Phim chỉ dành cho người lớn đổ bộ lên màn ảnh nhỏ Hàn Quốc

Đăng lúc: 7:36 am, Ngày 14/05/2020

Thành công của "Thế giới hôn nhân", "Kingdom 2"… mở ra nhiều cơ hội cho các nhà làm phim xứ kim chi tiếp cận những đề tài mới lạ và đa dạng hơn.

Gần đây, phim truyền hình người lớn, dán nhãn R (không dành cho khán giả dưới 19 tuổi) đã trở thành tâm điểm chú ý của làng giải trí xứ Hàn, giữa bối cảnh công chúng ngày càng đòi hỏi cao hơn về sự đa dạng trong nội dung phim. Đây được xem là điều khá bất ngờ, bởi nền phim ảnh Hàn Quốc trước nay còn khá bảo thủ trong các cảnh nóng, vấn nạn bạo lực...
 
Thế giới hôn nhân (Couple's World) dựa trên loạt phim truyền hình Doctor Foster của BBC, là tác phẩm tiên phong, đánh dấu sự phổ biến của dòng phim 19+ trên màn ảnh nhỏ xứ kim chi. Dù bị giới hạn về độ tuổi, những tình tiết gay cấn mang lại cảm giác hồi hộp, cách xây dựng câu chuyện lôi cuốn đã giúp phim nhanh chóng thu hút khán giả.
 
Đồng thời, sự thay đổi ít nhiều về định hướng của thị trường phim ảnh xứ Hàn đã khuyến khích các đơn vị sản xuất mạnh dạn hơn trong cách khai thác đề tài dành cho người lớn, bỏ qua tâm lý e dè vốn ăn sâu trong tâm thức họ khi cho rằng những bộ phim bị giới hạn độ tuổi thường không được khán giả đón nhận.
Bị giới hạn về độ tuổi nhưng Thế giới hôn nhân vẫn thiết lập kỷ lục về người xem
 
Theo Korea Times, bất chấp những tranh cãi, phần đông người dân ủng hộ các nhà sản xuất tiếp tục thực hiện loạt phim hấp dẫn dành riêng cho khán giả lớn tuổi, đối tượng người xem trung thành của dòng phim truyền hình xứ kim chi.
 
Nhà phê bình văn hóa Jeong Duk Hyun cho biết: "Vì những điều cấm kỵ, các nhà sản xuất đã bị hạn chế trong lựa chọn đề tài khai thác khiến các bộ phim truyền hình bị giới hạn, xoay quanh một số thể loại quen thuộc như lãng mạn, hài hước. Bây giờ, chúng ta phải cố gắng thêm nhiều nội dung mới mẻ, phục vụ nhiều đối tượng khán giả, nhất là người lớn".
 
Ngoài Thế giới hôn nhân, bộ phim Hoạt động ngoại khóa (Extracurricular), được phát hành trên Netflix ngày 29/4, cũng bị xếp hạng R do đề cập đến vấn đề mại dâm cũng như bạo lực học đường.
 
Phim tập trung mô tả cuộc sống của một nam sinh cấp 3, vốn là học sinh kiểu mẫu, xuất sắc của trường nhưng đằng sau lại điều hành một đường dây mại dâm đen tối. Chứa đầy yếu tố bạo lực, bóc lột, bắt nạt và quấy rối nhưng tác phẩm lại nhận được những đánh giá tích cực, mô tả chân thật tâm lý của giới trẻ và phản ánh mặt trái của xã hội Hàn Quốc. 
Bộ phim Hoạt động ngoại khóa kể về một tú ông mới 17 tuổi
 
Hay như bộ phim xác sống, kinh dị của Netflix King dom 2, phát hành vào giữa tháng 3/2020, cũng bị dán nhãn R sau khi xem xét mức độ bạo lực trong phim.
 
Tại Hàn Quốc, các đài truyền hình có quyền đánh giá, xếp hạng nội dung phim mà họ trình chiếu. Trong khi, Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc sẽ xem xét cách phân loại phim của các nhà đài, cũng như loạt phim hợp tác sản xuất với Netflix, sau khi tác phẩm được công chiếu.
 
Đạt được những bước tiến vượt bậc trong thời gian qua nhưng các nhà làm phim xứ kim chi thường có xu hướng tránh đề cập đến các vấn đề tình dục, đồng thời những bộ phim truyền hình bị dán nhãn R đều được coi là dự án nhỏ, dù có ngôi sao góp mặt. Trước Thế giới hôn nhân, những tác phẩm Âm thanh tội phạm (2017), Những gã tồi (2014), Misty (2018)… (đều bị dán nhãn R) dù tạo tiếng vang lớn nhưng không được dư luận xứ Hàn yêu thích.
Cảnh phim Kingdom 2
 
Theo các chuyên gia, trong sự toàn cầu hóa nhanh chóng của các hoạt động truyền thông, nhờ sự xuất hiện của các nền tảng và dịch vụ mới, như Netflix, cùng với đó người dân Hàn Quốc đã bớt ác cảm về nội dung phim được xếp hạng R. Họ nhìn nhận đây là cơ hội thuận lợi để các nhà sản xuất phim truyền hình có thể thoải mái sáng tạo về nội dung, hướng đến mục tiêu mở rộng thị trường trên toàn thế giới.
 
Theo PNO

Đọc thêm các bài khác