Phim truyền hình Việt vượt khó

Đăng lúc: 10:51 am, Ngày 19/10/2016

Dù đang rơi vào tình trạng sụt giảm sản lượng do ít quảng cáo nhưng nhiều nhà sản xuất vẫn khẳng định phim truyền hình không chết, chỉ là đang nỗ lực vượt qua thời kỳ khó khăn.

Giảm người xem, giảm chất lượng phim và giảm kinh phí tài trợ, quảng cáo, phim truyền hình đang tụt dốc không phanh. Theo nhiều người trong giới, phim truyền hình gặp khó nhưng sẽ không chết. Lâu nay, quy luật thị trường vẫn là tăng trưởng, bùng nổ, bão hòa, sụt giảm rồi lại tăng trưởng. Dự kiến nửa cuối 2017, phim truyền hình sẽ khởi sắc trở lại.
 
“Cú tát” để thức tỉnh
 
Việc phim truyền hình sụt giảm trong năm 2016 đã được người trong giới cảnh báo từ đầu năm. Nhiều kênh có khung giờ phim Việt nhưng phần nhiều phát lại phim cũ hoặc phim cất kho, không mua mới.
Cảnh trong phim Bát quái trận đồ.
 
Biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương nhận định lượng rating (khán giả theo dõi qua truyền hình) của một vài phim truyền hình không giảm, phim Bát quái trận đồ được nhà sản xuất công bố rating hơn 21,5%, cao hơn cả Hậu duệ của mặt trời (Hàn Quốc) phát sóng cùng thời điểm. Dù lượng rating một số phim vẫn cao nhưng nguồn thu quảng cáo trong phim truyền hình khi phát sóng ngày càng ít, do nguồn tiền này đổ dồn vào mạng xã hội và game show đang phủ sóng dày đặc trên các kênh truyền hình. “Thị trường phim Việt thay đổi, khán giả không quan tâm đến phim truyền hình, người làm nghề phải chuyển hướng. Khi khán giả không quan tâm, lượng quảng cáo giảm, thu không đủ bù chi, nhiều hãng sản xuất cắt giảm các dự án phim truyền hình” - đạo diễn Nguyễn Minh Chung cho biết.
 
Nhiều khán giả cho rằng phim truyền hình ngày càng nhàm chán, nội dung cũng chỉ là những câu chuyện tình cảm gia đình, tình yêu tay ba... đã có từ lâu trong các bộ phim ăn khách của Hàn Quốc, Đài Loan trước đây. Phim Việt càng làm càng kém chuyên nghiệp nên không còn sức hút. Trong khi phim phát hành online qua mạng của Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc đang ngày càng thu hút đông đảo người xem. Theo nhiều người trong giới, đây là “cú tát” để những người làm phim truyền hình Việt tỉnh lại, nhìn nhận thực tế yếu kém của mình, thay đổi tư duy để xốc lại đội ngũ, từ nhà sản xuất, nghệ sĩ đến nhà đài. Hy vọng sau đợt sàng lọc này, phim truyền hình Việt có chất lượng hơn.
 
Tìm hướng đi mới
 
“Phim truyền hình đang gặp khó nhưng vẫn sẽ tồn tại” - bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty Sóng Vàng, khẳng định. Để vượt giai đoạn khó khăn này, ngoài việc chuyển hướng sang đầu tư phim điện ảnh, game show, một số hãng phim còn tập trung làm phim sitcom (hài kịch tình huống). Đại diện truyền thông của M&T Pictures cho biết họ vừa ra mắt sitcom Chuyện gì đang xảy ra? (đạo diễn: Chu Thiện), quy tụ dàn diễn viên gạo cội: Lê Khánh, Huy Khánh, NSƯT Thanh Thủy...
Cảnh trong phim Chuyện gì đang xảy ra?
 
Phim sitcom thời lượng ngắn (16-25 phút/tập), nội dung chủ yếu xoay quanh cuộc sống hằng ngày với các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... Vì thế, chi phí sản xuất rẻ hơn nhiều so với phim dài hơn 45 phút/tập. Sitcom được nhà đài, hãng sản xuất và những công ty, nhóm làm phim chiếu mạng rất ưa chuộng. Trước khi phim truyền hình rơi vào bão hòa, một số phim sitcom: Lẵng hoa tình yêu, Nhật ký Vàng Anh... tạo được sự chú ý. Nhưng thể loại này chỉ thực sự bùng nổ thời gian gần đây cả trên truyền hình lẫn YouTube. Danh sách những sitcom đã và đang chuẩn bị lên sóng nối dài: Rắc rối là chuyện nhỏ, Sắc màu phái đẹp, Phụ nữ là số 1, Xóm trọ vui nhộn...
 
Việt Nam chưa có phim trường chuẩn cũng như kịch bản ấn tượng cho thể loại này như Hàn Quốc nên muốn tạo đột phá, ít ra cũng có được tác phẩm như Gia đình là số 1 rất ăn khách tại Hàn Quốc cũng như các nước châu Á khác, nhà làm phim Việt phải nỗ lực rất lớn.
 
Khác với hoàn cảnh các hãng làm phim để bán lại cho nhà đài, một số tập đoàn có sở hữu kênh truyền hình vẫn nỗ lực sản xuất để duy trì giờ phim Việt trên kênh truyền hình của họ. Ông Lâm Chí Thiện, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn IMC (tập đoàn sở hữu kênh TodayTV và một số kênh khác), cho biết: “Năm 2016, chúng tôi đã sản xuất gần 10 phim truyền hình, tăng gấp 3 lần so với 2015. Hiện chúng tôi đang quay phim Cali mùa hoa vàng bối cảnh tại Mỹ, Việt Nam và 2 kịch bản hợp tác cùng Philippines”.
 
Theo ông Thiện: “Thị trường phim truyền hình đang trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, những doanh nghiệp không có định hướng rõ ràng, không đầu tư lâu dài sẽ dần rời khỏi “sân”. Chúng tôi tin phim truyền hình sẽ khởi sắc trong những năm tới vì người Việt vẫn yêu phim Việt”.
Cảnh trong phim Zippo, mù tạt và em.
 
Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) với sự hỗ trợ của các kênh phát sóng VTV cũng tiếp tục cho ra nhiều sản phẩm chất lượng, được khán giả yêu thích. Phim Zippo, mù tạt và em thu hút khán giả trẻ, mỗi dòng chia sẻ về phim này trên fanpage của phim này luôn dao động từ 5.000-11.000 lượt like (thích) và gần cả ngàn lượt bình luận quanh chuyện tình của Lam - Huy - Sơn. Trong tháng 5, VTV9 ra mắt khung giờ vàng dành cho phim Việt, mở thêm kênh “phát hành” mới cho phim truyền hình.
 
Dù là chuyển hướng sang điện ảnh, game show hay tập trung vào loại hình sitcom, các nhà sản xuất vẫn dành phần đầu tư, duy trì các đoàn phim truyền hình. Thị trường truyền thống này được nhiều người trong giới nhận định vẫn hấp dẫn, các nhà sản xuất tâm huyết không dễ buông tay.
 
Minh Khuê/Theo Người lao động

Đọc thêm các bài khác