Chuyện dài, chuyện hài về chuyện vi phạm bản quyền

Đăng lúc: 11:42 am, Ngày 21/02/2019

Cuối năm 2018, nhà sản xuất phim truyền hình "Gạo nếp gạo tẻ" gây xôn xao khi tuyên bố khởi kiện Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom) vì vi phạm bản quyền, đòi bồi thường hơn 9 tỷ đồng.

Vụ việc vẫn đang trong giai đoạn thương thảo. Ngoài vụ kiện này, một số vụ kiện vi phạm bản quyền các phim nhập khẩu từ nước khác vào thị trường Việt cũng đang được xúc tiến.
 
Thiệt hại nặng nề
 
Việc xâm hại bản quyền phim dù bất cứ hình thức nào cũng mang đến thiệt hại nặng nề cho nạn nhân. Với phim điện ảnh, thiệt hại thường là rất lớn. Những phim truyền hình thu hút lượng người xem cao, tạo được độ lan tỏa sâu rộng trong công chúng nếu bị vi phạm bản quyền cũng mang đến thiệt hại không hề nhỏ về doanh thu quảng cáo cho nhà sản xuất. 
 
Vì thế, nhà sản xuất phim Gạo nếp gạo tẻ mới đưa ra mức phí bồi thường cho việc tự ý sử dụng/khai thác phim này của FPT Telecom (từ tập 1 đến tập 76) là 9 tỷ 120 triệu đồng. Khi đề nghị này bị ngó lơ, nhà sản xuất mới đưa đơn kiện lên tòa án để đòi công bằng. Ông Bảo Thái - đại diện Công ty CP DID TV, đơn vị đầu tư sản xuất và chủ sở hữu độc quyền quyền tác giả của phim Gạo nếp gạo tẻ - cho rằng: "Hành vi của FPT Telecom xâm phạm quyền tác giả của DID TV, vi phạm điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ. Với hành vi này, FPT Telecom gây tổn thất lớn cho DID TV, cụ thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số người xem (rating) trên 2 kênh truyền hình HTV2-Vie Channel, Giải trí TV; làm giảm doanh thu quảng cáo mà DID TV đang khai thác trên các kênh truyền hình; làm giảm tỉ lệ người xem và doanh thu từ các nền tảng online của DID TV như YouTube và Facebook; làm giảm cơ hội khai thác kinh doanh bản quyền bộ phim Gạo nếp gạo tẻ
Hình ảnh trong phim Gạo nếp gạo tẻ.
 
Không bị xâm hại bản quyền tác phẩm do mình sản xuất nhưng ông Lý Quốc Oai, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Điện ảnh Ngôi Sao, cũng khốn đốn khi đi kiện bản quyền phim do mình mua quyền phát hành kéo dài suốt 2 năm. Ông than thở: "Công ty tôi mua bản quyền phim Tấm lòng cha mẹ từ Công ty TNHH Sanlih E - Television của Đài Loan (dài 350 tập) vào cuối năm 2015, với thời hạn khai thác 2 năm tại Việt Nam. Chúng tôi thuê đội ngũ lồng tiếng, xử lý lại tổng cộng khoảng 7 triệu đồng/tập và dự định bán cho các đài truyền hình trong nước. Thế nhưng, nhiều đài đang trình chiếu phim này mà không có bản quyền". Theo ông Quốc Oai, một số đài chấp nhận bồi thường thiệt hại: SCTV, Lâm Đồng, An Giang. Trong khi đó, Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Bạc Liêu không thực hiện đúng theo yêu cầu ngừng phát sóng và bồi thường thiệt hại của đơn vị nắm giữ bản quyền nên buộc phải đưa sự việc ra TAND tỉnh Bạc Liêu để xét xử.
 
"Dù có được tiền bồi thường từ một vài đài nhưng vẫn chưa thể bù vào chi phí đầu tư mua bản quyền cũng như xử lý lồng tiếng để kinh doanh. "Do vụ việc đang đưa ra tòa kiện tụng, chúng tôi khó chào bán tiếp phim này, phải chờ kết quả phán quyết từ tòa. Thời gian xử lý vụ án kéo dài, trong khi chúng tôi chỉ mua bản quyền phim trong 2 năm, việc thua lỗ xem như khó tránh" - ông Quốc Oai nản lòng.
 
Nhọc nhằn theo kiện
 
Hầu hết cá nhân, tổ chức bị hại đều chấp nhận bỏ thời gian, công sức để theo đuổi vụ kiện không chỉ vì tìm kiếm công lý mà còn muốn góp phần tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, đúng pháp luật. "Nếu không bảo vệ được bản quyền thì không có ai dám đầu tư sản xuất bởi thiệt hại rất lớn" - luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, đại diện pháp lý của DID TV trong vụ kiện FPT Telecom vi phạm bản quyền, cho biết. 
 
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, thời gian vụ kiện kéo dài và tốn kém nhiều tiền bạc là lý do khiến nhiều nhà sản xuất và cả luật sư tham gia tố tụng không mặn mà với các vụ kiện về bản quyền. Tuy nhiên, một khi xác nhận "vác đơn đi kiện", cũng phải chuẩn bị sẵn tinh thần kiên nhẫn.  
Hình ảnh trong phim Tấm lòng cha mẹ.
 
Ông Lý Quốc Oai cho biết trong phiên sơ thẩm, phía TAND tỉnh Bạc Liêu phán quyết không chấp nhận yêu cầu đòi Đài PT-TH Bạc Liêu bồi thường 525 triệu đồng của công ty và công ty cũng chịu thêm án phí và chi phí ủy thác tư pháp vì không chứng minh được việc Đài PT-TH Bạc Liêu phát sóng phim Tấm lòng cha mẹ gây thiệt hại vật chất, tinh thần cũng như mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận hoặc cơ hội kinh doanh cho công ty. Trong khi đó, phía đài chứng minh được họ phát phim trên tần số sóng ngắn, chỉ người dân các huyện trong tỉnh Bạc Liêu và vùng lân cận mới xem được. Tòa án cho rằng DNTN Film Đào Thu - đơn vị cung cấp trung gian bộ phim vi phạm bản quyền cho đài phát sóng - mới là đối tượng chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ thể nắm giữ bản quyền phim. "Chúng tôi đã nộp đơn kháng cáo và tiếp tục theo đuổi đến cùng dù biết sẽ mất thời gian, công sức. Phía tòa án cũng đã tiếp nhận đơn kháng cáo" - ông Quốc Oai nói. 
 
Thắng kiện sau 12 năm
 
Vụ kiện kéo dài hơn12 năm giữa họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị đã kết thúc với phần thắng thuộc về họa sĩ Lê Linh, tác giả của các hình tượng nhân vật trong truyện tranh Thần đồng đất Việt. Chiến thắng của họa sĩ Lê Linh tại tòa góp phần củng cố niềm tin cho các bị hại về bản quyền kiên trì đi tìm công lý. 
Họa sĩ Lê Linh đã thắng kiện.
 
Ngày 18/2, họa sĩ Lê Linh được tòa công nhận là tác giả duy nhất của bộ truyện Thần đồng đất Việt và 4 hình tượng nhân vật trong truyện: Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. Tòa buộc Công ty Phan Thị chấm dứt sáng tác biến thể các nhân vật này, xin lỗi công khai họa sĩ Lê Linh trong 3 kỳ liên tiếp trên báo. Công ty Phan Thị phải trả phí thuê luật sư cho phía Lê Linh là 15 triệu đồng.
 
Minh Khuê/Theo NLĐO

Đọc thêm các bài khác