Hầu hết các đơn vị sản xuất phim truyền hình đang sống lay lắt hoặc ngưng hẳn. Nếu hơn một thập kỷ trước, phim truyền hình nở rộ thì bây giờ đang lụi tàn.
Phía Bắc chỉ còn Trung tâm Sản xuất phim truyền hình VN (VFC) đang hoạt động. Ở phía Nam, Hãng phim TFS sau một thời gian yên ắng, năm 2018 trở lại sản xuất ba phim: Mùa cúc susi, Ráng chiều ấm áp, Rừng thiêng.
Quy trình nghiệp dư, thực lực sa sút
Khi khán giả có nhiều "món ăn" để chọn lựa và mạng xã hội trở nên phổ biến, phim truyền hình buộc phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt. Trong khi đó, quy trình sản xuất phim còn nghiệp dư ở mọi mặt: máy móc, thiết bị, điều kiện thực hiện kỹ xảo đều hạn chế, không có trường quay cho phim truyền hình, đội ngũ nhân lực còn yếu và thiếu.
Với điều kiện làm phim như thế, nhiều đơn vị sản xuất phim đã gồng mình để chạy đua về số lượng trong một thời gian dài cho tới khi thị trường có những biến động lớn, các đơn vị sản xuất dễ dàng bị đánh gục do thực lực sa sút, thiếu tầm nhìn xa.
Cảnh trong phim Con gái bố già của đạo diễn Nguyễn Phương Điền.
Phim kém chất lượng, giảm sức hút kéo theo những hệ lụy nặng nề như các đơn vị sản xuất phim chậm trả tiền catsê cho diễn viên, nhân viên; không có tiền tái đầu tư cho thiết bị hiện đại, cho kịch bản; nhiều bộ phim vì bài toán kinh tế đã phải điều chỉnh để tăng tập, giảm bớt những chi phí tiền kỳ...
Rating (lượt khán giả theo dõi) sụt giảm, spot quảng cáo thưa thớt là lý do trực tiếp khiến nhiều đài truyền hình từ chối mua phim Việt, dành sóng cho các game show hoặc phim nước ngoài.
Ở phía Nam, Hãng phim Sena sau sự cố Hồ sơ lửa đã ngưng hoạt động. Mới đây, Hãng Vietcom - đơn vị từng sản xuất gần 270 tập phim Xin chào hạnh phúc phát trên kênh VTV3 - cho biết hiện công ty chỉ sản xuất khoảng 1/3 so với số lượng phim trước đây.
Bà Bích Liên, giám đốc Công ty Mega GS có kinh nghiệm sản xuất phim truyền hình lâu năm, cho biết: "Trước đây hãng phim của chúng tôi có năm sản xuất gần 1.000 tập, nay được 200 tập/năm là giỏi lắm rồi. Ngày xưa làm phim còn có lời kha khá, bây giờ mỗi tập mà có lời được 20 triệu đồng chưa trừ chi phí nhân viên trong công ty đã là quá tốt".
Phim lên sóng không "hot", không có quảng cáo. Một số nhà sản xuất cho biết phim lên sóng mấy tháng mà chưa được nhà đài thanh toán tiền. Không chỉ phải khất lần với người lao động mà còn chịu lãi suất chồng chất khi vay vốn ngân hàng làm phim.
Một số đơn vị sản xuất phim phá sản. Hàng loạt hãng phim âm thầm rời khỏi thị trường không kèn không trống... Những người trong cuộc khẳng định phim Việt thất sủng là do tự mình đào thải mình.
Thiếu chiến lược phát triển
Đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng, người từng rất thành công với sitcom 5S Online, sau hai mùa làm cho VTV và một mùa làm cho công ty tư nhân đã quyết định bỏ nghề đi làm kinh doanh. Anh cho rằng việc hàng loạt nhà sản xuất bỏ nghề làm phim trước tiên là do năng lực của họ chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, thứ hai là do cơ chế sản xuất phim truyền hình hiện nay.
"Thời tôi còn làm phim, phim hay, phim dở đều chỉ được trả 200 triệu đồng/tập. Cần có một cơ chế thị trường thực thụ, đánh giá đúng giá trị sản phẩm. Phim có rating cao phải được thưởng thì nhà sản xuất mới có tiền để phát triển lên" - đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng nói.
Ngoài ra, cơ chế nhà đài đặt hàng và trả bằng sóng quảng cáo cho các đơn vị tư nhân, hoặc nhà đài khoán luôn sóng cho tư nhân cũng tạo ra nhiều vấn đề. Công ty tư nhân nhận khung giờ nào sẽ có trách nhiệm tổ chức sản xuất phim, đồng thời bán sóng quảng cáo cho khung giờ đó.
Mô hình này nước ngoài cũng thực hiện, nhưng với một thị trường non trẻ như VN tiềm ẩn rất nhiều vấn đề.
Cảnh trong Cả một đời ân oán, làm lại từ bộ phim Đài Loan Cô dâu bạc triệu.
Đạo diễn Trần Lực, một người đã rút lui khỏi nghiệp sản xuất phim truyền hình, cho biết: "Thời tôi làm, đài trả tiền bằng thời lượng quảng cáo. Mình vừa làm phim vừa phải đi bán quảng cáo. Ai cũng tranh nhau vào giờ vàng VTV3. Bán không được, anh nào anh nấy giảm giá chí chết, rồi phải tạm ngừng thôi".
Biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhận định: "Về lý thuyết, các đài truyền hình chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng nội dung phim, tuy nhiên khi đã giao sóng cho các đơn vị tư nhân thì không kiểm soát được nữa. Có những đơn vị tư nhân bán quảng cáo rất giỏi nhưng làm phim kém. Không kiểm soát được chất lượng phim, dần dần dẫn đến sụp đổ cả một hệ thống sản xuất phim truyện".
Truyền hình Vĩnh Long sau nhiều lần "ăn quả đắng" vì các đơn vị tư nhân trưng ra kịch bản hay, nhưng sản phẩm làm ra tồi đã quyết định phải ký thỏa thuận giám sát bốn khâu sản xuất của đối tác. "Phim đạt chất lượng thì chúng tôi trả tiền mặt luôn. Điều này giúp cho nhà sản xuất chuyên tâm vào chất lượng phim chứ không phải lo chạy quảng cáo nữa" - giám đốc THVL Lê Quang Nguyên nói.
Nhiều chuyên gia truyền hình cho rằng từ việc VTV dự định điều chỉnh khung "giờ vàng" cho phim Việt trên kênh VTV1, cần nhìn lại hệ thống sản xuất phim truyền hình.
Lâu nay phim truyền hình vẫn chạy theo thị hiếu, thiếu hẳn hoạch định về mặt chiến lược, nên đội ngũ làm phim hoàn toàn bị động trước những thay đổi của thị trường.
Hoàng Lê - Ngọc Diệp/Theo Tuổi Trẻ