NTK Sỹ Hoàng cảm ơn nỗi cô đơn

Đăng lúc: 8:42 am, Ngày 08/04/2018

Với hơn trăm khách mời, với một không gian đầy chất thiền, nhà thiết kế Sỹ Hoàng đã tâm tình về một tuổi thơ kỳ lạ và về nỗi cô đơn mà anh ôm ấp gần 60 năm cuộc đời.

Một đứa bé sinh non do mẹ bị bệnh, èo uột, nhỏ bé, không thể chạy nhảy chơi cùng chúng bạn, chỉ còn một ước mơ là học thật giỏi, đó là Sỹ Hoàng khi còn nhỏ. Lủi thủi một mình cùng tập vở, ít nói, ít cười. Lớn lên một chút thì anh chạy chợ với mẹ để nuôi một đàn em, cũng lủi thủi trong cảnh nghèo và cô đơn. Rồi khi vào trường Mỹ thuật, vẫn một mình, bởi không thể hút thuốc, uống rượu, cà phê, đánh bài với bạn bè. Sỹ Hoàng nói mình như một ốc đảo đi về lặng lẽ…
 
Đến hơn 50 tuổi, anh vẫn đi về lặng lẽ. Có những hôm nhìn bên vỉa hè thấy những gia đình vợ chồng con cái lăn lóc, họ mắng nhau, họ càu nhàu, nhưng họ có cái mà Sỹ Hoàng không có. Họ chửi nhau đó rồi lại ôm nhau trong gió lạnh, trong khi mình chơ vơ nghe gió buốt cõi lòng. Rồi những đêm thức canh mẹ già bị bệnh, mẹ than đau nhức quá con ơi, Sỹ Hoàng chùng giọng xuống: “Mẹ còn hạnh phúc hơn con. Giờ mẹ đau còn có con ngồi bên cạnh vỗ về. Mai mốt con già như mẹ, con đau, không biết có ai ngồi cạnh…”. Rồi hai mẹ con cùng khóc.
 
Những đêm mưa, Sỹ Hoàng đi từ trung tâm thành phố về ngôi nhà của mình ở quận 9, dọc đường thấy đói, lao vào xe mì gõ, móc túi còn đúng 17 ngàn đồng ăn đỡ một tô. Có hôm chỉ còn 5 ngàn đồng thì về nhà lục lọi trong tủ được một gói bột ngũ cốc… Cái số cô đơn như vậy chứ không phải là nghèo.
Nhà thiết kế Sỹ Hoàng đã xây dựng nên Bảo tàng áo dài để góp phần giữ gìn và tôn vinh trang phục truyền thống của Việt Nam.
 
Bao nhiêu tiền bạc và tâm sức Sỹ Hoàng đổ hết vào những chiếc áo dài đẹp như mơ và đổ xuống mảnh đất ở quận 9 để lưu giữ những nét văn hóa dân tộc. Bao nhiêu ngày vất vả đến mức anh đổ gục dưới chân tượng Phật, và nói: “Phật ơi, con thua cuộc rồi”. Nhưng kỳ diệu thay, rồi anh lại có sự giúp sức ở đâu đó chung quanh để đứng dậy, tiếp tục tỏa sáng.
 
Áo dài của Sỹ Hoàng vươn ra thế giới, và nền văn hóa dân tộc thì kéo thế giới tìm về. Bao nhiêu khách đã đến tham quan khu vườn, để thấy trong đó một bảo tàng áo dài lộng lẫy, một khu vườn tượng trầm mặc, một màu xanh của lá hoa cây cỏ, những buổi trình diễn văn nghệ dân tộc, những lớp huấn luyện kỹ năng sống cho lớp trẻ… Chưa hết, còn một nhà hát nho nhỏ xinh xinh ở quận 5 để Sỹ Hoàng đem lên sân khấu những nét đẹp của nghệ thuật ca diễn Việt Nam, những hồi ức về Sài Gòn xưa thấm thía lòng người…
 
Đó là cách Sỹ Hoàng tạm bước ra khỏi nỗi cô đơn. Và anh cảm ơn nó. Nó giúp anh tập trung để bước đi trên chông gai, và tỏa sáng. Anh nghĩ mình may mắn bởi cô đơn nhưng không gục chết trong bóng tối, mà biết vươn ra bầu trời đầy nắng. Anh cười. Nụ cười dịu dàng và bao dung. Cô đơn thì vẫn cô đơn, nhưng có biết bao người đã yêu thương anh, làm việc cùng anh, nắm lấy tay anh cùng đi. Anh nói: “Tôi chấp nhận những gì cuộc đời đã ban cho tôi. Chỉ mong từ đây đến 70 tuổi sẽ còn tâm sức hoàn thành những việc mà mình đang ấp ủ”.
 
Hoàng Kim/Theo Thanh Niên

Đọc thêm các bài khác