Nhà văn Kim Dung và những nhân vật võ hiệp ly kỳ

Đăng lúc: 8:03 am, Ngày 21/11/2018

Ra đi ở tuổi 94 vào ngày 30/10/2018, nhà văn Kim Dung đã để lại một kho tàng đồ sộ gồm những tác phẩm võ hiệp với những nhân vật sống mãi với thời gian cùng những phiên bản phim điện ảnh, truyền hình liên tục được làm mới.

Bạn biết gì về nhà văn Kim Dung?
 
Cũng như nữ văn sĩ Đài Loan Quỳnh Dao, tiểu thuyết của Kim Dung có mặt khắp nơi, là tác phẩm “gối đầu giường” của độc giả nhiều thế hệ người Hoa trên khắp thế giới. Song, truyện Kim Dung không chỉ đọc giải trí, mà từ lâu chúng đã trở thành “đối tượng văn học” để nghiên cứu như một dòng văn học với tên gọi “Kim học”.
 
Kim Dung chỉ là bút danh, còn tên thật của ông là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại thị trấn Viên Hoa, huyện hải Ninh, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Từ năm lên 8, cậu bé Tra Lương Dung đã có dịp tiếp xúc với tiểu thuyết võ hiệp, để rồi nuôi dưỡng niềm đam mê lớn: sáng tác truyện võ hiệp. Tuy nhiên, mãi đến năm 1955, khi bước sang tuổi 31, Tra Lương Dung mới thực hiện được giấc mơ của mình với tác phẩm đầu tay Thư kiếm ân cừu lục. Bút danh Kim Dung cũng xuất hiện từ đấy. 
Nhà văn Kim Dung là “đại hiệp của những đại hiệp”.
 
Tiểu thuyết Thư kiếm ân cừu lục đăng nhiều kỳ trên nhật báo Buổi chiều mới HongKong, rất được độc giả yêu thích. Đó là động lực khiến Kim Dung quyết tâm lao vào sáng tác truyện võ hiệp, liên tiếp cho ra đời những tác phẩm “để đời” sau này. Năm 1957, Anh hùng xạ điêu xuất hiện trên Thương báo Hương cảng; năm 1959, Thần điêu đại hiệp được chọn làm “tiêu điểm” tạo sự chú ý của độc giả khi ông sáng lập Minh báo. Cùng năm này, báo Buổi chiều mới đăng tiếp tiểu thuyết Tuyết sơn phi hồ, tạo nên “cơn sốt” chưa từng thấy. Năm 1961 có lẽ là năm sung sức nhất của Kim Dung khi ông tung ra đến ba tác phẩm trên Minh báo: Ỷ thiên đồ long ký, Uyên ương đaoBạch mã khiếu tây phong. 
 
Là “báo nhà”, vì vậy mà độc giả Minh báo luôn được Kim Dung ưu ái nên năm 1963, ông đã chọn giới thiệu Thiên long bát bộ, còn bán bản quyền cho báo Đông Nam Á tiểu thuyết Liên thành quyết. Năm 1965, Minh báo ra phụ trương Nguyệt san Minh báo, được Kim Dung “câu khách” bằng tiểu thuyết Hiệp khách hành. Sang đến năm 1967, Minh báo phát hành thêm tuần báo, đăng độc quyền tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ… Và năm 1972, sau khi hoàn thành Lộc đỉnh ký, Kim Dung quyết định gác bút, không viết truyện võ hiệp nữa.
 
Trong hơn 18 năm sáng tác tiểu thuyết võ hiệp, Kim Dung đã cho ra đời 15 bộ, trong đó có 12 bộ truyện dài và 3 bộ truyện vừa. Mặc dù không phải tác phẩm nào cũng “ăn khách” nhưng giờ đây, khi nhắc đến Kim Dung là người ta nghĩ ngay đến “truyện võ hiệp”. Hơn thế nữa, tên tuổi của ông luôn gắn liền với những tác phẩm điện ảnh, truyền hình võ hiệp nổi tiếng, quen thuộc dù trước cũng như sau ông còn nhiều cây viết khác như Cổ Long, Ôn Thoại Ân…cũng đình đám không kém.
 
Nhà văn Kim Dung có phải là một Đại hiệp?
 
Đọc truyện Kim Dung hay xem phim Kim Dung, người ta nghĩ rằng ông phải là một “võ lâm cao thủ”, “võ nghệ đầy mình”. Bởi ngoài anh chàng thái giám dỏm Vi Tiểu Bảo (Lộc đỉnh ký), tất cả những nhân vật nam chính trong tác phẩm của ông đều là “đại hiệp”, “hiệp khách” như Dương Quá (Thần điêu đại hiệp), Quách Tĩnh (Anh hùng xạ điêu), Viên Thừa Chí (Bích huyết kiếm), Lệnh Hồ Xung (Tiếu ngạo giang hồ), Thạch Phá Thiên (Hiệp khách hành), Địch Vân Đại (Liên thành quyết), Kiều Phong (Thiên long bát bộ), Trương Vô Kỵ (Ỷ thiên đồ long ký), Trần Gia Lạc (Thư kiếm ân cừu lục)… 
Cặp Dương Quá - Tiểu Long Nữ qua diễn xuất của Cổ Thiên lạc - Lý Nhược Đồng.
 
Trong một cuộc gặp gỡ với sinh viên Trung Quốc, khi được đặt câu hỏi: “Nhiều người đọc truyện của ông đều nghĩ rằng ông rất giỏi võ, có đúng thế không?”, Kim Dung hóm hỉnh trả lời: “Tôi chỉ biết một chút võ công thôi nhưng chủ yếu là lý luận chứ không thể…đánh người. Cũng giống như bóng đá vậy, tôi không biết đá cũng chẳng biết huấn luyện, song khi xem một trận đấu tôi có thể biết nó hay, hay dở. Tất cả những chiêu thức võ công trong các tác phẩm của tôi đều do tôi tưởng tượng ra”.
 
Ngoài võ công, còn một vấn đề mà nhiều độc giả, khán giả luôn thắc mắc: tại sao các nhân vật nữ của Kim đều xinh đẹp? Trong cuộc trò chuyện với nữ diễn viên Đài Loan Tiêu Tường, Kim Dung cho biết ông rất thích…phụ nữ đẹp nên khi cầm bút xây dựng các nhân vật, ông đều miêu tả họ đẹp như mơ. Chính vì vậy, ông đặc biệt “yêu” các nhân vật nữ của mình. Đa tình nhưng chung thủy, đó là tính cách mà Kim Dung tự nhận xét về mình, vì thế mà ông cho rằng mình “giống” với nhân vật Trương Vô Kỵ (Ỷ thiên đồ long ký) nhất.
 
Nhân vật “ái nam ái nữ” nổi tiếng của nhà văn Kim Dung: Đông Phương Bất Bại
 
Nhắc đến phim Tiếu ngạo giang hồ, khán giả thường nghĩ đến Lệnh Hồ Xung, Nhậm Doanh Doanh, Nhạc Linh San, Nhạc Bất Quần, Lâm Bình Chi, Nghi Lâm, Nhậm Ngã Hành… Tuy cũng có một vai trò quan trọng, ấn tượng nhưng ít người nhớ do ở nhiều bản dựng trước đây, Đông Phương Bất Bại chỉ làm chủ một nhánh truyện trong Nhật Nguyệt thần giáo.
 
Đông Phương Bất Bại vốn là phó giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo dưới quyền giáo chủ của Nhậm Ngã Hành. Nhậm Ngã Hành vì mải mê luyện tập Hấp tinh đại pháp nên đã giao toàn bộ công việc của giáo phái cho Đông Phương Bất Bại. Thế nhưng với âm mưu tạo phản, Đông Phương Bất Bại đã sử dụng mật kế bắt giữ Nhậm Ngã Hành giam tại hắc lao dưới đáy Tây Hồ, chiếm ngôi giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo. Sau đó, y âm thầm luyện bí kíp Quỳ Hoa bảo điển và buộc phải tự thiến mình để luyện công, trở thành một con người ái nam ái nữ, yêu chàng trai Dương Liên Đình, bỏ mặc việc của giáo phái.  
Hình ảnh Đông Phương Bất Bại do Trần Kiều Ân thể hiện.
 
Nhân vật Đông Phương Bất Bại từng được nhiều nam diễn viên thể hiện như Giang Nghị (1983), Càn Đức Môn (1985)… nhưng cũng chỉ là vai phụ. Mãi đến năm 1992, đạo diễn tài danh Hong Kong Từ Khắc đưa Đông Phương Bất Bại lên vai chính trong bộ phim điện ảnh Tiếu ngạo giang hồ 2 - Đông Phương Bất Bại với diễn xuất cực kỳ ấn tượng của mỹ nhân Lâm Thanh Hà, nhân vật ái nam ái nữ này bỗng nhiên đình đám.
 
Đất diễn của Đông Phương Bất Bại ở những tác phẩm sau năm 1992 không những được mở rộng mà điều đặc biệt, các đạo diễn chọn nữ diễn viên đảm nhận vai này để nhân vật thêm nữ tính, làm bật lên tính cách "ái nam, ái nữ". Đó là Đông Phương Bất Bại của "đả nữ" Dương Lệ Thanh trong phiên bản truyền hình Đài Loan năm 1996; Trịnh Tú Trân trong phiên bản Singapore năm 2000; Lưu Tuyết Hoa trong phiên bản Đài Loan năm 2000; Mao Uy Đào trong phiên bản Trung Quốc năm 2001; và gần đây nhất là Trần Kiều Ân trong phiên bản của Vu Chính.
 
5 nhân vật phản diện ấn tượng nhất của nhà văn Kim Dung
 
Có một điều đặc biệt là trong truyện cũng như phim võ hiệp Kim Dung, không chỉ những nhân vật chính, những đại hiệp, mỹ nhân được yêu thích, mà độc giả, khán giả còn ấn tượng với các nhân vật phản diện. Bởi chính họ đã tạo nên những sự kiện và thành công của tác phẩm. 
 
Nhạc Bất Quần: Trong Tiếu ngạo giang hồ, Nhạc Bất Quần là chưởng môn nhân phái Hoa Sơn, sư phụ của Lệnh Hồ Xung, có ngoại hiệu là Quân tử kiếm nhưng kỳ thực là một kẻ ngụy quân tử. Y dựng màn kịch để lừa Lâm Bình Chi vào phái Hoa Sơn, dùng con gái làm mồi nhử để độc chiếm Tịch tà kiếm phổ, đổ vạ lên đại đệ tử Lệnh Hồ Xung, ngấm ngầm hạ độc thủ giết hai vị sư thái phái Hằng Sơn, hại chết vợ... Các diễn viên đã thể hiện nhân vật Nhạc Bất Quần: Tăng Giang (1984), Cổ Tranh (1985), Vương Vĩ (1996), Nhạc Diệu Lợi (2000, phiên bản Đài Loan), Trịnh Các Bình (2000, phiên bản Singapore), Ngụy Tử (2001) và Huỳnh Văn Hào (2013)...
 
Thành Côn: Là nhân vật phản diện tàn ác nhất trong Ỷ thiên đồ long ký, Thành Côn - đệ tử giả mạo của phái Thiếu Lâm ra tay sát hại cả gia đình Tạ Tốn và vô số người vô tội hòng tiêu diệt Minh giáo, trả mối thù bị cướp người yêu, dẫn đến việc giang hồ trở nên đầy sóng gió. Hắn được khán giả bình chọn là kẻ hai mặt, thâm trầm xảo quyệt, mưu mô thủ đoạn nhất trong tiểu thuyết Kim Dung. Các diễn viên đã thể hiện nhân vật Thành Côn: Giang Nghị (1978), Tăng Soái Gia (1984), Lưu Giang (1986), Huỳnh Trọng Dục (1994), Lưu Gia Huy (2001), Trương Quốc Lập (2003) và Đàm Phi Linh (2009)... 
Những nhân vật phản diện ấn tượng trong phim Kim Dung.
 
Âu Dương Phong: Xuất hiện trong Anh hùng xạ điêuThần điêu đại hiệp, Tây Độc Âu Dương Phong là chủ nhân núi Bạch Đà ở Tây Vực, võ công rất cao, độc ác, nhiều mưu mô thủ đoạn. Với khả năng chế ra các loại thuốc độc không ai giải được, y bị người trong giang hồ gọi là Lão Độc Vật. Các diễn viên đã thể hiện nhân vật Âu Dương Phong: Dương Trạch Lâm (1976, 1983), Long Thiên Tường (1988), La Lạc Lâm (1993), Chu Thiết Hòa (1994), Vưu Dũng (2003), Từ Cẩm Giang (2008), Dương Trạch Lâm (1976, 1983), Lý Chí Kiên (1984), Chu Thiết Hòa (1995), Lưu Khiêm Ích (1998, phiên bản Singapore), Lý Lập Quần (1998, phiên bản Đài Loan), Trạch Nãi Xã (2006) và Tông Phong Nham (2014)...
 
Mộ Dung Phục: Trong số những nhân vật phản diện của Kim Dung, Mộ Dung Phục trong Thiên long bát bộ được miêu tả với hình ảnh rất đẹp. Với Mộ Dung Phục, mọi thứ trên thiên hạ anh đều có trong tầm tay, danh và lợi đều mỹ mãn. Thế nhưng vì mang dòng máu của vương tôn nước Đại Yên thuở trước, vì giấc mộng phục quốc mà Mộ Dung Phục phải hy sinh nhiều thứ, kể cả mỹ nhân Vương Ngữ Yến và cuối cùng phải trả giá rất lớn cho những việc làm của mình. Các diễn viên đã thể hiện nhân vật Mộ Dung Phục: Thạch Tú (1982), Thôi Hạo Nhiên (1990), Trương Quốc Cường (1997), Tu Khánh (2003) và Tông Phong Nham (2013)...
 
Tả Lãnh Thiền: Trong Tiếu ngạo giang hồ, Tả Lãnh Thiền ban đầu được tôn xưng là Minh chủ của liên minh Ngũ Nhạc kiếm phái. Y có khát vọng lớn thâu tóm toàn bộ giang hồ, dùng những mưu gian kế hiểm để thôn tính từ các môn phái của Ngũ Nhạc kiếm phái nhưng cuối cùng thất bại và bị Lệnh Hồ Xung giết chết. Các diễn viên đã thể hiện nhân vật Tả Lãnh Thiền: Dương Trạch Lâm (1984), Kinh Quốc Trung (1985), Trần Hồng Liệt (1996), Cố Quán Trung (2000, phiên bản Đài Loan), Lý Hải Kiệt (2000, phiên bản Singapore), Từ Môn (2001) và Hồ Đông (2013)...
 
Thanh Thanh/Theo Điện ảnh VN

Đọc thêm các bài khác