diễn có 1 lỗ thủng nhỏ, chúng tôi hay trêu nhau bèn cách đứa này ở phía dưới diễn, đứa phía trên chọt mấy thứ xiu xíu xuống… Bạn tin không, cái chỗ thủng đó vẫn còn y nguyên như ngày xưa. Tôi nhìn không gian đó, cái chỗ thủng đó mà tự nhiên muốn khóc.
Nghệ sĩ chúng tôi, ký ức dồn ký ức, và đó chính là thứ giúp chúng tôi làn nên những vai diễn của mình.
Nhưng một người mải miết đi tìm ký ức, có bao giờ là vì họ thất vọng với hiện tại không?
-Không, tôi không thất vọng gì với hiện tại cả. Thầy tôi từng nói, ký ức của người nghệ sĩ là một thứ vốn quý, quả thật vậy. Chính nó giúp chúng tôi có cảm xúc với những vai diễn của mình.
Hiện tại của tôi vẫn vui, tôi sống cuộc sống bình thản của mình. Tôi không đến những chỗ xô bồ, tôi diễn xong, dạy xong thì đi chơi với học trò, tếu táo với tụi nó rồi về nhà ngủ. Tôi không quan tâm việc người ta lương có cao hơn mình không, họ có nói đúng về điều kia không. Trên poster kia, tên mình được xếp sau tên đàn em, thì cũng có sao đâu, tôi không quan tâm. Điều hạnh phúc nhất với tôi là khi nhìn một poster, khán giả đó quay sang nói với người bên cạnh “Ê, phim này có Hữu Châu kìa”. Thật, hạnh phúc nó nằm ở đó.
Còn lại, bây giờ ít khi nào tôi để bản thân mình phiền muộn điều gì. Mỗi khi nghe một điều gì đó không hay, tôi luôn nghĩ có khi không phải vậy đâu, có khi nếu mình tiếp xúc thì mình sẽ thấy người đó khác, sẽ thấy sự việc cũng khác. Giờ tôi cũng ít khi nổi giận. Mỗi khi bắt đầu nhận ra mình bắt đầu “căng”, tôi bỏ đi chỗ khác. Ngày xưa tôi nóng tính lắm, kiểu khẳng tính của người miền Nam, cái gì không được là tôi nói ngay, giờ khác. Những điều gì đó không tốt đến với mình, tôi mở lòng nhận lấy, với sự nhẹ tâm nhất. “Ừ nghiệp đến rồi, mình cứ nhận lấy”, tôi tự nói với bản thân mình như thế.
Liệu một ai đó có thể làm được vậy không, nếu những trải nghiệm trong đời họ không qua nhiều tầng nấc đắng cay?
-Ừ, có lẽ vì chính những trải nghiệm của cuộc đời mình mà tôi mới tìm được tâm thế đó ở ngày hôm nay. Tôi nghĩ vầy, nếu không có những biến cố, biết đâu bây giờ tôi đã là một Hữu Châu hư hỏng, là một kẻ khi người rồi. Tôi sinh ra là một cậu ấm mà, đi học được đưa đón bằng xe hơi, là cháu của một chủ gánh hát nổi tiếng cả vùng mà. Biến cố cuộc đời khiến tôi nhận ra trên đời này có gì mà không thể mất đi, hào quang hay danh vọng, khi mình mất đi nó cũng chẳng còn. Nên bây giờ tôi chỉ muốn được làm nghề và nếu có cơ hội để dạy cho các diễn viên trẻ, tôi dạy hết lòng. Các em bây giờ nhiều em có năng khiếu, nếu gặp được người lớn chỉ dạy, các em sẽ giỏi thôi.
Nhưng sân khấu bây giờ đã khác ngày đó. Ngày đó diễn viên chỉ có mỗi sân khấu, còn bây giờ bên ngoài sân khấu là nhiều lời mời khác…
-Đúng, vì thế mà tôi nghĩ rằng chúng ta cũng đừng trách gì diễn viên trẻ mà nên thương các em nó. Sân khấu không còn là nơi duy nhất, mà ngoài kia thì lại kiếm được tiền. Chỉ có điều tôi vẫn mong các em gặp được những đàn anh, đàn chị có long với các em và có lòng với nghề, để các em được chỉ dạy thêm. Nghề hát là nghề khổ luyện, không là không giỏi được, mà các em không giỏi thì không thể giúp thế hệ sau giỏi được.
Nhiều em nghĩ chỉ học trong trường là xong, không phải đâu. Chính trên sân khấu thực tế, chính việc tập luyện cùng cũng người giỏi mới làm mình giỏi được. Như tôi, trên sân khấu, tôi nói bằng giọng sân khấu mà nếu các em không “đua” theo thì đâu có được, và việc “đua” hoài sẽ khiến các em quen với làn hơi ấy, rồi tự khá lên.
Tôi bây giờ tập trung vào dạy cũng là vì vậy. Tôi không dám ước ao nhiều, chỉ mong học trò của mình rồi có thể làm nghề và có thể dạy lại những gì mà chúng biết cho lớp sau. Mỗi người làm một ít chứ cũng chẳng cầu mong gì nhiều, vậy thôi.
Nói về việc truyền đạt cho thế hệ sau, nhiều người cho rằng việc làm giám khảo game show cũng là một cách truyền dạy, nhưng anh lại từ chối…
-Thôi, lần này chúng ta đừng nói về game show nữa nhé.
Thật ra nhiều diễn viên trẻ mong được anh chỉ dạy lắm, nhưng họ cũng sợ anh đến mức không dám lại gần vì anh nghiêm khắc quá!
-Không phải đâu, các em thương tôi đó. Thật ra, tôi không phải là người giỏi trong các mặt, tôi chỉ giỏi một thứ thuộc về chuyên môn mà tôi đang dạy thôi, là môn nói. Mà cái mình gì không giỏi thì không dạy và không nhận xét người khác. Nhiều người muốn tôi dạy về kỹ năng diễn xuất nhưng tôi lắc đầu, vì tôi đâu có giỏi môn đó.
Với các diễn viên trẻ, nếu có dịp diễn chung với các em, tôi đều cố để sao cho các em học được nhiều điều nhất, kịch cũng vậy mà phim cũng vậy. Mình có kinh nghiệm, nhiều khi tập 2 lần là diễn được, còn các em thì phải tập 20 lần. Mà nó diễn chung cảnh với mình, nó tập lại mình cũng phải tập lại chứ sao. Nhiều người mệt nên cáu, tôi thì nghĩ mình phải giúp tụi nó, không thì tụi nó rèn nghề sao được.
Tôi không dám ước ao nhiều, chỉ mong học trò của mình rồi có thể làm nghề và có thể dạy lại những gì mà chúng biết cho lớp sau.
Vậy còn chuyện học trò anh cứ thấy anh phía dưới là “khớp”?
-À, cái này thì có. Tụi nó tập dữ lắm, nhưng cứ thấy tôi ngồi dưới là “khớp” liền. Điều này cũng bình thường thôi. Như tôi, tôi cũng là NSƯT, thầy tôi (đạo diễn Đoàn Bá - PV) cũng là NSƯT nhưng bất cứ khi nào diễn mà có thầy tôi ngồi dưới là tôi run như cầy sấy. Tôi đi diễn bao nhiêu năm, người ta khen này khen kia nhưng cứ thấy thầy là tôi “khớp”. Tôi sợ thầy trong cả khi nói năng đi đứng. Ngồi nói chuyện với thầy, chưa bao giờ trong đời mình tôi dám ngồi dựa lưng, lúc nào cũng ngồi thẳng, 2 tay để phía trước.
Có lần tôi mời thầy dự lớp, ly nước của thầy hết, tôi đến lấy bình rót mà chỉ dám đi khom lưng, sát đất như quỳ vậy, rót xong rồi khom lưng đi lui lại. Thầy đứng giảng, thỉnh thoảng lại lấy “như Hữu Châu đây” ra làm ví dụ với sinh viên. Nói một hồi, thầy quên, thầy nói “như nó nè”. Trời ơi cái từ “nó” làm tôi sướng không thể tả. Như thế là thầy thương mình đó!
Có lẽ ai đó sẽ nói tôi không cần phải làm như thế, khép nép quá mức như thế, nhưng tôi thấy cần. Mỗi việc tôi làm làm một điều tôi dạy học trò. Tôi đã gặp nghiệp nhiều rồi, giờ chỉ muốn làm gì đó tốt đẹp cho các em, vậy thôi.
Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Lương Hàn/Theo Phụ nữ TP