Đạo diễn Ái Như cũng 'nửa đời ngơ ngác'

Đăng lúc: 8:00 am, Ngày 30/12/2018

Ngơ ngác không hiểu sao mình làm nghề tử tế đến vậy mà vẫn lận đận, chơi vơi. Chị chưa hề dám thoại bậy một câu, chưa hề dám diễn bậy một lớp...

Đêm 31/12/2018 và đêm 1/1/2019 sẽ có 2 suất diễn đặc biệt của Sân khấu Hoàng Thái Thanh với kịch bản Nửa đời ngơ ngác tròn 150 suất. 
 
Sân khấu Hoàng Thái Thanh có NSƯT Thành Hội là trụ cột nhưng Ái Như là một dàn kèo giữ cho khung nhà luôn vững chắc, rợp mát. Chị và Thành Hội bổ sung cho nhau trong nghề, làm nên một thương hiệu kịch Hoàng Thái Thanh uy tín.
 
Ấy thế, người ta vẫn có cảm giác Ái Như đang "ngơ ngác", đúng như tên kịch bản Nửa đời ngơ ngác đã vượt qua ngưởng 150 suất diễn. Dường như Ái Như có chút gì giống những nhân vật trong vở diễn - đều mất nửa đời thanh xuân để ngơ ngác trong nỗi nhớ, ngơ ngác giữa nỗi đau, cái gì cũng dang dở, không trọn vẹn ân tình, cũng không kết thúc cho xong, cứ treo mãi trên cành cây yêu thương và tuyệt vọng... Dường như mối tình của chị với sân khấu có chút gì xót thương như vậy.
 
Không, chị đã rất thành công kia mà! Chị có quá nhiều tác phẩm hay, quá nhiều lời khen ngợi trên báo chí. Chị nổi tiếng khi còn rất trẻ, khi tuổi đôi mươi tràn trề thanh xuân, cũng như 5B khi ấy mới là CLB Thể nghiệm tràn trề thanh xuân… Tất cả năng lượng và tình yêu chị đã tận hiến cho sàn diễn suốt 31 năm, chinh phục được tình yêu của khán giả, ai cũng mềm lòng, ai cũng rung động với Ái Như, với Hoàng Thái Thanh. 31 năm làm nghề là đủ nửa đời. Mà nửa đời như thế có gì gọi là hối tiếc, có gì gọi là ngơ ngác?
 
Vậy mà ngơ ngác đó! Ngơ ngác trong chính nơi mình tận hiến mỗi ngày. Ngơ ngác trong dòng xoáy mà con thuyền sân khấu Hoàng Thái Thanh đang chèo chống. 9 năm chị và Thành Hội chèo thuyền ra khơi, đã gặp biết bao sóng nhồi gió giật. Đôi lúc con thuyền mỏng manh như chiếc lá tưởng chừng lật úp tan tành. Đôi lúc con thuyền định cột luôn vào bến dừng cuộc giang hồ mơ mộng. Đôi lúc cánh tay rã rời chỉ muốn buông thõng mà thôi… Những khoảnh khắc ấy làm sao người ngoài nhìn thấy. Chỉ thấy Ái Như và Thành Hội tay bồng tay bế "lũ con" là đám học trò của mình chạy đôn đáo tìm nơi sáng đèn, tay xách tay mang phông màn đạo cụ chạy đôn đáo tìm nơi tạm cư. Chạy xất bất xang bang nhưng rồi bước ra sân khấu vẫn tung tăng nói cười làm vui lòng người mua vé. Những tràng pháo tay vang dậy dưới khán phòng, phía sau hậu trường vẫn là những nỗi lo toan vượt sóng…
Ngơ ngác trong dòng xoáy mà con thuyền sân khấu Hoàng Thái Thanh đang chèo chống.
 
Nói ngơ ngác là như thế đó! Ngơ ngác không hiểu sao mình làm nghề tử tế đến vậy mà vẫn lận đận, chơi vơi. Chưa hề dám thoại bậy một câu. Chưa hề dám diễn bậy một lớp. Chưa hề dám dựng bậy một lần. Cái gì cũng chỉn chu từng chút một, cũng chăm lo đến từng sợi tóc. Không biết phải làm sao nữa? Người xem vẫn khen mà khán phòng vẫn chưa đầy vé. Đường xa? Nước ngập? Mưa gió? Mặt bằng hơi khuất? Mọi người hỏi nhau, rồi cùng nhau im lặng…
 
Ngơ ngác còn bởi thị trường đang bày ra trăm thứ mới toanh, hấp dẫn, đôi khi dễ dãi, nhàn nhạt nhưng vẫn cuốn phăng người của hôm nay trong dòng xoáy rất mạnh của công nghệ nghe nhìn. Những thứ mà Ái Như không thể cảm nhận nổi, không thể hòa nhập được. Ái Như thủ thỉ: "Tôi có lạc hậu hay không?". Chị băn khoăn liệu mình có tách rời cuộc sống hôm nay, có bị lùi lại phía sau khi người ta đang đổ xô chạy về phía trước? Bởi những câu chuyện Hoàng Thái Thanh kể trên sân khấu hình như đa số đều hoài niệm về một thời xa xưa, nơi miền quê xa ngái, với những con người nhân lễ nghĩa trí tín ẩn sau lớp bụi thời gian. Khán giả khóc với nhân vật, khóc với nỗi nhớ cố hương nhưng rồi họ vẫn phải đi về phía trước mà sống cho hợp với nhân gian. Liệu Hoàng Thái Thanh có lẻ loi đứng nhìn thị trường đang sôi nổi ồn ào đầy sắc màu quyến rũ? Ái Như sẽ còn ngơ ngác nhiều tháng nhiều năm nữa, như cô gái trong trẻo lúng túng giữa phố xá đèn xe rộn rịp…
Ngơ ngác còn bởi thị trường đang bày ra trăm thứ mới toanh, hấp dẫn, đôi khi dễ dãi, nhàn nhạt.
 
Nhưng Ái Như chối từ thay đổi. Chị nói đã quen rồi, đã thành máu thành xương rồi, làm sao nhuộm màu khác đi cho được. Chị nhắc một câu ngày xưa từng học trong Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM: "Hãy để đôi giày bẩn của bạn bên ngoài thánh đường sân khấu". Và tâm sự: "Tôi đã mất 7 năm gián đoạn rồi mới được trở lại đi học thì không thể làm những gì mình không thích. Thôi thì tới đâu biết tới đó, một ngày còn làm nghề là một ngày còn làm điều mình mong ước". Có nghĩa là, sân khấu này cứ nuốt vốn của chị và Thành Hội, chưa có lãi đồng nào, thôi cứ gồng cho đến khi nào hết gồng nổi. Cứ sáng đèn trong cơn bão thị trường. Ngơ ngác với mọi thứ vốn không phải cái chất của mình nhưng vô cùng tinh tế, sắc sảo với những thứ mình vốn đa mang nghiệp dĩ. Vậy đi, chiếc thuyền lá mong manh nhưng cứ dịu dàng nổi trên mặt nước, vẫn có những giây phút đẹp rạng ngời để mai sau khi nhắc tới sân khấu người ta vẫn rung động, cảm thương và nể phục. 
 
Hoàng Kim/Theo NLĐO

Đọc thêm các bài khác