Đỗ Thị Hải Yến là diễn viên người Việt đầu tiên sau năm 1975 được chọn vào vai nữ chính trong một bộ phim Hollywood - “Người Mỹ trầm lặng” của đạo diễn Phillip Noyce.
Để nhận được vai diễn này, cô phải vượt qua hơn 2000 ứng cử viên khác. Những tưởng sau đó, Hải Yến sẽ vụt lên thành một gương mặt châu Á tại Hollywood, nhưng không, cô lặng lẽ lui về “sân nhà”. Mỗi lần nghĩ về Phượng (nhân vật nữ chính trong Người Mỹ trầm lặng), cô lại nhớ đến sự dại khờ của đàn bà tuổi 18, bước qua hiểm nguy với một niềm tin ngây thơ và chút ảo tưởng vào đàn ông.
15 năm đã qua, điều gì khiến chị nhớ nhất về Phượng trong phim Người Mỹ trầm lặng?
-Thực ra là gần 19 năm rồi đấy, vì trước khi phim khởi quay năm 2001, tôi đã có 2 năm được tập cho thành Phượng rồi. Cũng như Phượng non nớt trong tiểu thuyết, mắc kẹt giữa một ký giả lịch lãm từ Anh Cát Lợi và một chàng bác sĩ người Mỹ bồng bột, tưởng “trẻ trâu” hóa ra lại đang âm mưu thổi bùng cuộc chiến Việt Nam. Cuối cùng, nàng vẫn thoát ra được khỏi mớ bòng bong đen tối, những trò chơi ái tính và mưu đồ chính trị của cánh đàn ông đơn giản chỉ vì nàng chưa tới đôi mươi, khờ dại chẳng suy tính, hệt như tôi vào tuổi ấy khi vào vai nàng. Giờ đây, mỗi lần nhớ về Phượng, tôi lại nhớ đến sự dại khờ của đàn bà tuổi 18, cái dại khờ hóa ra rất cần để họ bước qua mọi âm mưu, thậm chí là hiểm nguy với đôi chút ảo tưởng và niềm tin ngây thơ vào đàn ông.
Giờ đây, mỗi lần nhớ về Phượng, tôi lại nhớ đến sự dại khờ của đàn bà tuổi 18, cái dại khờ hóa ra rất cần để họ bước qua mọi âm mưu.
Là bộ phim điện ảnh thứ hai trong sự nghiệp, nhưng là lần đầu hợp tác cùng đoàn làm phim Hollywood, lúc đó chị có chịu sức ép nào không?
-Để chuẩn bị cho vai Phượng, đoàn phim đã gửi tôi sang Úc hai năm trước khi bấm máy. Tôi được luyện để nói thạo tiếng Anh và học kỹ thuật diễn cùng các giáo viên giỏi nhất. Trong hai năm đó, những lúc rỗi rãi, tôi lại đọc cuốn tiểu thuyết nguyên tác (The Quiet American của nhà văn Graham Greene). Cứ thế Phượng của tôi hiện dần lên trong tưởng tượng. Tôi thích cô ấy mặc áo dài in hoa như trong giấc mơ của tôi vào những trưa hè ở ký túc xá cũ kỹ của trường múa; tôi cũng thích cô ấy mặc đầm và nhảy múa tưng bừng…Cô ấy có thể uống rượu, và điên rồ như nhân vật nữ trong phim Người tình mà Jane March hóa thân. Thời gian quay ngoài hiện trường với tôi diễn ra trôi chảy vì dù sao đây cũng là một phim được vận hành và kiểm soát bởi Hollywood. Họ có đầy đủ tiền bạc, nhân lực, cùng sự chuẩn bị kĩ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ nhất, diễn viên chẳng phải lo gì ngoài diễn cho thật tốt. Khi phim ra mắt, tuyệt vời là Phượng đã hiện ra với nhiều dáng vẻ như tôi từng tưởng tượng, thật lạ!
Cảnh quay nào khiến chị nhớ nhất?
-Dù trong phim này, tôi thuộc về phần ái tình mềm mại và lãng mạn, là thứ ánh sáng mong manh nào đó trong đời những người đàn ông, nhưng về cơ bản với tôi, Người Mỹ trầm lặng vẫn là phim về bóng tối, nơi hận thù sinh sôi và gây ra nhiều bi kịch. Tôi luôn bị ám ảnh bởi những cảnh quay đánh bom và súng đạn. Dù sự xuất hiện của tôi ở những cảnh này không nhiều và bối cảnh máu me đều là giả, nhưng tôi vẫn thấy thật kinh khủng.
Khi đóng Người Mỹ trầm lặng, chị mới 18 tuổi, vậy những cảnh làm tình nóng bỏng trong phim có làm khó chị không?
-Chẳng cần nhiều động lực để vượt qua ngại ngùng vì ngay từ đầu tôi đã có có nhiều thiện cảm với đạo diễn Phillip Noyce. Phượng như bông hoa được ông nâng niu, trân trọng. Ông không có lí do gì đẩy bông hoa mong manh ấy vào tình huống phải lõa lồ, ngượng ngập… Và quả thực mọi thứ mà ông tạo nên quanh tôi hay chính xác hơn là Phượng của ông lúc đó, đều cho tôi cảm giác an toàn và được chăm chút đến độ tôi cứ thoải mái mà diễn. Ngay cả những cảnh được xem là nóng bỏng giữa tôi với quý ông Caine hay chàng trẻ tuổi Fraser đều trôi qua một cách tự nhiên, dễ chịu. Tôi không hề có cảm giác sợ hãi.
Nhớ lại lúc ấy, tôi thấy mình cũng chẳng sống chết để có vai này.
Nhiều bài báo nói rằng vai Phượng đến với chị một cách tình cờ và dễ dàng. Nhưng đạo diễn Ngô Quang Hải chia sẻ, để chị được chọn vào phim này, anh đã phải chuẩn bị rất vất vả cho nhiều vòng casting khác nhau?
-Tất nhiên không có gì là dễ dàng hay tình cờ để trở thành diễn viên chính trong một phim mainstream của Hollywood, nhất là khi ta còn trẻ và gần như vô danh. Nhớ lại lúc ấy, tôi thấy mình cũng chẳng sống chết để có vai này. Tôi cũng không bị yêu cầu phải cast đi cast lại vì ngay từ đầu, tôi đã biết đạo diễn sẽ chọn mình rồi. Chỉ là khi ông ấy gạt đi nhiều cái tên nổi tiếng khác để chọn một cô bé non nớt quê mùa là tôi, có lẽ ông cũng cần phải tỏ ra rằng ông ấy cast kỹ rồi mới chọn… Đơn giản thế thôi!
Trước khi bộ phim bấm máy, giữa hai bên dường như có những bất đồng về cát-sê. Nguy cơ mất vai diễn dường như khiến chị suy sụp?
-Năm ấy tôi mới 18 tuổi thôi nên chẳng có nhu cầu nhiều về tiền bạc, vì tôi lớn lên trong môi trường tập thể, ăn cơm căng tin, ít khi ra khỏi ký túc xá trường múa để biết đến việc tiêu tiền. Nếu khi đó, chỉ có mình tôi trước bản hợp đồng với Hollywood, có lẽ tôi đã ký mà không suy nghĩ gì. Nhưng đó là lần đầu tiên một diễn viên Việt Nam vào vai chính một phim lớn của Hollywood, rồi hết người này người khác khuyên nhủ, thành ra câu chuyện lại phức tạp. Tôi chủ yếu mệt mỏi vì điều đó hơn là chuyện tiền nong…
Nhờ vai diễn trong Người Mỹ trầm lặng, chị được bước vào một thế giới khác, rộng lớn hơn, lộng lẫy hơn. Sự choáng ngợp đó với cô gái 18 tuổi diễn ra thế nào?
Đó chính xác là câu chuyện về cô Lọ Lem gặp được hoàng tử đấy. Cô bé quê mùa, ngốc nghếch, là tôi lúc đó, có nằm mơ chắc cũng không dám mơ một giấc mộng huy hoàng đến vậy. Tôi lâng lâng trong một thời gian dài, mãi mới trở lại được mặt đất. Sau đó tôi nhận ra rằng, trong cổ tích có hoàng tử thì cũng có cả táo độc, chỉ khác là táo đến trước hay hoàng tử đến trước mà thôi…
Đỗ Hải Yến trong phim Người Mỹ trầm lặng.
Chị có thỉnh thoảng xem lại Người Mỹ trầm lặng không?
-Không, tôi không thường xem lại các vai diễn của mình. Với tôi, các nhân vật tôi hóa thân luôn là một ai khác ngoài tôi. Tôi yêu họ nhưng không muốn gặp lại họ, vì biết đâu khi gặp, chúng tôi sẽ chán nhau hoặc nhận ra lỗi lầm của nhau. Hoặc tôi sẽ bị họ chê mập, già trong lúc họ thì cứ trẻ mãi, đẹp mãi…
Chị có thể nói gì về đạo diễn Phillip Noyce?
-Đó là một quý ông trân trọng và dịu dàng với phụ nữ, làm gì cũng nghĩ đến gia đình. Ông ấy giống một người cha đáng kính vậy.
Chị nghĩ mình nhận được gì sau bộ phim này, ngoài sự nổi tiếng?
-Tôi thấy mình quá may mắn vì có mặt trong một bộ phim như vậy. Tôi cứ nghĩ sau này khi con trai tôi có người yêu, nó có thể nói với người yêu rằng: “Em đừng nghĩ mẹ anh già xấu nhé, xem đi, mẹ anh ngày xưa đấy… Với tôi, thế là đủ.” (cười)
Người Mỹ trầm lặng đã mở ra cho chị khá nhiều cánh cửa, vậy tại sao chị lại để lỡ cơ hội trở thành một diễn viên Hollywood?
-Sau Người Mỹ trầm lặng, trong rất nhiều cánh cửa mở ra, tôi cũng tìm được cho mình một cánh cửa êm đềm để bước vào. So với cánh cửa này, cửa đi vào Hollywood có thể quá viển vông và không chắc đã hay hơn đâu!
Ngân An/Theo Đẹp