"Trúng số" là phim Việt đầu tiên xuất hiện trên Netflix năm 2019. "Hai Phượng" vừa được Netflix mua bản quyền. "Gái già lắm chiêu 3" sẽ là phim dài tập chiếu trên hệ thống phim chiếu mạng này.
Dồn dập những thông tin như vậy xuất hiện trên thị trường phim Việt mấy ngày qua, khiến bạn yêu phim phấn chấn, giới làm nghề cũng háo hức.
Le lói tín hiệu vui
Những ngày qua, khán giả Việt của kênh xem phim trực tuyến có bản quyền Netflix đã bất ngờ thấy bộ phim hài chiếu tết năm 2015 - Trúng số - xuất hiện trong kho phim của đơn vị này. Trước Trúng số, phim Chung cư ma cũng có mặt trên Netflix năm 2018 và sắp tới sẽ là Hai Phượng. Tuy nhiên, đó đều là những tác phẩm điện ảnh, còn phim dài tập “made in Vietnam” chưa được Netflix để mắt tới, dù phim truyền hình là “đặc sản” lâu nay trên hệ thống dịch vụ truyền hình nổi tiếng này của Mỹ.
Trúng số là bộ phim Việt đầu tiên lên Netflix năm 2019.
Gái già lắm chiêu 3 (tên khác là Gái già lắm chiêu: Tứ đại mỹ nhân) là dự án đầu tiên thuộc định dạng phim chiếu mạng (web drama) được thực hiện theo tiêu chuẩn của Netflix, để phù hợp khi trình chiếu. Định dạng này gồm 10 tập, có thời lượng 60 phút/tập, thuộc thể loại tâm lý - tội phạm, nội dung xoay quanh cuộc đấu đá giữa các cô bạn thân trong nhóm Tứ đại mỹ nhân, dự kiến ra mắt cuối năm nay.
Chia sẻ về ý định trở thành đối tác của Netflix qua web drama Gái già lắm chiêu 3, đạo diễn Bảo Nhân cho biết: “Netflix hiện rất quan tâm tới thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam. Để tiếp cận thị trường nước nào, họ dùng nhiều nội dung sản xuất tại nước đó. Hai năm trở lại đây, khán giả trong nước cũng bắt đầu làm quen với xu hướng xem phim trả tiền trên mạng. Đó là những thuận lợi cho các nhà làm phim Việt. Tuy nhiên, Netflix có những tiêu chuẩn riêng cho các phim trình chiếu, chẳng hạn phải có chất lượng hình ảnh của một phim điện ảnh. Do đó, mức đầu tư cho một tập phim có khi lên đến 1 tỷ đồng/tập, trong khi chi phí cho một tập phim truyền hình chỉ tầm 300 triệu đồng”.
Diễm My tiếp tục đóng chính trong Gái già lắm chiêu 3.
Đề cập khó khăn của phim Việt khi muốn tiếp cận Netflix, đạo diễn Bảo Nhân cho rằng, vấn đề không nằm ở nhân lực, tài lực, mà là tìm được kịch bản tốt: “Netflix thích những bộ phim có câu chuyện thích hợp với khán giả quốc tế mà vẫn mang bản sắc quốc gia riêng”.
Nói về “gu” chọn phim của Netflix, cô Trịnh Lê Minh Hằng, tổng giám đốc hãng phim Skyline - đơn vị sản xuất phim Chung cư ma - cho biết: “Netflix ít chọn những phim có nội dung nhẹ nhàng mà thích những tác phẩm có chiều sâu, kịch tính, chủ đề “nặng đô”. Họ không quá quan tâm đến yếu tố quảng bá văn hóa trong phim, nhưng phim được chọn thường phải khoe được nét văn hóa đặc trưng của nước đó. Chỉ cần thấy thích câu chuyện, Netflix vẫn mua, dù phim đó đã chiếu trên các kênh truyền hình”.
Khó khăn tiềm ẩn
Kịch bản là mối lo đầu tiên đối với mọi nhà làm phim. Làm phim chiếu trên Netflix, phục vụ khán giả nước ngoài, càng khó, vì thị hiếu thưởng thức khác biệt. Nhưng đó chưa phải là trở ngại lớn nhất, cuối cùng với những người ấp ủ tham vọng đưa phim lên Netflix. Tính đến nay, Netflix đã vào thị trường Việt Nam được 3 năm, nhưng chỉ mới đạt 300.000 thuê bao - con số quá nhỏ so với thị trường hơn 90 triệu dân. Sự “lộng hành” của các trang web xem phim lậu cộng tập quán giao dịch bằng tiền mặt đã ngăn cản người tiêu dùng Việt Nam sử dụng Netflix hay các nền tảng phim chiếu mạng có bản quyền khác.
Trong một hội thảo về bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số, diễn ra ở Hà Nội vào tháng Mười năm ngoái, đại diện Hội truyền thông số Việt Nam đưa ra con số giật mình: một trang chiếu phim lậu, trong tháng 8/2018, đạt 68 triệu lượt người xem, trong khi mới 5 tháng trước đó, trang này có 44 triệu lượt người xem.
Hai Phượng vừa được Netflix mua bản quyền.
Còn theo dữ liệu năm 2018 của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, 40% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn có tới 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt. Do đó, dù giá thuê bao Netflix ở Việt Nam không phải quá cao (cao nhất là 260.000 đồng/tháng, có thể cho 4 người xem cùng lúc) so với mặt bằng chung và số lượng nội dung có trên nền tảng ngày càng nhiều thì cũng ít được người Việt Nam chọn dùng, bởi phải thanh toán phí qua thẻ.
Đó có lẽ cũng là lý do mà Netflix vẫn chưa mặn mà lắm với thị trường Việt Nam, dù đang nỗ lực chinh phục thị trường châu Á, qua tuyên bố sẽ cho ra mắt 17 loạt phim do Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan và Hàn Quốc sản xuất. Nỗ lực tiếp cận để trở thành đối tác của Netflix như cách êkíp Gái già lắm chiêu 3 đang làm là hướng đi đáng khích lệ.
Theo cô Trịnh Lê Minh Hằng, trước đây, các nhà làm phim trong nước cứ sản xuất phim xong, đem đi chiếu hết khắp rạp mới tính đến chuyện bán cho những dịch vụ xem phim trực tuyến có bản quyền như Netflix. Nhưng giờ đây, họ đã ý thức đến việc hợp tác với nhau ngay từ đầu.
Phim Việt có đi được đường dài với Netflix không chưa rõ, nhưng qua sự thay đổi tư duy này ở những nhà làm phim, cơ hội xuất ngoại cho phim Việt cũng rộng mở hơn.
Hương Nhu/Theo PNO