Nam quan hệ đồng tính nhiễm HIV tăng gấp ba trong 11 năm ở Việt Nam

Đăng lúc: 8:01 am, Ngày 01/12/2023

Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) tăng gấp ba kể từ năm 2011 đến nay, chiếm khoảng 42,3% số bệnh nhân mới phát hiện 8 tháng đầu năm nay.

Thông tin được ông Doãn Trường Quang, Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP HCM chia sẻ tại Ngày hội Sống trọn vẹn từng phút giây, từng hội thở do Hội phòng chống HIV/AIDS TP HCM phối hợp tổ chức, ngày 30/11.
 
Thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM tăng từ gần 4% năm 2011 tăng lên gấp hơn ba lần vào năm 2022. Người mắc mới đa số ở độ tuổi trẻ, nhóm tuổi 16-29 tăng nhanh, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên, có tỉnh chiếm đến 80% tổng số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện. Phân tích đường lây nhóm tuổi này cho thấy gần 89% lây qua đường tình dục, trong đó nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm gần 77% những ca mới phát hiện trong độ tuổi này.
 
8 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 249.000 người nhiễm HIV, trong đó 230.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống. Những năm qua, Việt Nam giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây. Tỷ lệ nhiễm HIV giảm nhanh ở nhóm nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm.
 
Các chuyên gia dự báo số người mắc HIV trong nhóm MSM tiếp tục tăng trong thời gian tới. Lý do là đặc tính nhóm này sinh sống trải đều ở các tỉnh thành, khó tiếp cận theo vùng như đối với người nghiện ma túy trước kia. Mạng xã hội phát triển với các hội nhóm dành riêng cho người có nhu cầu quan hệ tình dục đồng giới nở rộ, khiến họ dễ dàng tìm kiếm và tiếp xúc với nhiều bạn tình. Quan hệ qua đường hậu môn (bằng cơ quan sinh dục, ngón tay, đồ chơi tình dục, miệng...) dễ lây nhiễm bệnh hơn.
Nam quan hệ đồng tính nhiễm HIV tăng gấp ba trong 11 năm ở Việt Nam
 
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, cho biết xu hướng lây nhiễm HIV qua đường quan hệ tình dục không an toàn đang gia tăng tại thành phố và vượt xu hướng lây truyền qua đường máu. Sự xuất hiện của các bệnh lây truyền qua đường tình dục, dịch bệnh mới đậu mùa khỉ cũng đang tạo ra thách thức lớn cho mục tiêu kiểm soát HIV của thành phố.
 
Việt Nam đặt mục tiêu kiểm soát HIV/AIDS vào năm 2030, song còn nhiều thách thức khi nguồn tài trợ quốc tế bị cắt giảm, rào cản pháp lý cho các tổ chức xã hội tham phòng, chống dịch. Bộ Y tế khuyến cáo những người chưa nhiễm HIV thuộc các nhóm nguy cơ cao như nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người bán dâm, người tiêm chích ma túy... dùng dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) bằng cách uống mỗi ngày một viên thuốc để ngừa bệnh.
 
Dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) sử dụng khi phơi nhiễm với HIV trong 72 giờ, thường được áp dụng trong tình huống "tai nạn" như không sử dụng biện pháp an toàn, rách hay tuột bao cao su...
 
Người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng thuốc ARV, tuân thủ điều trị thì thông thường sau 6 tháng tải lượng virus xuống dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu). Khi đó, người này sẽ không lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, làm giảm lây truyền từ mẹ sang con. Nhờ đó, nhiều người nhiễm HIV vẫn lấy vợ, sinh con khỏe mạnh.
 
Theo VnExpress

Đọc thêm các bài khác