Ngôn từ trong phim chiếu mạng đang tự nhiên chủ nghĩa quá đà

Đăng lúc: 1:55 am, Ngày 05/11/2020

Thời gian gần đây, một số nghệ sĩ dùng những từ ngữ dung tục trong phim chiếu mạng (web drama). Nghệ thuật phản ánh cuộc sống nhưng không phải trần trụi, tự nhiên quá mức như thế.

Thu Trang cũng đang có một phim chiếu mạng nhận được nhiều tình cảm của khán giả. 2 tập phát sóng đầu tiên của Chuyện xóm tui lần lượt có hơn 10 và 8,3 triệu lượt xem trên YouTube cùng hàng nghìn bình luận cho mỗi tập.
 
Phim lấy bối cảnh ở một xóm lao động nghèo, với những hoàn cảnh khác nhau: Mạnh (Tiến Luật) một đại ca giang hồ vừa ra tù tìm cách làm lại cuộc đời, ông Tám (NSND Việt Anh) một bầu sô hết thời, Nhót (Thu Trang) phụ nữ chuyên ăn cắp vặt, Tuyết (Lê Giang) bà nội trợ, mê số đề, đánh bài…
 
Trong tập 2 vừa lên sóng, một số từ ngữ khá tục của đời thường đã được "gắn" vào lời thoại của các nhân vật. Khi được rủ rê chơi đánh bài, nhân vật Tuyết trả lời: “Chơi cái con m* mày”. Tình huống này lặp đi lặp lại nhiều lần như một cách để chọc cười khán giả.
Chuyện xóm tui đang gây sốt trên YouTube với hàng triệu lượt xem mỗi tập
 
Những từ ngữ tương tự như thế, cũng được sử dụng trong không ít phim chiếu mạng của các nghệ sĩ khác. Trong Đại kê chạy đi của NSND Hồng Vân, khi bị hai tên bảo kê đòi tiền, bà Hồng (NSND Hồng Vân đóng) nói: “Nhân văn con m* gì, tụi bây đòi tiền bảo kê là không nhân văn rồi”. Nhân vật Đại Kê do Tuấn Dũng thủ vai cũng sử dụng liên tục từ “má” với ý chửi tục trong tình huống phim. 
 
Ngay cảnh đầu tiên trong phim Bố già của Trấn Thành, người cha đánh cho con trai tỉnh ngủ, thì con trai không biết đó là cha mình, phản ứng: “M* thằng nào mất dạy vậy!”. Hay cảnh chàng trai bán báo lém lỉnh trượt chân té ở cầu thang, nhân vật người cha bày tỏ sự khoái chí qua câu thoại: “Chết m* mày chưa, ca hả con”. Tình huống nhân vật người mẹ do Lâm Vỹ Dạ đóng phải vào đồn công an, từ “chết m*” được lặp đi lặp lại với hàm ý chơi chữ, nhấn mạnh.
Phim Đại kê chạy đi của NSND Hồng Vân cũng có không ít tình huống sử dụng từ ngữ tục trong giao tiếp
 
Giữa thực trạng nội dung bẩn đang tràn lan trên YouTube, những phim chiếu mạng được đầu tư chỉn chu về nội dung, hình ảnh như những phim được đề cập bên trên là sự nỗ lực đáng được ghi nhận. Những câu chuyện có nội dung hay, mang đậm hơi thở cuộc sống, đi tìm vẻ đẹp con người trong những hoàn cảnh sống khốn cùng nhất. Điều đó càng giúp những bộ phim có ý nghĩa hơn với người xem.
 
Tuy nhiên, trong tập 2 vừa mới lên sóng của Chuyện xóm tui, những từ ngữ tục được lặp đi lặp lại khiến người xem không khỏi khó chịu. Hẳn nghệ sĩ sẽ có cái lý của mình rằng đó là cách để khắc họa, thể hiện tính cách nhân vật. Nhưng thực tế cho thấy, có rất nhiều cách khắc họa nhân vật từ tạo hình, phục trang, hóa trang đến kỹ năng diễn xuất, mà không cần phải bày biện quá nhiều ngôn từ kém văn hóa lên màn ảnh.
 
Phải chăng nghệ sĩ quá dễ dãi với nghề hay xem thường sự ảnh hưởng của những ngôn từ ấy đối với khán giả, nhất là khi độ tuổi xem phim qua mạng nhiều vẫn là thanh thiếu niên. 
 
Sẽ ra sao khi những ngôn từ ấy được khán giả xem như một cách đối thoại thông thường trong giao tiếp hằng ngày? Điều đó khác nào nghệ sĩ đang gián tiếp dạy hư khán giả? 
Trấn Thành trong Bố già
 
Nghệ thuật là tấm gương phản chiếu cuộc sống, nhưng có chọn lọc. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, phần nào cho thấy nghệ sĩ Việt đang bình dân hóa, tự nhiên chủ nghĩa quá mức trong các sản phẩm nghệ thuật. Dẫu chỉ để phục vụ nhu cầu căn bản nhất của khán giả là giải trí thì sản phẩm vẫn phải sạch, chỉn chu. Điều đó không chỉ thể hiện tư duy nghệ thuật của nghệ sĩ, mà còn thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng.
 
Hiện chưa có quy định về luật ở khâu kiểm duyệt sản phẩm chiếu mạng nên nghệ sĩ không chịu bất kỳ sức ép nào từ cơ quan quản lý. Điều đó khiến họ tự do thể hiện, đôi lúc thiếu cân nhắc và không có điểm dừng.
 
Một sản phẩm được phát hành công khai, buộc phải phù hợp với số đông, nhiều độ tuổi. Và sự tự nhiên chủ nghĩa quá mức chưa bao giờ là thước đo đúng. Thiết nghĩ, nghệ sĩ càng có nghề, càng phải hiểu rõ điều này khi việc nhào nặn nhân vật, ngôn ngữ đều trong tầm kiểm soát.
 
Theo PNO

Đọc thêm các bài khác