Nét duyên từ gương mặt xấu lạ của Trung Ruồi

Đăng lúc: 8:25 am, Ngày 03/02/2022

Trong chương trình "Táo quân 2022" phát sóng tối 30 Tết, diễn viên trẻ Trung Ruồi lần đầu đảm nhiệm vai Bắc Đẩu thay nghệ sĩ Công Lý, thu hút khán giả nhờ lối diễn hồn nhiên.

Khác đàn anh - người thể hiện nhân vật chua ngoa, đanh đá, ăn vận diêm dúa, Trung Ruồi khắc họa vị quan mới nhậm chức có chút rụt rè, ngây thơ. Trên mạng xã hội, khán giả nhận xét dù chưa gây ấn tượng sâu sắc như Công Lý, Trung Ruồi có nhiều nỗ lực, tạo "làn gió mới" cho chương trình.
 
Trung Ruồi lần đầu tham gia Táo quân năm 2017, được giao vai dài 18 trang thoại. Thế nhưng, sau ba buổi tập, anh bị "ngợp" bởi cường độ tập luyện, không bắt kịp lối diễn của các đàn anh, đàn chị, phải chuyển sang vai nhỏ. Sau 5 năm, diễn viên tích lũy kinh nghiệm, trở thành nhân vật cầm trịch, giữ tiết tấu vở.
Trung Ruồi (phải) thay thế Công Lý đóng vai Bắc Đẩu
 
Sinh năm 1993 trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật ở Quốc Oai (Hà Nội), Trung Ruồi mơ ước trở thành diễn viên hài từ bé. Hồi nhỏ, anh nghịch ngợm, mỗi lần bị bố mẹ phạt, đều cố nghĩ ra cách chọc cười phụ huynh, tránh bị ăn đòn. Hết cấp ba, anh muốn ứng tuyển Đại học Sân khấu Điện ảnh nhưng bị người nhà phản đối. Ngày thi, anh một mình đạp xe đến trường, trong túi chỉ có 20.000 đồng. Xe nổ lốp khi chỉ cách trường vài trăm mét, Trung Ruồi gặp áp lực tâm lý, thấy tủi thân vì không có bố mẹ đi cùng, khóc, thi trượt, nên về sau học một trường cao đẳng nghề.
 
Trung Ruồi làm thêm ở siêu thị điện máy, tích góp được 10 triệu đồng để học diễn xuất, quyết tâm thi lại, đỗ vào khoa kịch hát. Để có thêm kinh nghiệm, anh đánh trống, múa lân cho nhiều vở tuồng. Thời gian đầu vào nghề, Trung Ruồi xây dựng các tiểu phẩm ngắn, dài khoảng 10 đến 15 phút, phục vụ giới trẻ, nhân viên công sở có ít thời gian. Nghệ sĩ mang đến tiếng cười nhẹ nhàng, thư giãn qua các tình huống gần gũi. Series hài Kem xôi, Loa phường do anh cùng nhóm bạn xây dựng, phát trên Youtube, thu hút hàng triệu người theo dõi, đăng ký kênh.
Trung Ruồi có gương mặt "xấu lạ"
 
Trung Ruồi cho rằng một trong những nét tạo dấu ấn của anh là gương mặt xấu trai đã trở thành thương hiệu, cộng lối diễn "tỉnh như ruồi". Những năm đầu hoạt động nghệ thuật, Trung Ruồi thường bị các đoàn phim từ chối vì ngoại hình không bắt mắt. Anh luyện giọng nói để kiếm tiền, đi thu âm, đọc truyện cười trên sóng phát thanh. Có lần, anh được chọn vì có thể giả năm giọng trong một tiểu phẩm. Khi đã nổi tiếng nhờ sitcom chiếu mạng, gương mặt nhăn nhó, đôi mắt híp của Trung Ruồi trở thành thương hiệu, khiến các đạo diễn nhớ mặt.
 
Nghệ sĩ cho biết: "'Tôi bị chê xấu nhiều đến mức thành quen. Giờ tôi coi đó là lời khen. Nếu bất ngờ đẹp lên, tôi sợ khán giả không nhận ra mình. Hồi nhỏ, tôi tự ti vì xấu, bị nhiều bạn gái từ chối. Sau này, khi tôi diễn hài, nhiều người lại chủ động làm quen, khen tôi duyên dáng. Tôi giờ yêu quý gương mặt mình, quan niệm 'tốt gỗ hơn tốt nước sơn'". Có lúc, Trung Ruồi nhận được nhiều lời mời làm răng, phải liên tục từ chối. Một đợt, anh đi làm phim ở Hàn Quốc, bị bạn bè đồn đi phẫu thuật thẩm mỹ, nhiều người liên tục nhắn tin can ngăn. Diễn viên nói anh không có ý định chỉnh sửa gương mặt, muốn giữ nguyên dung mạo, "có sao dùng vậy".
Trung Ruồi cùng vợ và con gái
 
Diễn hài, mang tiếng cười cho mọi người nhưng cuộc sống Trung Ruồi trải qua nhiều nỗi buồn. Bố anh mất sớm, mẹ anh cũng qua đời sau thời gian dài chữa bệnh ung thư. Chỗ dựa tinh thần của Trung Ruồi giờ là bà xã là diễn viên múa, cùng con gái hai tuổi tên Tuệ Lâm.
 
Theo VnExpress

Đọc thêm các bài khác