Duyên của đạo diễn trẻ Huỳnh Tuấn Anh và nghệ sĩ Hữu Châu

Đăng lúc: 9:10 am, Ngày 26/06/2018

Sau "Lô tô", đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh thực hiện "Gạo chợ nước sông", lấy đề tài về cải lương nhân kỷ niệm 100 năm loại hình nghệ thuật này ra đời, tiếp tục cộng tác với nghệ sĩ Hữu Châu.

Là tên tuổi mới trong làng điện ảnh, vì sao anh thường chọn đề tài kén khán giả để làm phim?
 
-Sau khi các phim như Lô tô, Cô Ba Sài Gòn và gần đây là Tháng năm rực rỡ được khán giả đón nhận, nhiều người trong giới làm phim càng tin tưởng bên cạnh dòng chảy phim thương mại, phim Việt cần phải có một dòng chảy khác, khai phá các đề tài mới mẻ, chạm đến cảm xúc. Tôi và vài đồng nghiệp, như anh đạo diễn Đức Thịnh, từng cùng trò chuyện nhiều về điều này. Vì vậy, tôi không thấy đơn độc trên hành trình đi tìm đề tài ít người chọn trong nghề.
 
Vì sao anh tiếp tục mời nghệ sĩ Hữu Châu hợp tác ở phim mới?
 
-Tôi tin vào chữ duyên. Sau phim Lô tô, khán giả rất thương vai Lệ Liễu của anh Hữu Châu. Trong Gạo chợ nước sông, tôi tiếp tục mời anh thể hiện nhân vật thầy tuồng gánh hát. Thầy tuồng là một biểu tượng quan trọng của nghệ thuật cải lương xưa, họ vốn làm công việc viết tuồng và dàn dựng, mà ngày nay gọi là đạo diễn. Nghệ sĩ Hữu Châu là con nhà nòi của một gánh đại bang lừng danh, đã hít thở không khí "gạo chợ nước sông" đời đi hát. Tôi tin hơn ai hết, anh có thể hiểu được không khí các gánh hát một thời. Anh cũng kể cho tôi nghe những câu chuyện nghề hát và đời hát của gia đình mình. Chúng khiến tôi càng muốn bắt tay vào thực hiện phim về cải lương. 
NSƯT Hữu Châu (giữa) cùng các diễn viên trong phim Lô tô.
 
Ấn tượng của anh về nghệ sĩ Hữu Châu là gì?
 
-Với tôi, anh là một nghệ sĩ "cứng nghề", sâu sắc, nhận vai nào là luôn biết cách mang đến giá trị cho từng vai diễn. Tôi xem anh là "nàng thơ" của mình. Xong phim Gạo chợ nước sông, tôi hoàn thành kịch bản Hồ Quý Ly và chắc chắn sẽ mời anh tham gia. Kế đến, tôi đã làm xong kịch bản phim kể chuyện Nguyễn Du ở Huế. Tôi cũng mong mời được anh Hữu Châu đóng vai Gia Long trong bộ phim. 
 
Anh gửi gắm điều gì vào phim mới về đề tài cải lương?
 
-Tôi muốn mang đến khán giả cái hay cái đẹp của cải lương thời hoàng kim, giai đoạn 1960-1970. Cải lương thời đó rất khác bây giờ. Tôi muốn tái hiện lối hát cải lương xưa. Tôi sẽ phục dựng toàn bộ lối hát, cách nhả chữ, nhấn nhá, lấy hơi ghi dấu ấn sâu đậm của các nghệ sĩ nổi tiếng một thời. Để làm được như vậy, các diễn viên trẻ sẽ phải hát nhép vì các bạn bây giờ hát live không được. 
 
Hiện nay, nhiều người vẫn nghĩ cải lương là chậm lụt, khổ sở, âu sầu. Tôi hy vọng qua phim, khán giả có thể thấy cải lương thời hoàng kim tươi vui, lạc quan ra sao. 
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh.
 
Vì sao anh chỉ đề cập đến giai đoạn 1960-1970?
 
-Tôi chỉ có 90 phút để thể hiện câu chuyện. Thập niên 1950-1960 là của thế hệ tiên phong. Trước đó là thời kỳ sơ khởi với hình thức hát bài ca lẻ - giai đoạn các cô chú nghệ sĩ từ Pháp về, dùng những kiến thức học được và bắt đầu cải biên cải lương. Tôi tạm hiểu đây là "thời kỳ đổ nền" cho việc xây dựng bộ môn nghệ thuật này. Thập niên 1960-1970 là thời điểm sân khấu cải lương đạt đến bước hoàn chỉnh về ca, diễn, dàn dựng. Giai đoạn này, triết học và văn hóa Pháp ảnh hưởng sâu sắc đến cải lương. 
 
Anh kỳ vọng bộ phim hướng vào đối tượng khán giả nào? 
 
-Tôi không có nhu cầu làm phim cho những người đã hiểu về cải lương, mà làm cho những bạn trẻ chưa biết về cải lương. Tôi muốn khán giả, những người chưa có nhiều kiến thức về cải lương, thấy được đây là một loại hình nghệ thuật đỉnh cao, có tính cởi mở, du nạp được nhiều tinh hoa văn học và triết học Pháp, Tây Âu. 
 
Hồ Huy Sơn/Theo VnExpress

Đọc thêm các bài khác