Web drama Việt đề tài cổ trang, ma quỷ, yêu đương chào thua giang hồ, chém giết

Đăng lúc: 7:18 am, Ngày 08/04/2019

Những chủ đề về cổ trang, ma quỷ, tình yêu cũng được nhiều nghệ sĩ ưa chuộng khi làm web drama trên YouTube. Tuy nhiên, lượt người xem thường thấp hơn phim giang hồ, bạo lực.

Khoảng hơn một năm trở lại đây, web drama (phim phát hành trực tuyến) bùng nổ trên YouTube. Dù không được xem là sản phẩm chính thống, loại hình này thu hút sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong showbiz, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. 
Một cảnh trong Thập tứ cô nương - phim nhiều cảnh bạo lực, chém giết, cưỡng hiếp.
 
Dĩ nhiên, không phải nghệ sĩ nào cũng nhận được tiền từ YouTube thông qua sản phẩm của mình, nhưng tình trạng đổ xô vào web drama là một thực tế của showbiz hiện nay. Trong đó, phổ biến và được "ưa chuộng" hơn cả là phim về giang hồ, bạo lực. Ngoài ra, cũng có nhiều web drama về các chủ đề khác. Không ít sản phẩm có thông điệp, chất lượng dù lượt xem không được như kỳ vọng.
 
Cổ trang thoái trào vì cũ kỹ
 
Trước khi phim giang hồ xăm trổ, đánh đấm chém giết bùng nổ, chủ đề cổ trang, cung đấu từng rất phổ biến ở loại hình web drama, đặc biệt trong năm 2018. Sự bùng nổ của phim trực tuyến cổ trang trong thời gian này được cho là bắt buồn từ "cơn sốt" của Diên Hy công lược - phim truyền hình Trung Quốc gây bão năm 2018, và được nhiều khán giả Việt quan tâm, bàn tán.
 
Thấy được nhu cầu của khán giả từ sự thành công của Diên Hy công lược, nhiều nghệ sĩ Việt đầu tư tiền của làm phim cổ trang, cung đấu trên YouTube. Tất nhiên vẫn giữ công thức "pha hài", nghĩa là cổ trang kết hợp với hài hước để phù hợp với mục đích giải trí của số đông công chúng.
 
Thu Trang và Nam Thư hiện tại được nhắc đến như những "nữ trùm" giang hồ, nhưng trước đó, cả hai đều tham gia làm phim cổ trang. Thu Trang có phim Bổn cung giá lâm. Trong khi, Nam Thư có phim Nam Phi liên hoàn kế.
Phim cổ trang từng bùng nổ trong năm 2018 trước khi nhường chỗ cho web drama giang hồ.
 
Bổn cung giá lâm nói về những mưu mô chốn hậu cung - nơi mà Lam Yên Hoàng Hậu (Thu Trang) nắm quyền tối cao. Còn Nam Phi liên hoàn kế xoay quanh những âm mưu tranh quyền đoạt vị, sự ganh ghét, đố kỵ cùng các tâm kế hãm hại lẫn nhau chốn hậu cung.
 
Nhìn chung, các web drama về cổ trang chủ yếu nhằm mục đích giải trí. Nội dung chủ yếu xoay quanh cung đấu, phi tần vốn quá phổ biến trong phim Trung Quốc. Trang phục, nội dung các phim cũng na ná nhau, đôi khi lặp lại của chính mình. Do vậy, các phim đều có lượng xem lớn ở những tập đầu, nhưng càng về sau, kịch bản càng yếu kém, thậm chí nhạt nhẽo.
 
"Ma quỷ" cũng thua... giang hồ
 
Một chủ đề khác cũng từng được một số web drama của giới nghệ sĩ thực hiện là tâm linh, kinh dị. Đầu tiên phải kể đến Ai chết giơ tay của Huỳnh Lập. Phim xoay quanh đề tài tâm linh, ma tà kết hợp với hài này góp phần làm nên thành công của Huỳnh Lập trong năm 2018, anh cũng được cho là nghệ sĩ chuyên trị web drama.
 
Ai chết giơ tay đáp ứng nhu cầu tò mò của công chúng về thế giới tâm linh. Phim đưa ra nhiều khái niệm, hiện tượng bí ẩn. Để phục vụ cho nội dung, về mặt hình ảnh ê-kíp cũng dàn dựng với tạo hình của ngã quỷ, những món đồ trấn yêu. Nội dung giải mãi nhiều câu chuyện như hồn ma vất vưởng, trò ma lon nổi tiếng của trẻ em một thời.
 
Ngoài ma tà, kinh dị, phim cũng được cho là còn kể câu chuyện về ước mơ, tình bạn, tình cảm gia đình và triết lí nhân sinh. Những mảng miếng hài tương đối hài hước. Dù cũng có chỗ khiên cưỡng, nhưng nhìn chung phim nhận được tình cảm của công chúng.
Chủ đề tâm linh, kinh dị cũng được một số diễn viên trẻ thực hiện.
 
Ngoài Ai chết giơ tay, một phim khác cũng về đề tài tâm linh và kinh dị là Cương thi biến, một sản phẩm của Duy Khánh. Phim được giới thiệu luôn là "web drama kinh dị". Nội dung chủ yếu xoay quanh các vấn đề xung quanh truyền thuyết thi biến, những câu chuyện ngành pháp y, các hiện tượng xác chết được lý giải theo luận điểm khoa học.
 
Tuy nhiên, ngay tập phát sóng đầu tiên, phim đã gây tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, nhân vật web dram này sao chép nhân vật ma - hình ảnh của phim Trung Quốc. Do bị cho là không có nhiều sáng tạo mới mẻ, Cương thi biến không gây tiếng vang, không được nhiều người quan tâm.
 
Tình yêu giới tính... ít người xem
 
Một mảng nội dung khác của web drama cũng được giới nghệ sĩ ưa chuộng là chủ đề về học trò, giới trẻ, tình yêu, giới tính. Trong đó phổ biến là những phim ngắn một tập. Chủ đề này không có nhiều web drama dài tập, nhưng có thể kể đến là 500 nhịp yêu của diễn viên hài Minh Tít.
 
500 nhịp yêu có tất cả 12 tập, đều đã được đăng tải, thuộc thể loại tình cảm. Ngoài ra, phim cũng có yếu tố hài, ly kỳ, xuyên không. Tác phẩm của đạo diễn Hiếu Vick xoay quanh hành trình tìm kiếm tình yêu chân thành của Minh TT (Minh Tít đóng), một anh chàng có đời sống tình cảm trăng hoa, coi phụ nữ như thú vui. Phim qua đó gửi gắm thông điệp về tình yêu đích thực, chân thành. 
 
12 tập phim cũng có nhiều thông tin về giới tính, được cho là bổ ích và càn thiết với giới trẻ. Đây cũng là web drama được đầu tư và thực hiện bài bản hiếm hoi của một nghệ sĩ hài Bắc. Tuy nhiên, không khó để nhận xét, phim có lượt xem tương đối thấp. Tập cuối, tức tập 12 của phim, đăng tải trên kênh YouTube của Minh Tít chỉ có hơn 45 nghìn lượt xem, thấp hơn nhiều những phim giang hồ của Thu Trang hay Nam Thư.
500 nhịp yêu có lượt xem hạn chế dù cũng là web drama đầu tư.
 
Nguyên do được cho là kịch bản 500 nhịp yêu vẫn còn nhiều khoảng trống. Phim tuy đẹp về cảnh quay, góc máy, dàn diễn viên trẻ trung, gửi gắm thông điệp nhưng kịch bản chưa thực sự hấp dẫn người xem, đặc biệt là nhu cầu của khán giả đại chúng trên môi trường như YouTube.
 
Có ý kiến cho rằng làm phim về tình yêu phải hở hang, sexy, khoe thân mới thu hút được người xem. Đơn cử như series Mì Gõ. Phim được đánh giá là thảm họa về nội dung, thuần túy câu khách bằng những chủ đề giới tính, tình dục, ăn mặc sexy, khoe thân nhưng lại thu hút lượng xem "khủng". 
 
Tất nhiên, cũng phải nói Mì Gõ là sản phẩm của những gương mặt chưa từng được xếp vào showbiz hay giới nghệ sĩ. Do vậy, dù hay, dù dở cũng thường không phải chủ đề quan tâm của truyền thông và giới làm nghề.
 
Khuê Tú/Theo Zing

Đọc thêm các bài khác