NSƯT Kim Tử Long đã công bố liveshow thứ ba trong sự nghiệp, diễn ra vào ngày 12/10 tại Nhà hát Chèo Kim Mã, Hà Nội và 19/10 tại Nhà hát Bến Thành, TP.HCM.
Liveshow lần này có chủ để Thánh đường Sân khấu, quy tụ lực lượng nghệ sĩ hùng hậu nhất từ trước đến nay. Điện ành Kịch trường có cuộc gặp gỡ gặp riêng anh.
Điểm nổi bật nhất và hấp dẫn nhất trong liveshow của anh lần này là gì, thưa anh?
-Đó là 90% tiết mục đều được viết mới hoàn toàn. Chỉ có một tiết mục sử dụng kịch bản cũ, còn lại là chưa từng diễn trên sân khấu. Kim Tử Long và tác giả Tô Thiên Kiều đã có hơn 3 tháng để ngồi với nhau chuẩn bị, bàn bạc và viết từng kịch bản theo kiểu đo ni đóng giày với từng giọng ca và sở trường của từng người. Tuy chỉ mới trên sàn tập nhưng tôi cảm nhận chương trình này hay hơn hẳn hai liveshow trước của mình.
Đông đảo đồng nghiệp, bạn bè đã tham dự buổi giới thiệu liveshow của NSƯT Kim Tử Long.
Chương trình quy tụ dàn nghệ sĩ tên tuổi nhiều thế hệ từ Trường Sơn, Ngọc Huyền, Phương Hồng Thủy, Phượng Hằng cho đến Vũ Luân, Hữu Quốc, Trinh Trinh, Tú Sương, Lê Thanh Thảo, Lê Tứ, Hà Như, Điền Trung cho đến các học trò của anh như ở các cuộc thi như Phạm Huyền Trâm, Trịnh Ngọc Huyền, Phương Cẩm Ngọc… cho đến thể hệ nhi đồng như Kim Thư, Andy Khánh… Quá nhiều người như thế, liệu có đất diễn cho tất cả?
-Thực sự tôi muốn mời nhiều đồng nghiệp nữa tham gia nhưng do thời lượng có hạn nên không thể. Tôi muốn mọi người đến chung vui trong liveshow của mình. Tuy nhiên, không phải vì đông mà mỗi người xuất hiện cho có, mà tất cả đều có vai diễn, có số phận riêng của mình. Đó cũng là cái khó nhất trong việc dàn dựng, nhưng tôi đã tìm ra chìa khóa để xử lý trong mỗi tiết mục.
Qua đây, tôi xúc động vì những tấm chân tình của đồng nghiệp. Không ai đòi hỏi thù lao cho mình. Như Ngọc Huyền phải đổi vé, bay đi bay về giữa Việt Nam và Mỹ mấy lượt để tập dợt. Phương Hồng Thủy nghe mời của tôi là nhận lời về liền dù không biết mình hát gì, vai ra sao. Còn các bạn trẻ thì tập dợt nhiều ngày nhưng ai cũng thu xếp thời gian. Nói chung không khí tập dợt rất vui và lâu rồi mới có dịp gặp mặt đông đảo mọi người như vậy. Bà xã Trinh Trinh của tôi còn vui hơn vì mỗi ngày được nấu một món để thiết đãi anh em.
Điểm nào anh thích nhất trong liveshow lần này?
-Tôi rất thích cách dàn dựng của chương trình Kịch cùng Bolero nên cũng học hỏi để đưa vào. Mỗi ca khúc Bolero, tôi dàn dựng thành một câu chuyện có vui, có buồn theo chất cải lương. Khán giả có dịp nghe các ca khúc Bolero quen thuộc do tôi, Ngọc Huyền, Phượng Hằng cùng các bạn nghệ sĩ trẻ hát.
NSƯT Phượng hằng và NSƯT Ngọc Huyền có mặt trong liveshow của NSƯT Kim Tử Long.
Bỏ công sức tập rồi chỉ diễn mỗi nơi một đêm. Anh có thấy chạnh lòng vì nhận xét cải lương dù có hay đến đâu nhưng chỉ diễn tối đa hai đêm là hết?
-Trong thời điểm mà cải lương xã hội hóa phát triển mạnh, nhiều chương trình thu hút khán giả. Tôi không nghĩ khán giả quay lưng, nếu thực hiện nhiều chương trình hay thì họ vẫn sẽ ủng hộ. Còn liveshow ít đêm diễn là do khán giả cải lương ngày càng bị thu hẹp và lượng khán giả mới không nhiều.
Tôi chuẩn bị nhiều kịch bản để dàn dựng sau liveshow này. Tôi mong là có dịp diễn hàng tuần. Muốn vậy, nghệ sĩ cần chung sức chung lòng như các nghệ sĩ kịch nói. Nói khán giả quay lưng với cải lương là không đúng. Mình cứ làm nhiều chương trình, thật nhiều kịch bản mới thì khán giả sẽ đến ủng hộ. Tôi nghĩ mình phải làm nhiều để giữ cho mình lòng nhiệt huyết, ngọn lửa với cải lương. Không làm mà chỉ ngồi than cải lương chết thì chẳng ai quan tâm. Mặt khác là còn vì thời gian không chờ một ai. Tôi và mấy cô đào diễn cùng tôi ai cũng đã U50, ngấp nghé U60 hết rồi. Vài năm nữa không biết tôi và các bạn đồng trang lứa có còn thanh xuân để đóng các vai trẻ, đẹp hay có còn đủ sức để đóng cac vai diễn khó không. Chính tâm tình này tôi gửi vào một tiết mục trong live show sẽ gây bất ngờ cho khán giả.
Nghệ sĩ Trinh Trinh (phải) - bà xã của Kim Tử Long và nghệ sĩ trẻ Phạm Huyền Trâm – Thí sinh đoạt giải của Hội đồng báo chí tại giải Chuông vàng Vọng cổ 2019.
Được biết, trước khi công diễn ở TP. HCM, liveshow của anh được diễn ở Hà Nội. Có phải anh muốn tạo hiệu ứng ngược để thu hút khán giả TP.HCM?
-Dù không đủ thành phần vì kinh phí đi lại cao nhưng tôi đem những tiết mục chính ra Hà Nội diễn. Khán giả Hà Nội yêu cải lương miền Nam lắm. Dù giá vé so với chương trình ở TP.HCM cao hơn đáng kể nhưng lần nào cũng cháy vé. Sự cố cháy Cung Hữu nghị vừa qua khiến công ty đối tác thực hiện chương trình Ngôi sao phương Nam phải dời điểm diễn sang Nhà hát Chèo Kim Mã. Mà nhà hát chỉ có 500 chỗ nên dù bán hết vé cũng không thu hồi vốn. Đây là lần thứ 9 tôi cùng các nghệ sĩ miền Nam ra trình diễn nên chắc chắn sẽ không thể làm khán giả thất vọng.
Vé hạng nhất của đêm diễn tại TP. HCM hiện đã hết. Tôi mong muốn đêm diễn sẽ cháy vé và có nhiều khán giả đền với mình nên có giá vé từ 200.000 đồng cho đến 2 triệu đồng.
Một chút ngoài lề liveshow: anh nghĩ gì về dự án cải lương diễn miễn phí cho khán giả đang được thực hiện?
-Tôi nghĩ dự án này cần được các cấp lãnh đạo và người trong nghề xem lại khi dư luận, báo chí phản ảnh trong mấy ngày qua. Không thể để cải lương diễn miễn phí như vậy. Thứ nhất sẽ ảnh hưởng đến các đơn vị xã hội hóa. Thứ hai là tạo thói quen thưởng thức của khán giả. Đã có nhiều chương trình cải lương trên truyền hình, đài phát thanh miễn phí rồi thì nhất định cải lương sàn diễn không thể là miền phí.
Xin cám ơn anh và chúc liveshow của anh thành công.
Cá Con