Chuyện phim Việt đi Tây, phải chăng đi cho có với thiên hạ?

Đăng lúc: 8:11 am, Ngày 27/11/2019

Với những phim Việt đã được cử đi tham dự tại các liên hoan phim quốc tế, có một sự bất ổn định thấy rõ trong tiêu chí chọn lựa. Biên kịch Đoàn Tuấn gọi đó là sự tắc trách cần chấn chỉnh.

Tiêu chí một đằng, phim một nẻo
 
Tháng 9/2019, Hai Phượng được Cục Điện ảnh cử tham dự Liên hoan phim (LHP) Oscar 2020 ở hạng mục Phim quốc tế xuất sắc. Sau một năm “chinh chiến” phòng vé cả trong và ngoài nước với tổng doanh thu hơn 200 tỷ, Hai Phượng đủ sức thuyết phục khán giả rằng việc phim được cử đi hoàn toàn xứng đáng. Tuy nhiên, về phía các chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh và giới làm nghề, Hai Phượng đi Oscar là một quyết định không chính xác, thiếu nghiên cứu.
 
Hạng mục Phim quốc tế xuất sắc của Oscar, nơi tôn vinh những bộ phim giàu tính nghệ thuật, ngôn ngữ điện ảnh đặc sắc, đậm tính địa phương... thì Hai Phượng được biên kịch Đoàn Tuấn cho rằng: “Một người bạn nước ngoài của tôi, là chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh nói nếu bỏ trang phục áo bà ba đi thì trong phim Hai Phượng, không có điều gì để chứng tỏ đây là bộ phim Việt. Đây là phim giải trí, không phải dòng phim nghệ thuật mà Oscar hướng tới. Tôi không rõ đơn vị nào tư vấn cho Cục Điện ảnh cử Hai Phượng dự thi, nhưng thi làm gì khi ngay từ ban đầu, chúng ta sai tiêu chí và cử đi một bộ phim thiếu bản sắc Việt”.
 
Biên kịch Đoàn Tuấn chỉ ra nhiều quyết định sai lầm của Cục Điện ảnh mà không chỉ là tắc trách, đó còn là sự thiếu tôn trọng ban tổ chức LHP bởi thể hiện rõ việc chúng ta không nghiên cứu về giải, về quốc gia tổ chức giải.
Phim Hai Phượng được cử tham dự LHP Oscar 2020
 
“Chúng ta từng cử sang LHP Iran bộ phim Gái nhảy, tôi có nói chuyện với đạo diễn Lê Hoàng, thì Iran - đất nước Hồi giáo với nhiều luật tục, họ không cho chiếu phim Gái nhảy. Hội nhập điện ảnh nhưng chúng ta đi mà không hiểu đối tác, chỉ lấy chuẩn của mình, tức một bộ phim thắng doanh thu năm đó chẳng hạn để đưa đi. Chúng ta tự đẩy mình lệch ra khỏi cuộc chơi quốc tế”, biên kịch Đoàn Tuấn bức xúc.
 
Những quyết định tréo ngoe từ Cục Điện ảnh, nhiều lần tạo ra cuộc tranh cãi, chỉ trích trong dư luận về phim đại diện Việt Nam tham gia các LHP quốc tế. Ở điểm này, PGS.TS Trần Luân Kim - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cho biết phim Việt được cử đi Tây trong thời gian qua có một vài phim chưa phù hợp. Lý giải cho điều này, khoan bàn về chất lượng phim, PGS.TS Trần Luân Kim nhận định, Cục Điện ảnh thiếu nghiên cứu về nơi đưa phim Việt đến tham dự.
 
Đó không phải là công việc khó nếu muốn thực hiện vì bây giờ, quá dễ để tìm hiểu thông tin liên quan đến một giải thưởng. “Mình phải biết mình là ai? Mình đi đến đâu? Mình thi đấu cùng những ứng cử viên nào? Phải đặt ra câu hỏi cụ thể để tự bộ phim trả lời, để thấy rằng có phù hợp hay không, và những quyết định sau đó, mới không gây ra tranh cãi trong dư luận, giới làm nghề”, PGS.TS Trần Luân Kim nói.
 
Phim Việt thiếu bản sắc Việt
 
Về bộ đồ bà ba trong phim Hai Phượng mà biên kịch Đoàn Tuấn nhắc tới, ông xem đây là chi tiết thể hiện văn hoá Việt Nam, tính dân tộc duy nhất trong phim. Theo ông, phim Việt Nam muốn thể hiện tính dân tộc, bản sắc, văn hoá không chỉ qua trang phục mà phải đến từ câu chuyện phim, diễn xuất của diễn viên, tư tưởng nhân vật trong phim...
 
Trong câu chuyện phim Việt đi Tây, để nói về bản sắc Việt, PGS.TS Trần Luân Kim than phiền vì phim Việt hiện tại thiếu bản sắc, thiếu tiếng nói. Nếu để đi quốc tế, đương nhiên, trong số những phim Việt ra rạp nằm trong khoảng thời gian cho phép, phải có phim chất lượng.
Hình ảnh trong phim Cuộc đời của Yến, phim Việt từng thắng lớn tại LHP Philippines năm 2016
 
“Chúng ta kêu gào muốn đưa một phim thể hiện được bản sắc Việt Nam, giới thiệu được con người, văn hoá Việt Nam đến bạn bè quốc tế, ít nhất, phải có phim làm được điều này. Hiện tại, phim Việt đang có dấu hiệu khởi sắc nhưng thiếu tiếng nói dân tộc, tiếng nói về các vấn đề xã hội. Việt Nam không thiếu những vấn đề xã hội gai góc nhưng tiếng nói của điện ảnh ở đâu?”, PGS.TS Trần Luân Kim chia sẻ.
 
Về bản sắc Việt trong điện ảnh, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - xác định cần phải chú trọng: “Trong hội nhập với quốc tế, điện ảnh Việt phải có bản sắc, chúng ta mới có thể hội nhập một cách hiệu quả. Điện ảnh phải đưa được sự tự tôn, tự trọng dân tộc, đưa được văn hoá, con người Việt Nam để thế giới hiểu được những cái hay, cái đẹp mang bản sắc Việt”.
 
Tuy nhiên, khi đem câu chuyện thể hiện tiếng nói xã hội trong phim hỏi ngược PGS.TS Trần Luân Kim về những ràng buộc, những quyết định có phần khó hiểu từ Hội đồng Kiểm duyệt phim làm giảm ý chí của những nhà làm phim quan tâm vấn đề xã hội, câu trả lời nhận được là: “Thể hiện ở mức độ nào mới là điều quan trọng. Có thể, nhiều nhà làm phim lấy cớ phim sẽ bị cắt, buộc chỉnh sửa trước khi ra rạp nên không làm thì phải hiểu rằng, Hội đồng Kiểm duyệt phim có lý do để thực hiện điều đó. Quan trọng là cách thể hiện vừa phải, hợp lý, chừng mực để không phơi những điều sai trái”.
Đoàn phim Cô Ba Sài Gòn giao lưu tại LHP quốc tế Busan, Hàn Quốc năm 2017
 
“Trong 10 - 15 năm trở lại đây, điện ảnh Việt Nam đánh mất gương mặt, tính cách, sĩ diện của mình. Chúng ta đánh mất hết cả. Tôi nghĩ chúng ta phải thay đổi. Tôi không phản đối dòng phim thị trường nhưng phải có dòng phim chủ lưu, để cho khán giả quốc tế cơ hội xem và hiểu về Việt Nam”, chia sẻ của biên kịch Đoàn Tuấn hướng đến mong muốn có sự hỗ trợ lớn hơn từ phía Nhà nước.
 
Nếu đổ lỗi hoàn toàn cho các nhà làm phim Việt thiếu tiếng nói, thiếu bản sắc thì e rằng, chưa công bằng với họ. Ở điểm này, biên kịch Đoàn Tuấn khẳng định sự quan tâm, hỗ trợ từ Nhà nước là quan trọng. Gánh nặng định danh phim Việt trong quá trình hội nhập quốc tế, đi để giới thiệu phim Việt có diện mạo như thế nào, đâu thể nói suông và “đá” trách nhiệm sang phía các nhà sản xuất tư nhân.
 
Phim Việt thiếu bản sắc, không hiệu quả khi cử đi Tây, là câu chuyện liên quan đến nhiều phía. Nhưng trước khi quy trách nhiệm, nếu nhận định chất lượng phim Việt chưa cao, nội dung phim chưa phù hợp với giải thưởng điện ảnh quốc tế nào đó, thiết nghĩ dừng việc cử đi để tránh hình thức đi cho có.
 
Theo PNO

Đọc thêm các bài khác