Sau thất bại của “Trường Thành”, đạo diễn họ Trương phần nào lấy lại phong độ bằng dự án "Ảnh" sở hữu phần hình ảnh ấn tượng cùng kịch bản sâu sắc, nhiều suy tư về dục vọng.
Bộ phim Ảnh (Shadow) xảy ra vào một thời kỳ giả tưởng, không xác định trong quá khứ. Khi ấy, Trung Quốc cổ đại còn bị phân chia thành nhiều vương quốc nhỏ. Sống giữa chiến tranh và những cuộc tranh đoạt quyền lực tàn khốc, các bậc đế vương và quý tộc đều khó tránh khỏi mối đe dọa về mặt tính mạng.
Để tồn tại, họ bèn bí mật sử dụng thế thân cho riêng mình, được gọi là “ảnh tử”. “Ảnh tử” - xả mạng cứu chủ, ra sống vào chết, nhưng chẳng bao giờ được ghi tên vào sử sách. Tính mạng và hành tung của họ đều bị chôn vùi, rất ít người biết, như thể chưa từng tồn tại. Và Ảnh là câu chuyện kể về một “ảnh tử” như thế.
Ảnh là tác phẩm mới nhất của Trương Nghệ Mưu sau Trường Thành.
Màn tái xuất ấn tượng của “tông sư” điện ảnh Hoa ngữ
Ảnh là xuất phẩm mới nhất của Trương Nghệ Mưu - vị đạo diễn lừng danh thuộc thế hệ thứ 5 của điện ảnh Trung Quốc. Trong suốt sự nghiệp kéo dài hơn ba thập kỷ, ông đã ghi dấu trong lòng khán giả toàn cầu qua nhiều tác phẩm xuất sắc, chủ yếu mang đề tài hiện thực xã hội hoặc cổ trang võ hiệp.
Tuy nhiên, tác phẩm gần nhất của Trương Nghệ Mưu - bom tấn Trường Thành (2016) - lại là thất bại đáng tiếc. Dự án có kinh phí khổng lồ, được đầu tư hoành tráng, sở hữu dàn diễn viên thực lực. Nhưng thành phẩm rốt cuộc chỉ có chất lượng nghệ thuật ở mức trung bình. Cộng thêm yếu tố tuổi tác, nhiều người quan ngại rằng họ Trương đã hết thời.
Với Ảnh, phim mở đầu bằng một lời dẫn nhập, hé lộ cho khán giả về ý niệm xuyên suốt tác phẩm: “Đây là câu chuyện về ảnh tử”. Sau đó là sự kiện lớn - mục tiêu chính dẫn dắt cả tác phẩm: lời tuyên chiến của đại đô đốc Tử Ngu (Đặng Siêu) từ Bái quốc với tướng quân Dương Thương (Hồ Quân) của Viêm quốc - người đang trấn thủ Cảnh Châu. Đây là tòa thành nằm trong lãnh thổ của Bái quốc nhưng bị Viêm quốc cưỡng chiếm từ lâu.
Cấu trúc của Ảnh gợi nhắc tuyệt phẩm Anh hùng của họ Trương ra mắt hồi 2002. Chỉ trong vài phút nói chuyện ngắn ngủi đầu tiên, đạo diễn đã khắc họa đầy đủ hoàn cảnh tổng thể và miêu tả rõ nét cá tính cùng mối quan hệ giữa các nhân vật chính.
Sự tồn vong của Bái quốc và ân oán bao lâu với Viêm quốc, sự u nhược của Bái vương (Trịnh Khải) trái ngược với cá tính mạnh mẽ của trưởng công chúa (Quan Hiểu Đồng), sự kiên định của Tử Ngu và tình phu thê tương giao, thấu cảm với phu nhân Tiểu Ngải (Tôn Lệ)… hiện lên rõ nét và ấn tượng, dù khán giả chưa từng có bất cứ ý niệm vào về họ.
Sau trường đoạn “tuyên chiến” mở màn ấn tượng, Ảnh mới bắt đầu đi vào quá trình diễn giải, làm rõ từng nhân vật. Hoàn cảnh, mục tiêu cá nhân của mỗi người dần trở nên rõ ràng hơn. Và ý niệm “ảnh tử” cũng lộ diện từ đây. Lúc này, khán giả đã có ấn tượng khá rõ ràng về mục đích chính của tất cả nhân vật trong phim. Họ đều hướng đến trận tái đấu của Tử Ngu và Dương Thương - sự kiện có ảnh hưởng đến mọi tuyến nhân vật.
Ảnh có cách dẫn dụ khán giả rất khéo léo, tinh tế.
Từ đây, đạo diễn Trương Nghệ Mưu và biên kịch Lý Uy bắt đầu xây dựng từng tuyến nhân vật cụ thể, tạo ra từng mảnh ghép đa dạng cho bức tranh tổng hòa tưởng như đơn giản, hời hợt bên ngoài, nhưng kỳ thực lại rất thâm sâu, khó lường bên trong.
Sau cảnh mở màn, Ảnh dành khoảng một nửa thời lượng để giới thiệu lại hệ thống nhân vật, cũng như đi sâu xây dựng tâm lý của mỗi người. Điều này khiến tiết tấu của Ảnh có phần chậm rãi và trầm lắng, phần nào thiếu đi sự hấp dẫn kích thích khán giả.
Tuy nhiên, càng về sau, khi các nhân vật càng bị cuốn vào guồng quay của số phận, mục tiêu và cá tính thực sự ngày một chuyển biến, bộc lộ rõ ràng, mạnh mẽ hơn. Những sự kiện quan trọng mang tính bước ngoặt lần lượt xảy đến một cách gấp gáp hơn, bất ngờ hơn, qua đó hé lộ hàng loạt âm mưu và toan tính không ngờ tới.
Khán giả lúc này mới cảm nhận được cơn bão âm ỉ trước kia đã bùng nổ ra sao. Hàng loạt bi kịch liên tiếp xảy ra vốn không quá bất ngờ hay khó đoán, nhưng thực sự khiến người xem phải nhíu mày, trầm ngâm khi chứng kiến, và day dứt suy tư khi tất cả đã trôi qua. Hàng loạt bi kịch đến từ những lý tưởng, dục vọng rất riêng của mỗi nhân vật, lúc đầu tưởng như chẳng hề tồn tại, mà rốt cuộc lại xảy ra đầy tự nhiên, không thể ngừng lại hay thay đổi.
Trương Nghệ Mưu đã tạo ra một xuất phẩm có bối cảnh, câu chuyện và hệ thống nhân vật thu hẹp và tiết chế hơn hẳn so với nhiều tác phẩm cổ trang trước đây của ông. Nhưng nhờ đó, nhà làm phim có thể vẽ nên một bức tranh vừa sống động, vừa đậm chất cá nhân, không khoa trương hời hợt mà thâm sâu khó lường.
Đây là một xuất phẩm vượt ra ngoài khuôn mẫu đạo lý thông thường, không có cả vai chính diện lẫn phản diện, chẳng có gì là đúng hay sai. Tất cả cứ thế diễn ra và biến hóa một cách tự nhiên, đầy tính nhân bản.
Tư tưởng âm - dương hòa hợp được thể hiện khéo léo, tinh tế
Ảnh không chứa đựng những lý tưởng trị quốc - bình thiên hạ cao siêu như Anh hùng, hay chuyện tình yêu tay ba trái ngang chốn giang hồ như Thập diện mai phục. Bộ phim đào sâu mô tả dục vọng cá nhân rất tự nhiên, đồng thời từ đó thể hiện tư tưởng âm - dương của văn hóa phương Đông một cách tinh tế.
Hầu như mỗi nhân vật trong Ảnh đều có một hình mẫu đối nghịch. Với đô đốc Tử Ngu thì đó chính là Cảnh Châu - “ảnh tử” của mình, giống y hệt về ngoại hình, nhưng lại khác biệt hoàn toàn về hoàn cảnh. Với Bái vương u nhược đa đoan là Trưởng công chúa cá tính, trong sáng. Còn với phu nhân Tiểu Ngải, chính bản thân cô tự tồn tại những mâu thuẫn đối nghịch được tạo ra từ hai người đàn ông xung quanh mình.
Những hình mẫu trái ngược giống như âm với dương, vừa đối nghịch vừa tương trợ, làm nổi bật lên cá tính của nhau, hòa quyện với nhau để tạo ra biến chuyển liên tục. Càng theo dõi, khán giả càng nhận ra rằng âm - dương không chỉ đơn thuần là thiện - ác, ánh sáng - bóng tối. Âm - dương hòa hợp diễn ra muôn hình vạn trạng, chẳng có đúng sai, chỉ như hai mặt của một đồng xu.
Âm-dương hòa hợp là tư tưởng được khai thác triệt để trong phim.
Triết lý âm - dương thể hiện rõ nhất trong mối quan hệ tay ba giữa Tử Ngu - Tiểu Ngải - Cảnh Châu. Tử Ngu từng bị đao pháp của Dương Thương đánh bại một lần, lao tâm khổ tứ tìm cách hóa giải, nhưng chỉ đến khi được sự chỉ điểm của phu nhân mới đại ngộ. Muốn phá giải đao pháp chí cương chí dương, phải dùng công phu âm nhu biến hóa linh hoạt khắc chế mới thành công, và chỉ có nữ nhân tâm tính nhu mì ôn hòa mới nhìn ra chân lý ấy.
Không chỉ là về mặt võ công, hình bóng của thái cực đồ âm - dương còn ảnh hưởng rất rõ đến tâm tình của cả ba nhân vật. Tử Ngu và Cảnh Châu chẳng khác gì hai nửa âm dương của thái cực, và Tiểu Ngải mắc kẹt ở giữa, có nhiệm vụ dung hòa hai thái cực ấy. Cô mắc kẹt giữa hình với bóng, mắc kẹt giữa đạo nghĩa vợ chồng lâu năm với dục vọng bản năng của một người đàn bà.
Người phụ nữ ở giữa tình huống đầy khó xử, chỉ biết tự cân đối, hòa hợp hai người đàn ông ở hai thái cực trái ngược. Cô vừa đồng điệu, nhưng cũng vừa đối kháng. Bởi vậy, tâm lý và hành động của Tiểu Ngải thực sự không đơn giản như vẻ bề ngoài. Ngay cả lúc tưởng như tất cả đã buông xuôi, vỡ òa, thì những hành động của cô cũng khiến khán giả phải tự vấn: ý đồ và mục đích của nó thực sự là gì? Vì đạo vợ chồng hay vì dục vọng bản thân?
Tất cả cho thấy tài năng của Trương Nghệ Mưu trong việc lồng ghép lý tưởng âm - dương giao hòa vào tác phẩm của mình một cách tự nhiên, không sáo rỗng. Nhờ đó, khán giả mới có thể sẻ chia những dằn vặt và suy tư với nhân vật sau khi Ảnh khép lại.
Tuyệt tác hình ảnh đậm chất truyền thống Á đông
Tư duy thẩm mỹ đẳng cấp của Trương Nghệ Mưu thêm một lần nữa thể hiện qua Ảnh. Không còn phong cách sử dụng màu sắc phong phú, đầy rực rỡ và khoa trương như các tác phẩm gần đây, Ảnh gần như chỉ sử dụng hai tông màu trắng - đen chủ đạo. Mỗi khung hình của bộ phim giống như một bức tranh thủy mặc tĩnh tại, tối giản sắc độ, tối giản chi tiết. Chỉ có những mảng sáng tối lập lờ, không chỉ gợi cảm giác cổ xưa phù hợp với bối cảnh, mà còn tạo ra bầu không khí u buồn, trầm mặc xuyên suốt.
Toàn bộ phần hình ảnh càng bổ khuyết cho tư tưởng âm - dương tương hợp của tác phẩm. Thái cực đồ hai mảng trắng - đen đối xứng, luôn tồn tại và giao thoa giữa vạn vật trong tự nhiên. Từng khung hình là những mảng đen mảng trắng hòa quyện liên tục, dưới hiệu ứng quay phim slow-motion giúp tạo ra chuyển biến vô thường.
Sử dụng hai tông màu chủ đạo là đen và trắng, đạo diễn Trương Nghệ Mưu như biến từng khung hình trong phim thành những bức tranh thủy mặc.
Đạo diễn họ Trương cũng rất ý tứ khi sử dụng yếu tố nước trong phim. Toàn bộ thời lượng của Ảnh gần như đều diễn ra vào những ngày mưa trắng trời, không có lấy một ánh nắng le lói. Từng dòng nước mưa như hòa tan vào không gian của tác phẩm, tạo ra sự sinh động cho mỗi khung hình.
Diễn xuất của dàn diễn viên trong phim cũng là điểm nhấn đáng khen ngợi. Đặng Siêu thể hiện cùng lúc hai nhân vật với thần thái, cá tính và diễn biến tâm lý khác biệt hết sức thành công, giống như được hai diễn viên riêng biệt thể hiện. Nam diễn viên Trịnh Khải cũng thể hiện tốt nhân vật Bái vương đa đoan của mình, với nét diễn xuất tự nhiên, linh hoạt, khiến nhân vật trở nên sinh động, chân thực.
Bên cạnh rất nhiều điểm nhấn đáng khen ngợi, Ảnh vẫn còn một vài hạt sạn nhỏ đáng tiếc. Đạo diễn họ Trương đã kỳ công sáng tạo nên món vũ khí ô sắt độc đáo cho nhân vật chính, cùng triết lý võ học lấy nhu khắc cương áp dụng phù hợp với nó. Tuy nhiên, ông lại tỏ ra quá tham lam khi lợi dụng chúng một cách thái quá, chủ yếu với mục đích thẩm mỹ.
Hậu quả là trường đoạn công thành trong phim diễn ra có phần thiếu chân thực, và các phân cảnh sử dụng ô sắt mang tính chất “làm màu” nhiều hơn là thực chiến. Bên cạnh đó, tương quan lực lượng của phe đối địch cũng không phù hợp với diễn biến thực tế của bộ phim lúc ban đầu.
Nhìn chung, Ảnh là màn tái xuất ấn tượng của Trương Nghệ Mưu sau thất bại do Trường Thành gây ra. Độc đáo, tinh tế và sâu sắc, bộ phim không chỉ là một tuyệt tác mỹ thuật đậm chất Á Đông, mà còn ẩn chứa những triết lý đầy nhân bản, khiến khán giả không khỏi suy tư, day dứt về các nhân vật.
Khánh Hưng/Theo Zing