"Nhắc đến chiếc áo dài điều đầu tiên là tôi nhớ đến người cha thân yêu của mình. Ba tôi là người dẫn tôi đi may chiếc áo dài đầu tiên" - NSND chia sẻ.
Đó là năm 1960, khi tôi trúng tuyển vào trường điện ảnh. Ngày đó học sinh miền Nam chúng tôi ăn mặc rất đơn giản, thường chỉ là quần tây áo sơ mi đơn màu. Khi tôi đậu vào trường nghệ thuật, ba tôi đã nghĩ, học một trường như thế thì tôi phải có chiếc áo dài. Tôi còn nhớ ba dẫn tôi đến tiệm may áo dài của ông Hào ở Cầu Gỗ. Từ đó về sau, tôi luôn may áo dài ở đó, những chiếc áo dài kiểu rất cổ điển của con gái Hà Nội xưa.
Đến giờ, tôi vẫn chưa quên được cái cảm giác lạ lùng nhưng hết sức sung sướng, tự hào của mình ngày ấy, khi lần đầu tiên trong đời được mặc chiếc áo dài đầu tiên lên người. Nó tựa như cảm giác của một cô bé Lọ Lem chợt thấy mình hóa thành công chúa, bởi chiếc áo dài như có phép thần kỳ khiến tôi thấy mình trở nên đẹp đẽ, trang trọng hẳn lên.
NSND Trà Giang.
Chiếc áo dài đến giờ đã hơn 50 năm, vẫn là chiếc áo duy nhất mang đến cho tôi cảm giác ấy, dù hàng nghìn lần tôi mặc lên mình chiếc áo dài ở rất nhiều dịp khác nhau. Tôi mặc áo dài trong những kỳ liên hoan phim quốc tế, những ngày văn hóa Việt Nam khắp thế giới, những buổi ra mắt, công chiếu, những ngày hội… Bao giờ chiếc áo dài cũng cho tôi một cảm giác tự hào, tự tin vô cùng. Nó khiến bạn bè quốc tế phải trầm trồ, ngưỡng mộ. Ngay ở những đất nước của thời trang, những thủ đô lớn, giữa những diễn viên hàng đầu của thế giới, chiếc áo dài vẫn khiến tôi trở nên thật đặc biệt, được nhìn ngắm và khen ngợi. Và vì thế, nó luôn là lựa chọn đầu tiên của tôi.
Thế nhưng, kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi với chiếc áo dài lại không phải là những hội hè vui vẻ, mà là lần mặc áo dài để đóng những cảnh phim nóng bỏng của bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Đó là khi đội quân tóc dài đứng trước họng súng quân thù để chống lại việc dồn dân, lập ấp chiến lược, tách dân ra khỏi cách mạng.
Nhân vật của chúng tôi, những người phụ nữ mỏng manh, đi vào cuộc chiến với súng đạn bằng hai bàn tay không, chỉ có tinh thần quật cường và lòng yêu nước. Đặc biệt là đạo diễn đã chọn trang phục cho chúng tôi lúc đó là chiếc áo dài. Chiếc áo dài như kết hợp với tinh thần chiến đấu của những phụ nữ Việt Nam trở thành một trong thứ vũ khí biểu tượng mạnh mẽ nhất. Nó khiến hình ảnh của chúng tôi không chỉ đẹp mà còn hóa tôn nghiêm, trang trọng - một vẻ đẹp vừa dịu dàng, vừa mạnh mẽ; góp phần khiến kẻ thù phải nể sợ những người phụ nữ yếu đuối tay không tấc sắt.
Nhiều năm qua, đã có những giai đoạn chiếc áo dài vắng bóng do đời sống, do thói quen. Dù vậy, tôi luôn nghe được những ao ước của nhiều người: bao giờ thì chiếc áo dài trở lại với đời sống bình thường, tha thướt tung bay khắp nơi? Điều đó đã thành hiện thực trong những năm gần đây. Chiếc áo dài hôm nay được cách tân nhiều hơn để gần gũi, nhẹ nhàng, thực tế hơn.
Thay vì mặc áo dài với quần trắng, quần đen, các bạn gái trẻ ngày nay còn mặc với quần ống suông, quần ôm, thậm chí cả quần jeans. Tôi thấy không sao cả! Với những đường nét cơ bản, chiếc áo dài vẫn đẹp và tiện dụng, thế là được! Riêng tôi, thỉnh thoảng có dịp hội hè hay làm giám khảo cuộc thi nào đó là tôi đi may một chiếc áo dài mới. Thay đổi nhiều nhất trong kiểu dáng tôi chọn chỉ là có cổ hay không có cổ, nhưng không có cổ thì vẫn phải ôm khít vòng cổ. Và mỗi lần may một chiếc áo dài mới, tôi vẫn giữ được nguyên vẹn niềm sung sướng như lần ba tôi dắt tôi đi may chiếc áo dài đầu tiên cách đây hơn 50 năm, ở tiệm may Cầu Gỗ, Hà Nội.
NSND Trà Giang/Theo Phụ nữ online