Có cần dán nhãn 18+ khi phim truyền hình Việt ngày càng nhiều cảnh nóng?

Đăng lúc: 7:48 am, Ngày 17/10/2019

Vài năm trở lại đây, phim truyền hình Việt ngày càng phát triển và có sức hút. Không chỉ đa dạng về đề tài, các nhà sản xuất phim còn đầu tư về chất lượng cũng như dàn diễn viên "hot".

Ngoài ra, khâu truyền thông, quảng bá cũng được làm mạnh và thông minh, chiến lược hơn trước. Nhiều phim đã gây sốt với rating cao. Nhưng, bên cạnh đó là những tranh cãi về nội dung, hình ảnh. Dư luận cho rằng phim truyền hình ngày càng táo bạo, nhiều cảnh "nóng" và đã đến lúc cần phải dán nhãn, phân loại khán giả theo độ tuổi.  
Mới nhất, phim Tiếng sét trong mưa, phát sóng ở khung giờ vàng kênh Vĩnh Long, gây bàn tán khi có cảnh nóng, cưỡng hiếp. Ngoài ra, khán giả cũng phản ứng khi phim có chuyện tình loạn luân giữa mẹ kế và con trai chồng hay hai anh em cùng mẹ khác cha. Theo đa số ý kiến, phim cần được dán nhãn 18+ và chiếu vào khung giờ muộn hơn. Tuy nhiên, đạo diễn Phương Điền cho rằng các cảnh chăn gối trong phim đều được xử lý chừng mực, không phản cảm, nên yêu cầu dán nhãn là bất công với êkíp.  
Đang lên sóng VTV3 ở khung 21h30, Bán chồng cũng có loạt cảnh ân ái của các nhân vật chính. Diễn viên Anh Tú (trong vai Vui) lần lượt đóng cảnh "nóng" với Cao Thái Hà và Kiều Oanh. Anh Tú cho biết để hoàn thành phân cảnh hôn cuồng nhiệt Cao Thái Hà, cả hai phải uống rượu để có thể diễn tả chân thực nhất hai người đang say. Trong vai người chồng ngoại tình, Tim thực hiện cảnh ân ái táo bạo với Cao Thái Hà. Song, cả hai chia sẻ họ không gặp khó khăn. Cao Thái Hà cho biết đã theo đuổi nghiệp diễn nhiều năm, nên không còn cảm thấy sợ hay ngại ngùng khi đóng những cảnh như vậy. Hơn nữa, cô cùng Tim và êkíp cũng bàn bạc kỹ trước khi thực hiện. 
Những cô gái trong thành phố xoay quanh số phận của bốn cô gái trẻ sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo. Vì muốn đổi đời, họ lên thành phố làm công nhân may trong một khu công nghiệp và phải đối mặt với những cám dỗ nơi thành thị phồn hoa. Khi lên sóng vào đầu năm 2019, phim cũng được bàn tán vì có nhiều cảnh nhạy cảm như sàm sỡ, cưỡng bức...  
Trong vai Tùng, diễn viên Bình Anh có một số cảnh ân ái với bạn diễn hơn chục tuổi. Anh chia sẻ bản thân cũng run và lo lắng khi quay phân cảnh này. "Chính ở ngoài tôi cũng run rẩy, cũng rất sợ. Do vậy, tôi chỉ cần mang sự sợ hãi của mình ở ngoài vào vai diễn, miễn là mình lồng ghép khéo léo vào tâm lý nhân vật. Như vậy có nghĩa là biến tâm lý của mình thành tâm lý của nhân vật" - Bình An trả lời phỏng vấn.  
Năm 2018, Mộng phù hoa - bộ phim lấy cảm hứng từ cuộc đời của đại mỹ nhân Sài Gòn xưa Trần Ngọc Trà - từng gây tranh cãi vì có quá nhiều cảnh nóng. Trong vai kỹ nữ Ba Trang xinh đẹp, Kim Tuyến phải diễn cảnh ôm hôn, chăn gối với nhiều bạn diễn như Nhan Phúc Vinh, Hoàng Anh, Quốc Trường... Kim Tuyến thừa nhận bạn trai chia tay cô một phần vì không thể chấp nhận những cảnh nóng trên phim của người yêu.  
Thời điểm đang phát sóng, Mộng phù hoa bị chê nhiều cảnh nóng thô, thiếu tính nghệ thuật. Phản hồi điều này, Kim Tuyến cho biết: "Chúng tôi không được hở da thịt, không được làm gì quá đáng. Cứ quay xong 5 tập là êkíp phải sơ dựng và gửi lên cho đài duyệt, nếu quá mức như mọi người nghĩ thì làm sao có thể lên sóng truyền hình quốc gia?".  
Khai thác đề tài xã hội đen với nhân vật trung tâm là một ông trùm, Người phán xử được đánh giá là phim truyền hình "bom tấn" trong năm 2017. Phim gây bão suốt nhiều tháng mang lại cho VTV nguồn thu khủng từ quảng cáo. Và đương nhiên, Người phán xử cũng không tránh khỏi dư luận trái chiều vì ngập tràn cảnh bạo lực trong giới giang hồ, như thanh trừng, hãm hại, thủ tiêu, đánh đập...  
Ngoài ra, cảnh giường chiếu của nhân vật Phan Hải (Việt Anh) và Vân Điệp (Thanh Bi) được nhận xét táo bạo. Nhân vật nữ mặc nhiều trang phục sexy, hở hang.  
Trong số loạt phim truyền hình có yếu tố nhạy cảm, đến nay Quỳnh búp bê là phim hiếm hoi được dán nhãn 18+ để cảnh báo đối tượng khán giả. Ban đầu phim được chiếu vào giờ vàng VTV1, nhưng sau đó đã chuyển sang khung giờ muộn hơn trên VTV3. Nhiều khán giả đồng tình với phim về thế giới ngầm hay gái mại dâm, cảnh nóng và bạo lực là khó tránh. Tuy vậy, các bộ phim nên được phát sóng ở khung giờ muộn và có cảnh báo dành cho trẻ em. Phim truyền hình ngày càng phát triển, thay vì bị siết chặt nội dung, có lẽ đã đến lúc, các nhà làm phim cân nhắc chuyện dán nhãn cho những bộ phim có đề tài người lớn, có yếu tố bạo lực và cảnh nóng. Việc dán nhãn không làm phim mất đi sự thu hút, còn giúp các đạo diễn được sáng tạo, làm hết sức trong những phân đoạn nội dung đòi hỏi phải có cảnh nóng và bạo lực.
 
Theo Zing

Đọc thêm các bài khác