Như thi hoa hậu, điện ảnh cũng có những giải thường ao làng

Đăng lúc: 7:51 am, Ngày 19/12/2018

Có không ít những giải thưởng điện ảnh không tên tuổi, hoặc chẳng mấy ai biết đến nhưng vẫn được nhà sản xuất phim làm rùm beng.

Thảm họa vẫn nhận giải “phim hay nhất”
 
Mới đây, từ thông tin bộ phim Ở đây có nắng đoạt giải thưởng Phim VN xuất sắc 2018 (The best Vietnamese film 2018) của Liên hoan phim (LHP) Quốc tế ý tưởng mới San Francisco 2018 (San Francisco International New Concept Film Festival), nhiều người trong giới làm nghề đã đặt câu hỏi về giá trị của giải thưởng cũng như uy tín của LHP này. 
 
Truy cập vào trang web của LHP mới thấy, không chỉ có giải Phim VN xuất sắc (được trao cho bộ phim Ở đây có nắng), LHP còn có cả giải Phim hài VN xuất sắc (Excellent Vietnamese Comedy Film) trao cho bộ phim Sắc đẹp ngàn cân, và Phim kinh dị VN xuất sắc (Excellent Vietnamese Horror Film) cho phim Vai diễn đổi đời.
Bộ phim Ở đây có nắng vừa gây tranh cãi với giải thưởng Phim VN xuất sắc 2018 của LHP Quốc tế ý tưởng mới San Francisco 2018.
 
Khó có thể tìm thấy thông tin về giải thưởng của LHP Quốc tế ý tưởng mới San Francisco trên những trang viết về điện ảnh uy tín. Trong khi đó, giải thưởng lại được biết đến ở VN khá nhiều. Cách đây 2 năm, bộ phim Hương ga cũng từng được nhận giải Phim VN xuất sắc của LHP này. Cùng với giải thưởng đó, đoàn làm phim Hương ga còn công bố nhận nhiều giải thưởng quốc tế khác như giải The Best Feature Southeast Asia Panaroma (Phim xuất sắc nhất khu vực Đông Nam Á), nữ diễn viên chính Trương Ngọc Ánh cũng đoạt giải Actress Of Excellent Achievement (Nữ diễn viên có thành tựu xuất sắc) của LHP Toàn cầu (Film Festival Of Globe). Ngay khi đó, công chúng đã nghi ngờ về giải thưởng của LHP Toàn cầu, bởi thực chất đây vốn là LHP thường niên của cộng đồng người Ấn Độ tại Mỹ, nhằm mục đích quảng bá phim Bollywood ra thế giới.
Trương Ngọc Ánh với giải thưởng tại Film Festival Of Globe.
 
Công chúng không thể không nghi ngại về uy tín của nhiều giải thưởng mang danh quốc tế, vì thực tế chất lượng của bộ phim cho thấy đó không phải là tác phẩm tốt, thậm chí còn bị coi là thảm họa. Còn nhớ, cách đây nhiều năm, bộ phim Sài Gòn nhật thực bị chê tơi tả và được cho là thảm họa ngay khi ra mắt nhưng lại bất ngờ sau đó nhận giải thưởng một trong 14 bộ phim nước ngoài hay nhất của LHP WorldFest Houston. Không hiểu tiêu chí chấm giải như thế nào, nhưng danh sách tác phẩm nhận giải thưởng của LHP này chỉ trong một mùa giải năm 2018 thì nhiều đến ngạc nhiên: lên tới trên 100 tác phẩm, đủ các giải Remi từ vàng, bạc, đồng, cho đến bạch kim.
 
Nhiều giải thưởng được mang tính biểu trưng, hoặc là những giải thưởng “giời ơi đất hỡi” không ai biết là gì nhưng cũng được quảng cáo um xùm. Hai năm trước, Lý Hải được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất châu Á, trong khi Midu nhận giải Diễn viên châu Á xuất sắc, diễn viên Phi Ngọc Ánh thì nhận giải thưởng Diễn viên hành động xuất sắc châu Á của giải thưởng Korean Culture & Global Entertainment Awards.
 
Cái bẫy cho nhà làm phim
 
Hiện nay, trên thế giới có hàng nghìn LHP, và chỉ có rất ít trong đó là những LHP danh giá và uy tín, có thể kể đến như LHP Cannes (Pháp), LHP Venice (Ý), Berlinale (Đức)... Không ít các nhà làm phim trên thế giới cũng bị ngã ngửa, chưng hửng với những kiểu LHP đăng thông tin hoành tráng nhưng khi đến nơi thực chất chỉ diễn ra trong một khán phòng chiếu phim chật chội.
Đạo diễn Iran Kazem Mollaie cho hay, việc nhà làm phim gửi phim đến các LHP quốc tế nhằm thúc đẩy tên tuổi của mình, nhưng cần cẩn trọng. “Có những LHP hạng A, hạng B và cả những LHP không thực chất, không chiếu phim ra công chúng, chất lượng tác phẩm vô cùng thấp. Tôi cho rằng, hiện tại có 3 loại: LHP chính thống, LHP uy tín và LHP giả mạo. Trong đó, có những LHP chỉ tồn tại trên mạng, chỉ để thu phí, thậm chí họ còn không duyệt phim”.
Lý Hải đoạt giải Đạo diễn xuất sắc châu Á tại Korean Culture & Global Entertainment Awards.
 
“Tôi hiểu nỗi khát khao của nhiều nhà làm phim, trong đó có những nhà làm phim trẻ muốn gửi phim đến LHP quốc tế, nhưng đáng buồn là nhiều LHP đang giả mạo. Cách mạng số tạo ra nhiều lợi thế khiến việc đưa phim tham dự các LHP có phần dễ dàng hơn, nhưng cũng không phải là không có những vấn đề tiêu cực”, đạo diễn Kazem Mollaie nhìn nhận.
 
Thực tế, hầu hết các LHP đều yêu cầu trả khoản phí đăng ký phim tham dự. Nhưng bên cạnh đó, nhiều LHP còn tranh thủ kêu gọi đóng góp ủng hộ, có những LHP đưa ra đủ chiêu trò, đánh vào tâm lý của nhà làm phim, chẳng hạn như đưa giá khuyến mãi. Có LHP đưa ra bảng giá ưu đãi dành cho người đăng ký sớm, từ 50 - 120 USD tùy theo thể loại, tùy theo thời gian gửi. Một đạo diễn thẳng thắn cho rằng: “Có khi nhà làm phim bị lừa, hoặc có khi họ tự nguyện bị lừa giống như một cách đi mua giải để làm oai”.
 
“Không ít hệ thống LHP không có thật, là cái bẫy cho các nhà làm phim trẻ. Họ mong muốn đem phim giới thiệu cũng như được giải thưởng. Đây là hiện thực đã xảy ra với nhà làm phim VN”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói.
 
Ngọc An/Theo Thanh Niên

Đọc thêm các bài khác