Sau một dạo "bán" đời tư, nghệ sĩ Việt tới thời khoe sự ngô nghê, ngờ nghệch hay những câu trả lời vô duyên, ngớ ngẩn, thiếu hiểu biết trên sóng truyền hình.
Ngu ngơ: chuyện thường tình trên sóng
Nếu ngày trước, nghệ sĩ luôn phải thận trọng lời ăn tiếng nói thì giờ thoải mái buông tuồng qua các game show, chương trình truyền hình nặng tính giải trí. Như trường hợp nữ nghệ sĩ hài Lê Giang, không ít lần thể hiện sự vụng về trong cách ăn nói, chữ trước quàng chữ sau, phô bày sự thiếu hiểu biết trong những chương trình thiên về trí tuệ: cho rằng Thị Nở đã nấu cháo lòng cho Chí Phèo, con muỗi là sinh vật đầu tiên bay vào vũ trụ hay “ruộng sâu trâu nái không bằng… người dân” (trong show Nhanh như chớp).
Nhanh như chớp, một chương trình "giúp" không ít nghệ sĩ khoe... cai dốt của mình.
Danh sách nghệ sĩ ngô nghê vẫn đang được nối dài qua các chương trình đã và đang phát sóng. Lâm Khánh Chi, Lê Lộc, Ái Phương, An Vy, Lan Hương, Han Sara, Lan Phương... với những câu trả lời, những màn thể hiện thiếu kiến thức tại Nhanh như chớp, 7 nụ cười xuân, Úm ba la ra chữ gì, Bộ ba siêu đẳng, Một trăm triệu một phút... Nam diễn viên hài Mạc Văn Khoa cho rằng Mị Nương cưới Trọng Thủy hay không ai lấy được Tiên Dung. Lê Dương Bảo Lâm cũng từng có những màn thể hiện kiến thức “để đời” trên truyền hình như vận tốc được tính bằng công thức dài cộng rộng nhân 2, hay Song Luân không biết môn nghệ thuật thứ bảy là gì dù đang làm một diễn viên - ca sĩ...
Không chỉ thể hiện sự ngô nghê, nghệ sĩ còn “giỏi” lấp liếm bằng những lý giải gây cười, như một sự bù trừ hay những màn tranh cãi tay đôi với lý lẽ vô duyên khó chấp nhận. Lạ thay, kiểu ứng xử ấy lại được các nhà sản xuất chấp nhận, nhằm gây cười cho khán giả, kích thích sự chú ý của công chúng.
Đừng tự làm rẻ bản thân
Game show là mảnh đất hái ra tiền của nghệ sĩ ở hiện tại. Mỗi show ghi hình, họ có thể bỏ túi từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mà không phải cật lực lao động nghệ thuật. Đây cũng là con đường ngắn để tiếp cận đại chúng. Không khó hiểu vì sao nghệ sĩ “mặn mà” với game show, dù không ít sân chơi đang biến họ thành trò cười bởi chỉ số IQ đáng báo động, qua những trò chơi lắt léo.
Nhưng khi lợi ích được chia đều cho đôi bên, câu hỏi là có hay không sự bắt tay với nhà sản xuất để nghệ sĩ gò mình ngu ngơ theo chương trình, dẫu họ thông minh hơn thế? Lê Giang hoàn toàn không biết “tứ đức” của phụ nữ là gì. Lan Ngọc phải lưỡng lự suy nghĩ mới cho ra đáp án của phép tính 7x6.
Chuyện kiếm cơm của nghệ sĩ lẽ ra không đáng bàn nếu một bộ phận không dễ dãi thỏa hiệp hoặc bất chấp. Trong xu thế nghệ sĩ càng lòi dốt, càng ngu ngơ càng đắt show khiến không ít người khó cầm lòng, tỉnh táo chọn lựa. Họ xuất hiện từ show này sang show khác và tỏ ra đầy tự tin về cách thể hiện được cho là “tự nhiên, chân thật” này.
Vẫn biết các sân chơi được sinh ra là để giải trí, nhưng giải trí bằng cách tự phá nát hình ảnh của mình trong mắt khán giả, khiến khán giả chê cười lại là điều đáng phải suy nghĩ. Những nụ cười trên sự thiếu hiểu biết, khi đặt lên bàn cân, cũng nhẹ và rẻ hơn rất nhiều so với các sản phẩm nghệ thuật bằng năng lực và trí óc. Khi nghệ sĩ không tự trọng thì làm sao đòi hỏi khán giả tôn trọng. Chưa kể sự dễ dãi ấy của nghệ sĩ cũng đang tiếp tay đẩy gu thưởng thức của khán giả ngày một đi xuống.
7 nụ cười xuân đang dần khiến khán giả chán ngán với những màn tiêu khiển vô bổ.
Han Sara - nữ ca sĩ trẻ đầy tiềm năng, đang được đánh giá cao, đã phải trả một cái giá khá đắt khi tham gia Nhanh như chớp. Cô mặc sức thể hiện sự thiếu hiểu biết, tranh cãi tay đôi với MC, khiến dư luận xông vào “ném đá”. Quỳnh Châu - một MC trẻ, duyên dáng, cũng rơi vào vòng xoáy dư luận bởi sự thể hiện khó hiểu tại sân chơi này. Khán giả đã bắt đầu phản ứng (sau một thời gian thỏa hiệp) với những chuẩn văn hóa đang ngày càng lệch lạc trên sóng truyền hình. Có lẽ đây là lúc nghệ sĩ cần nhìn lại chính mình.
Nhà sản xuất luôn làm đủ chiêu, đủ trò để đạt mức rating cao nhất có thể, nhằm thu lợi. Trong xu thế phát triển của môi trường mạng hiện tại, khi hiệu ứng viral, lượt xem được xem trọng trong các sản phẩm giải trí thì việc cố tạo ra những khoảnh khắc có khả năng gây ảnh hưởng dư luận được nhiều nhà sản xuất đặt lên hàng ưu tiên, bất chấp đó là gì. Vì thế, những màn phát ngôn hớ hênh, ngờ nghệch hay những câu trả lời vô duyên, ngớ ngẩn của nghệ sĩ đều được chụp bắt, tận dụng để kinh doanh. Thật khó để đòi hỏi một sự nhân văn được đặt để đúng chỗ.
Nghệ sĩ, nếu còn chút nào tôn trọng bản thân và nghề nghiệp, nên có sự chọn lọc ở các chương trình, để đừng biến mình thành những kẻ ngu ngơ, khờ khạo trong mắt khán giả, chí ít để bảo vệ hình ảnh của chính mình. Và để có được môi trường giải trí sạch hơn, chuẩn hơn, khán giả cũng nên biết nói không với những nụ cười vô bổ, thể hiện tầm thấp của văn hóa đang được bày ra hằng ngày trên ti vi.
Thành Lâm/Theo PNO