Phim Việt lại kêu cứu vì thua lỗ, lỗi tại ai?

Đăng lúc: 8:06 am, Ngày 04/10/2019

Việc đạo diễn Chung Chí Công của “Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi” cầu cứu khán giả để phim không sớm bị loại khỏi rạp đặt ra cho công chúng nhiều điều đáng suy ngẫm.

Tuy điện ảnh là một bộ môn nghệ thuật, nhưng đích đến cuối cùng của các nhà sản xuất vẫn là lợi nhuận. Do đó, nhiều bộ phim không tiếc chiêu trò để “câu” càng nhiều khán giả tới rạp càng tốt.
 
Kêu cứu và những chiêu trò quen thuộc của các nhà làm phim Việt
 
Gần đây, đạo diễn Chung Chí Công đã kêu gọi 150.000 bạn trẻ “giải cứu” Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi bởi số suất chiếu dành cho bộ phim rất ít ỏi, lượng vé bán ra không cao như mong muốn, và tác phẩm đứng trước nguy cơ sớm bị loại khỏi rạp. Vài năm trở lại đây, những động thái kiểu như thế không còn quá xa lạ trong làng phim Việt.
 
Có một dạo, Ngô Thanh Vân bị gọi là “nữ hoàng thị phi” khi mỗi bộ phim có cô tham gia sản xuất đều đi kèm theo nước mắt. Năm 2016, “đả nữ” nghẹn ngào khi Tấm Cám: Chuyện chưa kể không được trình chiếu tại CGV - chuỗi cụm rạp lớn nhất cả nước.
Ngô Thanh Vân cùng các diễn viên trong ngày ra mắt phim Cô Ba Sài Gòn.
 
Đến khi Cô Ba Sài Gòn ra mắt, phim bị livestream ngay từ những suất chiếu đầu tiên. Hay tới Song Lang (2018), Ngô Thanh Vân tiếp tục kể về những mâu thuẫn hậu trường giữa mình với đạo diễn Leon Quang Lê.
 
Phim giả tình thật là một dạng chiêu trò khác mà nhiều tác phẩm lợi dụng để thu hút sự chú ý. Quý Bình và Minh Hằng từng úp mở chuyện yêu nhau trong quá trình quảng bá Bao giờ có yêu nhau (2016), Hari Won và Trấn Thành công khai mối quan hệ chỉ vài ngày sau khi Bệnh viện ma (2016) chính thức ra rạp, hay gần đây nhất là vụ ầm ĩ giữa Kiều Minh Tuấn và An Nguy nhân dịp Chú ơi, đừng lấy mẹ con (2018) khởi chiếu.
Kiều Minh Tuấn và An Nguy bị lật tẩy PR phim Chú ơi, đừng lấy mẹ con.
 
Một số bộ phim khác dường như lại muốn lợi dụng scandal đời tư diễn viên như Trường Giang với Taxi, em tên gì? (2016), Ngọc Trinh với Vòng eo 56 (2016), hay Lâm Vinh Hải với Vu quy đại náo (2019), để quảng bá.
 
Còn chuyện kêu gọi giải cứu phim Việt cũng từng xảy ra với 100 ngày bên em (2018). Tác phẩm của đạo diễn Vũ Ngọc Phượng thất bại thảm hại khi đối đầu trực tiếp với Avengers: Infinity War (2018) và buộc phải hô hào khán giả tới rạp ủng hộ.
 
Sao lại dùng chiêu trò thay vì đầu tư cho chất lượng?
 
Trên thực tế, đa số bộ phim được nhắc đến bởi chiêu trò đều có chất lượng không nổi trội. Hầu hết sau đó không có lợi nhuận, hoặc thậm chí gây lỗ nặng cho nhà sản xuất.
 
Đặc biệt, một vài trường hợp còn gây phản ứng ngược như Chú ơi, đừng lấy mẹ con. Vụ scandal khiến cả hai diễn viên chính lẫn Cát Phượng vấp phải làn sóng tẩy chay dữ dội, và gây hại luôn cho cả Hạnh phúc của mẹ (2019) ra mắt lâu sau đó.
 
Trở lại với trường hợp Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi, bộ phim được thực hiện tương đối chỉn chu với câu chuyện nhẹ nhàng và ý nghĩa về những người trẻ lạc lõng giữa Sài Gòn. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ!
"Phim chưa muốn chết" là lời kêu cứu gây chú ý trên mạng xã hội của đạo diễn Trời sáng rồi, ta đi ngủ thôi.
 
Tác phẩm của đạo diễn Chung Chí Công ngay từ đầu đã khó lòng tiếp cận số đông đại chúng. Phim nhắm đến đối tượng khán giả trẻ, đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời và chưa tìm thấy lối đi tiếp theo cho bản thân.
 
Kế đó, Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi sử dụng nhạc indie để kể chuyện. Vậy những người không nghe nhạc indie hoặc thích nhạc chính thống, thì sao? Đó là chưa kể tác phẩm còn tồn tại nhiều thiếu sót về mặt kịch bản và chưa phải hay đến mức tuyệt tác.
 
Phim độc lập không đồng nghĩa với chất lượng. Và dù phim có mang đậm tính nghệ thuật, không phải ai cũng có thể cảm nhận hết cái hay từ tác phẩm. Câu hỏi đặt ra là tại sao các nhà làm phim Việt không đầu tư hơn cho phần kịch bản, thay vì mắc phải sai sót rồi sau đó tìm cách sửa sai đầy vụng về?
 
Bấy lâu nay, phim Việt cứ loay hoay trong việc tạo ra một kịch bản trọn vẹn. Với việc dễ dàng được tiếp cận với điện ảnh quốc tế, khán giả nước nhà ngày một khó tính hơn và sẵn sàng bỏ qua những tác phẩm kém chất lượng.
 
Nếu tác phẩm thực sự đánh trúng tâm lý số đông, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Trở lại với Ngô Thanh Vân, Hai Phượng khai thác tối đa lợi thế của cô: các pha hành động cận chiến mãn nhãn. Rốt cuộc thì bộ phim đạt doanh thu rất cao tại phòng vé - 200 tỷ đồng như nhà sản xuất công bố, còn người đẹp lần này chẳng cần phải khóc trước báo chí nữa.
 
Trách nhiệm cứu phim Việt có phải của khán giả?
 
Nói đi cũng phải nói lại, việc phim ngoại tràn ngập thị trường cũng khiến các tác phẩm nước nhà dễ bị khán giả quay lưng. Nền điện ảnh non trẻ của Việt Nam khó lòng đọ lại những ông lớn như Mỹ, Trung Quốc, hay Hàn Quốc. Điều đó dễ khiến các nhà sản xuất chạy theo dòng phim hài nhảm để thu lợi nhuận tức thời. Nhưng như thế, liệu ai sẽ theo đuổi các dự án nghệ thuật?
 
Hàn Quốc và Trung Quốc là những quốc gia áp dụng chính sách bảo hộ phim nội địa. Nhờ hạn chế phim ngoại trong các khoảng thời gian nhất định hoặc lên số suất chiếu, các tác phẩm trong nước dễ sinh lời cao và lợi nhuận trở thành bàn đạp để đầu tư cho các dự án tiếp theo.
Điện ảnh Việt Nam chưa thể tạo ra một bộ phim xuất sắc như Parasite. Nhưng tác phẩm thường bị gắn mác nghệ thuật này của Hàn Quốc đã thu tới hơn 65 tỷ đồng tại nước ta.
 
Nhờ đó, nền điện ảnh mới có sự thay đổi và phát triển rõ rệt, như trường hợp của The Host (2006) và Parasite đến từ Bong Joon-ho tại Hàn Quốc. Hay Ngô Kinh nhờ thành công với Chiến lang (2015) và Chiến lang 2 (2017) - hai bộ phim không quá hay - mới có thể tạo ra Lưu lạc địa cầu (2019) để gây dựng nền móng cho dòng phim khoa học viễn tưởng của điện ảnh nước nhà.
 
Hay gần đây, chiến thắng của Na Tra: Ma đồng giáng thế (2019) giúp tạo tiền đề cho vũ trụ điện ảnh Phong Thần Bảng với Khương Tử Nha trong năm 2020 tới đây.
 
Với Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi, khán giả quả là không có trách nhiệm gì trong việc giải cứu bộ phim. Xem gì phù hợp với mục đích giải trí là quyền tự do của mỗi cá nhân. Thương cho công sức của cả một êkíp, nhưng luật điện ảnh xem ra mới là chiếc chìa khóa để mở ra cuộc chơi sòng phẳng tại rạp chiếu phim và chấm dứt những lời giải cứu.
 
Theo Zing

Đọc thêm các bài khác