Cuộc sống của NSƯT Hoài Linh hiện tại không cầu kỳ. Mỗi ngày, anh chỉ cần cơm no qua 3 bữa, nhang khói đền phủ đầy đủ, hoa quả đến ngày rằm, đầu tháng được tươm tất.
Hoài Linh cho biết vì muốn sớm hoàn thành tâm nguyện xây nhà thờ Tổ nên “vắt cạn sức” để tham gia.
Thời gian qua, lý do vì đâu mà anh vắng bóng trên hàng loạt gameshow đã từng góp mặt?
-Có nhiều báo chí nói rằng tôi ở ẩn nhưng không phải, tôi chỉ ít xuất hiện trên những chương trình truyền hình, gameshow. Mọi người nghĩ rằng tôi nghỉ nhưng tôi vẫn đi diễn ở các tỉnh. Có tuần tôi nhận 1 show, có tuần lại nhận 2. Nói chung, tôi không bao giờ bỏ sân khấu, trừ khi có ai quýnh tôi chết thì mới bỏ. Sân khấu là đam mê của tôi, sao mà bỏ được.
Mọi người cũng nói rằng khi hoàn thành xong việc xây dựng đền thờ, tôi cũng cần thời gian nghỉ ngơi, điều đó là đúng. Từ xưa đến giờ, khi làm gameshow, có khoảng thời gian tôi xuất hiện rất dày đặc đến nỗi báo chí phải lên tiếng rằng Hoài Linh ngồi gameshow quá nhiều. Lúc đó, thật sự, tôi vắt sức của mình thật. Tôi vắt sức để hoàn thành tâm nguyện của mình thì điều đó cũng đáng mà (cười).
Nhưng ngoài lý do liên quan đến việc cần nghỉ ngơi, có điều gì khác để anh chọn ngưng xuất hiện trên truyền hình?
-Một gameshow mà mình ngồi trong khoảng 4-5 năm thì mình cần xem lại mình. Tôi chỉ sợ sự nhàm chán của khán giả, vì nếu muốn thì có nhiều gameshow để cho mình xuất hiện. Ở đây là do tôi, tôi nhận ít lại, tự ngưng. Đây là năm hầu như tôi không nhận gameshow. Nhưng biết đâu bất ngờ, có thể sang năm, tôi nhận thì sao.
Vậy nếu có xuất hiện, đâu là tiêu chí mà anh đặt ra để tham gia gameshow nào đó?
-Bây giờ tuổi cũng lớn rồi, tôi không còn nhỏ nữa để lên sân khấu mà nhăng nhít, đùa giỡn. Cho nên, thứ nhất, tôi phải chọn lựa show nào phù hợp với mình. Thứ hai, phải là những gameshow vừa sức với mình. “Vừa sức” ở đây là sức khoẻ, về giờ quay được đảm bảo vì có những gameshow quay từ 10 giờ sáng đến 3 giờ khuya, tôi rất mệt mỏi. Cho nên, tôi cũng tạm thời dừng lại bớt để giữ sức khoẻ.
Bây giờ tuổi cũng lớn rồi, tôi không còn nhỏ nữa để lên sân khấu mà nhăng nhít, đùa giỡn.
Nếu nói về những điều còn dang dở, mong cầu, với anh có không?
-Tôi không mong ước gì nhiều vì cuộc sống tôi cũng không đòi hỏi điều gì quá cầu kỳ. Bởi vì, thật sự mỗi ngày, tôi cũng chỉ ăn 3 bữa cơm. Tôi đi làm thì cũng chỉ kiếm tiền lo công việc đền phủ, làm sao hương khói cho tốt; hoa quả làm sao cho đủ đầu tháng, giữa tháng cho ổn định; duy trì cây xanh và những công việc ở trong đền.
Thứ hai là sân khấu, như tôi đã có chia sẻ rằng đây là nơi tôi không bỏ được. Khán giả không gặp tôi trên ti vi nhưng tôi đi tỉnh nhiều lắm.
Nhiều sân khấu đóng cửa, nghệ sĩ phải chạy sô gameshow để mưu sinh thậm chí bị khán giả lên tiếng nhưng không có cách nào khác, anh nghĩ sao?
-Nếu nói không có cái để sống thì không đúng nhưng không có nơi để cho các em trẻ làm việc, phát triển. Có một số gameshow có thể đưa những tài năng trẻ đến với khán giả, công chúng rộng rãi hơn.
Bây giờ, ngoài truyền hình thì mạng xã hội là nơi mà các bạn trẻ có thể thể hiện mình. Nhưng ở đây, tôi chỉ muốn nói một điều rằng phải chừng mực, đừng đi quá. Nếu bạn muốn làm một diễn viên thực thụ, được khán giả công nhận thì hãy là diễn viên, đừng là người của mạng xã hội. Mạng xã hội là một khái niệm rộng nhưng người của mạng xã hội lại là phạm trù khác nên các bạn hãy làm diễn viên trên mạng xã hội, đừng làm người của mạng xã hội.
Đối với thế hệ diễn viên trẻ sau này, nếu nói về việc truyền nghề thì Hoài Linh có thể làm gì với các bạn?
-Điều tôi muốn làm nhất với các bạn là làm việc chung. Khi làm chung với người trẻ, tôi có thể học hỏi từ họ. Ví dụ như tôi không có nhiều thời gian lên mạng xã hội để cập nhật những thông tin mới để diễn cho kịp các bạn.
Mặc khác, về kinh nghiệm dày dặn trên sân khấu thì tôi hơn. Tôi nghĩ mình có thể chỉ bảo cho các bạn, truyền lại. Bước vào nghề, đương nhiên phải có đam mê nhưng tôi sẽ truyền thêm lửa đam mê cho các bạn khi làm việc chung.
Thật ra, tôi là người rất mê về dân gian nên với ai, tôi cũng muốn hướng về mảng dân gian nhiều hơn. Với nghề này, học hoài cũng không hết. Có những điều bất ngờ, vô tình nhưng khi vào công việc lại có hiệu quả. Ví dụ như, có nhiều bạn quên đi ca dao, tục ngữ, dân ca, giọng nói các miền... thì những điều này, nếu tìm hiểu, các bạn sẽ có đất dụng võ nhiều hơn.
Hoài Linh và con trai.
Anh có nghĩ đến việc mở trường đào tạo, sân khấu để nghệ sĩ trẻ và những ai đam mê sân khấu, diễn xuất tìm đến?
-Nếu nói về đào tạo, có thể nói tôi là một trong những nơi tư nhân đào tạo đầu tiên, hồi đó là công ty Đại Cồ Việt. Lúc đó, tôi không dạy. Tôi cũng đã nói từ đầu rằng tôi không phải là dân qua trường lớp, tôi chỉ đi lên từ bản năng. Cho nên, tôi không có căn bản để mở cuốn sách ra, dạy cho các bạn mà chỉ gặp để góp ý mọi người nên hay không nên diễn như thế. Hoặc nếu các bạn giả giọng nhưng chưa chuẩn thì tôi sẽ chỉnh cho các bạn. Về giảng dạy, tôi không có căn bản nên không thể đứng lớp.
Để mở trường truyền nghề, bây giờ, nếu bắt tay làm thì phải có đầu ra. Tất cả các bạn diễn viên bây giờ đang học hoặc sắp sửa học, đều đam mê để bước vào nghề này nên hiểu rằng, đồng tiền để các bạn đóng học là từ mồ hôi, nước mắt của gia đình, ba mẹ họ từ dưới quê xa xôi, hẻo lánh gửi lên. Nếu gia đình các bạn có điều kiện thì không sao, nhưng trong số đó có những bạn bỏ nhà, bỏ cửa lên đây vừa đi học đại học tốn tiền, vừa học thêm ngành diễn xuất càng tốn thêm nữa nhưng đầu ra cho các bạn rất mơ hồ, không có điều gì để chắc chắn.
Vậy câu chuyện đào tạo, không có tín hiệu nào khởi sắc hay sao?
-Tôi hi vọng có nhiều sân khấu mặc dù nhỏ chẳng hạn như sân khấu cà phê của Hồng Trang, Minh Nhí... được mở ra để các bạn thể hiện mình trên sân khấu đúng nghĩa, dù nhỏ thôi. Còn những nơi như Trống Đồng, sân khấu 126, ngày xưa chúng tôi chạy sô dữ dằn lắm nhưng bây giờ dần mòn rồi mất hết.
Với lớp diễn viên trẻ, họ không được trải nghiệm diễn trước hàng ngàn khán giả như với bọn tôi ở những nơi này. Bây giờ, tìm ở đâu một địa điểm để diễn trước đông khán giả như thế, rất khó, nên thấy tội nghiệp các bạn.
Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Theo PNO