Có một vết xe đổ mà nhiều nhà làm phim Việt vẫn cứ bước vào: đó là làm tiếp phần hai cho những phim truyền hình ăn khách. Hậu quả nhãn tiền không ít, nhưng các nhà làm phim vẫn cứ lao vào để… chuốc lấy thất bại.
Gạo nếp gạo tẻ là bộ phim truyền hình đình đám của năm 2018 được êkíp quyết định “nối dài” bằng phần hai. Phim lên sóng HTV2 trong mong chờ của khán giả. Tạm bỏ qua việc tạo “drama” khá khiên cưỡng trong phần đầu, phim vẫn có được nhiều phân cảnh xúc động về tình mẫu tử, giá trị gia đình. Nhưng điều đó chỉ tồn tại đến tập 7. Khi bối cảnh chuyển sang giai đoạn sau thì phim bắt đầu… ồn ào như vỡ chợ.
Tiết tấu chậm rãi, giàu cảm xúc trước đó thay bằng sự náo nhiệt với quá nhiều nhân vật khiến khán giả hoang mang “không biết ai là con ai, mối quan hệ thế nào với đời trước”. Hàng loạt nhân vật mới xuất hiện, già trẻ lớn bé thay nhau vào khung hình, thoại liên tục.
Gạo nếp gạo tẻ 2 càng xem càng rối
Với một lực lượng diễn viên hùng hậu, già trẻ đủ cả, việc xây dựng/giải quyết các mắt xích, những mối quan hệ dây mơ rễ má của các nhân vật trong phim không hề dễ dàng. Trước mắt đã thấy “rối như canh hẹ” trong những tập phim vừa phát sóng.
Việc gom các diễn viên trong những phim ăn khách trước vào cùng một “giỏ” và cố tạo tình huống dẫn đến kết nối rời rạc hoặc thừa thãi, thiếu chiều sâu. “Quá thất vọng” là bày tỏ của nhiều khán giả khi xem; lượt xem các tập cũng giảm nhiều so với trước.
Là phim truyền hình duy nhất khai thác vấn đề được dư luận quan tâm, kịch bản được kết hợp từ hai phim Về nhà đi con và Cô gái nhà người ta, nhưng Những ngày không quên (vừa kết thúc phát sóng trên kênh VTV1) lại không tạo được dấu ấn gì đặc biệt. Cảm giác như phim đang cố gắng mô phỏng lại những tình huống, sự việc thời sự trong dịch bệnh. Hài hước chưa tới, thoại nhạt, ít ý nghĩa. Tình tiết cứ dài dòng lê thê, khác hẳn cảm xúc đã tạo được cho Về nhà đi con. Đây quả là điều tiếc nuối cho “bố Sơn” - NSƯT Trung Anh và các nhân vật trong phim.
Những ngày không quên không tạo được dấu ấn gì đặc biệt
Làm phần hai dễ bị mặc định “ăn theo” hào quang cũ, bản thân nhà làm phim cũng tự đặt mình trước “cái bóng lớn” của chính mình. Phim Tuổi thanh xuân gây sốt với phần một, sang phần hai nhận ngay lời chê bai của khán giả. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh - người luôn tạo ra những bộ phim “nặng ký” thì khi làm phần hai Hoa cỏ may cũng không mấy thành công.
Diễn viên, nhà sản xuất Mai Thu Huyền từng thất bại não nề khi thực hiện phần hai phim Những ngọn nến trong đêm. Một trong những “phim phần hai” bị soi tình tiết vô lý và luẩn quẩn gần đây còn phải kể đến Cả một đời ân oán…
Nếu gọi là thành công, chỉ có thể nhắc đến phần ngoại truyện 5 tập của Về nhà đi con; nhưng vậy cũng quá đủ để nối dài dư vị “happy ending” làm hài lòng khán giả. Còn phim Người phán xử khi phát sóng phần ngoại truyện, lại nhận về chỉ trích vì yếu tố bạo lực. Rất nhiều người khi xem phần hai các phim từng ăn khách phần trước đó đã có chung bày tỏ tiếc nuối: “Giá mà dừng lại ở phần một là đủ đẹp rồi”.
Một lần trả lời báo chí, đạo diễn Mai Hồng Phong cho biết êkíp chưa thực hiện phần hai phim Quỳnh Búp Bê vì “không yên tâm về chất lượng kịch bản”. Tin rằng đây là những lựa chọn đúng đắn, biết dừng lại ở ngưỡng đủ.
Người phán xử phần ngoại truyện bị chỉ trích vì yếu tố bạo lực
Sở hữu đội ngũ biên kịch giỏi, luôn có thể tạo ra những kịch bản hay, đa dạng, chất lượng vượt trội; dù có nhiều phim “bom tấn”, đình đám nhưng hiếm khi truyền hình Hàn Quốc lên phương án làm tiếp phần hai. Trong khi đội ngũ biên kịch ở ta thiếu người tài, nếu không nói là còn yếu tay nghề; thì việc “đẻ” thêm phần hai cũng giống như một cuộc “cố gắng ì ạch”, đuối sức, dễ dẫn tới phim lan man, dài dòng, dở.
Thành công cũ là điểm tựa, một bệ phóng tốt. Nhưng đối với phim truyền hình phần hai, đa số chỉ có thể là những bước nhảy lùi.
Theo PNO