Sau 70 năm, bộ phim tội phạm kinh điển 'Lã sinh môn' được làm lại

Đăng lúc: 1:40 am, Ngày 27/09/2020

HBO Max quyết định làm lại "Rashomon" (Lã sinh môn) - bộ phim vinh danh tài năng điện ảnh Nhật cách đây 7 thập niên, nhưng với dạng phim truyền hình dài tập.

Đơn vị sản xuất cho biết họ đã trải qua cuộc thương thảo khá phức tạp với phía gia đình đạo diễn Akira Kurosawa (đạo diễn Lã sinh môn) để được làm lại bộ phim. Kịch bản lần này chỉ giữ lại nội dung chính của phim, nhưng sẽ khám phá những chủ đề, quan điểm gắn với bối cảnh hiện tại. Mỗi tập phim sẽ đặt một nhân vật vào trung tâm để đưa ra thông tin về các vụ án theo quan điểm của họ.
 
“Tôi rất vui khi được hợp tác với Amblin Partners và HBO Max để thực hiện lại phim cho khán giả hiện tại. Tầm nhìn, sự đóng góp của cha tôi vẫn còn đó và sẽ tiếp cận một thế hệ mới” - Hisao Kurosawa, con trai của Akira Kurosawa chia sẻ.
Lã sinh môn ra mắt lần đầu năm 1950
 
Darryl Frank và Justin Falvey, đại diện cho Amblin TV cho biết: “Sự thật ngày càng trở nên mong manh, dễ rạn nứt trong thời kỳ mạng xã hội phát triển. Kiệt tác của Akira Kurosawa không chỉ vén bức màn của một vụ án, mà sớm khám quá quan điểm chủ quan, những thiếu sót trong xã hội. Chúng tôi cố gắng tôn vinh tác phẩm gốc, đưa khán giả khám phá quan điểm chủ quan và sự thật khách quan trong xã hội hiện tại”. 
 
Kịch bản mới của Lã sinh môn do nhà biên kịch Billy Ray, Virgil Williams viết, do Amblin Television (Mỹ) sản xuất. Những thông tin chi tiết về diễn viên, thời gian dự kiến chiếu chưa được tiết lộ.
 
Lã sinh môn ra mắt khán giả vào năm 1950. Kịch bản phim do Hashimoto Shinobu và Akira Kurosawa phát triển từ 2 truyện ngắn Rashomon (Lã sinh môn - 1914)In a grove (Chuyện trong rừng trúc - 1922) của tác giả Ryunosuke Akutagawa. Lã sinh môn được dùng làm bối cảnh trung tâm còn tuyến nhân vật được phát triển từ Chuyện trong rừng trúc. Nội dung nói về vụ án giết người và cưỡng bức qua lời kể của nhiều nhân chứng khác nhau.
 
Trước phim này, đạo diễn Akira Kurosawa đã thực hiện khoảng 10 phim nhưng đều bị đánh giá tệ. Hãng Daiei từ chối kịch bản này vì cho rằng quá rối rắm. Nhưng với sự kiên trì của Akira, hãng đã chi kinh phí 250.000 USD để ông thực hiện phim. Phần lớn phim được quay trong phim trường của Daiei.
Đạo diễn Akira Kurosawa đã phải kiên trì thuyết phục hãng Daiei để thực hiện Lã sinh môn
 
Năm 1951, một phái đoàn của Liên hoan phim Venice sang Nhật để chọn một số phim tham gia LHP. Ông Giuliana Stramigioli, người dẫn đầu phái đoàn đề nghị hãng Daiei giới thiệu 1 phim hay nhất và 1 phim tệ nhất. Lã sinh môn được giới thiệu trong nhóm phim tệ nhất. Sau khi xem xong, Giuliana Stramigioli chọn Lã sinh môn trong sự phản đối của hãng phim và giới chức Nhật Bản. Nhưng ông vẫn kiên trì, hoặc Lã sinh môn, hoặc không phim nào.
 
Cuối cùng, Lã sinh môn được vinh danh giải Sư tử vàng (giải cao nhất) tại LHP Venice năm đó. Sau đó, phim tiếp tục đoạt giải Phim nước ngoài hay nhất tại Oscar 1952. Chính bộ phim này góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành điện ảnh Nhật trong giai đoạn còn nhiều khó khăn.
 
Theo PNO

Đọc thêm các bài khác