Thời gian trước, việc cover chủ yếu xuất phát từ ý thích cá nhân, làm chơi, tạo ra một số hiện tượng mạng như Jang Mi, Jin Ju, Thái Tuyết Trâm... Nhưng gần đây, chuyện cover từ làm chơi đã ăn thật.
Mới đây, khán giả, người hâm mộ của Erik lên tiếng chỉ trích “hiện tượng cover” Hương Ly khi giọng ca này cover ca khúc mới của nam ca sĩ - Có tất cả nhưng thiếu anh. Trong khi MV gốc của Erik có 26 triệu lượt xem sau 1 tháng phát hành thì bản cover của Hương Ly có đến gần 34 triệu lượt xem, cũng với ngần ấy thời gian. Điều này khiến khán giả cho rằng Hương Ly đang “cướp” công sức của Erik để xây dựng tên tuổi cho mình.
Việc Hương Ly cover ca khúc của Erik nhưng có lượt xem cao hơn khiến người hâm mộ của nam ca sĩ nổi giận.
Thế nhưng, rất bất ngờ là hoá ra chính phía Erik đã yêu cầu cô cover lại ca khúc này để tạo thêm hiệu ứng. Càng bất ngờ hơn khi hoá ra Hương Ly lại có giá cát-sê cover, mà cô tiết lộ là 20 triệu/ca khúc. Dĩ nhiên, cát-sê này chỉ với những ca sĩ này tìm đến cô, không phải ở chiều ngược lại. Và hơn 20 ca khúc cover gần đây của Hương Ly đều được êkíp các ca sĩ yêu cầu.
Ngoài Hương Ly, mảng cover này cũng có sự góp mặt của Nguyễn Minh Châu, Edward Dương, Thiên An... Minh Châu cho biết: “Có lẽ, mới đây thì mọi người mới biết đến vấn đề này, nhưng thật sự đối với tôi hay những bạn ca sĩ hát cover khác thì đó là chuyện đã quá quen thuộc rồi. Đây là một hình thức marketing với mục đích cuối cùng cũng chỉ để bài hát được lan rộng cho thêm nhiều người biết. Việc làm này đôi bên cùng có lợi”. Minh Châu cũng cho biết từ việc cover các ca khúc của những ca sĩ, anh đã có được một nguồn thu nhập tốt. Nhưng anh không tiết lộ con số cụ thể.
Theo mức thị trường hiện tại, các ca sĩ chính thống luôn phải tiêu tốn từ vài trăm triệu đồng đến tiền tỷ để đầu tư cho các sản phẩm âm nhạc, bao gồm việc mua bản quyền, hoà âm phối khí quay MV. Nhưng hiệu quả mang về luôn là một ván bài may rủi, khó thể đoán trước. Nhiều sản phẩm được đầu tư chỉn chu nhưng nhanh chóng biến mất trên thị trường vì không được đón nhận, thế là công sức đổ sông đổ biển. Đó là chưa kể đến chi phí đầu tư xây dựng hình ảnh, định hướng chiến lược âm nhạc để cạnh tranh. Trong khi những giọng ca cover thì gần như không phải trải qua các thao tác, quy trình này, mà lại đang sống tốt.
Trong mối tương quan với những ca sĩ hát bài gốc, vị thế của những giọng ca cover đang có sự xoay chiều rõ nét. Bởi, nhiều năm trước, con đường để các sản phẩm âm nhạc bước ra thị trường chủ yếu thông qua các nhà phát hành băng đĩa, biểu diễn sân khấu, đài phát thanh, truyền hình thì nay cơ chế này đã thay đổi, đặc biệt bị chi phối bởi công nghệ số, trong đó YouTube được xem là nền tảng hàng đầu. Vài năm trở lại đây, cuộc đua để tranh thứ hạng, trending YouTube, lượt xem... trở thành thước đo mới cho sự thành công của các sản phẩm, MV ca nhạc.
"Nghề cover" ra đời từ đó. Dễ thấy, việc cover trong thời gian gần đây không dừng lại ở việc ưa thích - lựa chọn mà đang bám sát với thị trường âm nhạc hiện tại. Nhiều ca khúc mới của các ca sĩ như: Sáng mắt chưa (Trúc Nhân), Sóng gió (Jack, K-ICM)... đều nhanh chóng xuất hiện những bản cover với lượt xem, nghe từ vài triệu đến vài chục triệu, những con số đáng mơ ước trong thị trường âm nhạc hiện tại.
Một ca khúc càng được nhiều người cover, sẽ được đánh đồng ca khúc đó có độ hot. Dĩ nhiên, việc ca khúc cover lại hot hơn cả ca khúc gốc như trường hợp Erik - Hương Ly, là việc khá hiếm và ngoài dự liệu.
Nguyễn Minh Châu hiện cũng là một trong những giọng ca cover được nhiều khán giả trẻ ưa chuộng.
“Để có được vị trí vững, tôi cũng phải dành thời gian đi học, trau dồi khả năng, đầu tư, mua sắm các thiết bị và quy trình sản xuất ra một MV chỉn chu. Có thể nhìn một sản phẩm cover đơn giản nhưng nếu cá nhân làm thì tốn nhiều thời gian, nhất là những khâu chuẩn bị. Có hôm mọi việc trơn tru nhưng có hôm lại quay đến hàng chục lần nhưng vẫn không thành công. Tôi nghĩ nếu không làm nghiêm túc thì khó thể hưởng thành quả được”, Minh Châu chia sẻ thêm.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận định: “Nếu sự bắt tay, thoả thuận giữa đôi bên cùng có lợi, không gây ảnh hưởng xấu đến ai thì chuyện này không có gì là xấu cả. Âm nhạc về cốt lõi vẫn là thị trường, có cầu thì có cung. Khi ca sĩ cần để ca khúc hot hơn thì những giọng ca cover sẽ đáp ứng. Chuyện cover từ làm chơi thành ăn thật vì thế cũng dễ hiểu.
Phương thức phát hành thay đổi thì cách tiếp nhận của thị trường, khán giả cũng thay đổi theo. Vì thế, chuyện những giọng ca cover có được sản phẩm hot hơn cũng là hiển nhiên, trong bối cảnh khán giả đang có xu hướng thích những gì gần gũi với họ. Đây cũng là chút "rủi ro" mà các ca sĩ cũng cần phải chấp nhận, trong cú bắt tay này”.
Theo PNO