'Mến gái miền Tây' - Được chữ tình, rớt chữ duyên!

Đăng lúc: 8:05 am, Ngày 27/03/2022

Bộ phim "Mến gái miền Tây" phản ánh được cái tình trong giới LGBT và của người miền Tây nhưng cách khắc họa các nhân vật LGBT rập khuôn, kém duyên.

Được phát triển từ web drama Ghe bẹo ghẹo ai, bộ phim Mến gái miền Tây (đạo diễn Trần Thanh Phong, khởi chiếu ngày 25/3), chuyện phim như phần tiền truyện và hậu truyện của Ghe bẹo ghẹo ai, nội dung kể về những biến cố cuộc đời của Mến từ khi còn học chung lớp với Nhớ, chồng của Mến cho đến thời điểm 12 năm sau khi Mến - Nhớ đã là vợ chồng.
 
Nhìn vào cách đặt tên phim và những hình ảnh được nhá hàng trong trailer, Mến gái miền Tây thoạt đầu khiến khán giả nghi ngờ phim sa vào motif cũ: gia đình hắt hủi, xã hội kỳ thị. Sự nghi ngờ này sai… một nửa bởi trong phim các nhân vật LGBT không những được người thân chấp nhận mà những người xung quanh cũng yêu thương. Ngay mẹ chồng của Mến cũng thương cảm cho số phận “hồn bướm thân sâu” của con dâu, thậm chí còn dúi tiền khuyên Mến đi phẫu thuật.
 
Bản thân Mến cũng được Bình An - người bạn trai cùng lớp - dành tình cảm đặc biệt, theo đuổi từ khi cả hai còn đi học cho đến khi Mến đã lập gia đình. Trong đoàn hát lô tô Hương Mùa Thu, Mến càng nhận được sự thương yêu đùm bọc của các chị em chung đoàn. Họ có mặt bên Mến khi cô đi đánh ghen, lúc cô đau đớn ngã quỵ trên sân khấu vì thất tình. Mến còn có điểm tựa vững chắc là má Bảy - người hàng xóm cũng mang “hồn bướm thân sâu” luôn an ủi mỗi khi Mến buồn bã, đau khổ.
Đoạn má Bảy (NSUT Hoài Linh đóng) tô son điểm phấn, trao cho Mến (Võ Đăng Khoa đóng) hai vòng cẩm thạch xúc động nhất phim
 
Cảnh má Bảy tô son điểm phấn cho Mến, trao cho Mến hai chiếc vòng cẩm thạch và khuyến khích cô ra đi để được sống đúng tâm hồn người con gái là phân đoạn xúc động nhất phim. Người xem cũng cảm nhận được cái tình của người dân miền Tây ở việc Mến nhận nuôi con của Thêm, một cô gái quê lỡ dại có bầu. Mến yêu thương bé như con ruột, sẵn sàng hy sinh tính mạng để cứu con khi biết bé bị bắt cóc.
 
Có thể nói tình người trong phim là điểm sáng, tạo cho Mến gái miền Tây điểm nhấn khác biệt so với các phim trước về giới LGBT. Tiếc là ngoài điểm riêng này thì cách khắc họa các nhân vật thuộc giới tính thứ ba của phim bị rập khuôn: thích giả gái, tính tình đanh đá, ưa đấu “võ mồm”. Phim không thiếu “đặc sản” là cảnh các nhân vật đồng tính ưỡn ẹo trong những bộ trang phục màu mè với môi son má phấn dày cộm, cảnh các “chị em” lượn lờ tạo dáng khi thấy trai đẹp, màn chửi như “hát hay”.
Hình ảnh những nhân vật LGBT trong phim khắc họa theo motif cũ: đanh đá, thích giả gái, ăn mặc lòe loẹt
 
Tuy nhiên, sự kém duyên của phim không chỉ nằm ở lối khắc họa cũ kỹ này mà còn trong suy nghĩ, hành động hạ thấp phụ nữ của nhân vật chính. Trong cả hai lần đánh ghen của Mến, người xem luôn thấy cô đánh, mắng “người thứ ba”. Ở lần đánh ghen dùm, không chỉ ra tay trừng trị kẻ giật chồng người khác, Mến còn đổ tội chị vợ “Không biết giữ chồng”. Đến khi Mến ở vai trò “nạn nhân”, đi tìm gặp Hạnh - kẻ giật chồng mình - Mến lại thẳng tay tát Hạnh theo yêu cầu của Hạnh. Trong khi người đáng ăn tát là Nhớ, chồng Mến, đang đứng cạnh Hạnh. Tương tự, mẹ của Mến khi bị giật chồng cũng lao vào hành hung cô “bồ nhí”.
 
Phụ nữ chính hiệu và những nhân vật “hồn bướm thân sâu” trong phim nếu không tự trách bản thân thì cũng đổ lỗi cho phụ nữ khác. Mẹ của Nhớ trách mình không dạy được con khiến Nhớ phụ bạc Mến, Mến dằn vặt bản thân khi không thể sinh con khiến chồng ngoại tình. Tư duy lỗi thời, lệch lạc này khiến người xem thấy khó chịu. Lối suy nghĩ, hành xử, tâm lý không thống nhất của nhân vật Mến và Nhớ cũng khiến người xem thay vì đồng cảm với nhân vật lại thấy vô lý, gượng gạo. Như việc Nhớ chấp nhận sống chung như vợ chồng với Mến suốt 12 năm rồi quay ngoắt đòi làm bạn với Mến vì “mình đều là đàn ông mà”. Còn Mến ban đầu thổ lộ không thích bản thân trong nhân dáng phụ nữ nhưng chấp nhận độn ngực, đội tóc giả, mặc quần áo đàn bà 12 năm và đến cuối phim quyết định trở lại với hình hài con trai.
 
Điện ảnh Việt đã có nhiều phim nói về câu chuyện của những người thuộc cộng đồng LGBT, vì vậy điều người xem mong muốn ở Mến gái miền Tây không chỉ là lột tả được cái nhìn tích cực của xã hội về những người đồng tính mà còn khắc họa mới mẻ chân dung của họ để tạo ra sự đồng cảm hơn là với mục đích gây cười. 
 
Theo PNO

Đọc thêm các bài khác