Các sân khấu kịch đang gấp rút ra mắt vở mới phục vụ khán giả. Tuy nhiên, chuyện khan hiếm kịch bản đạt chất lượng để kéo dài tuổi thọ cho kịch Tết khiến các sàn diễn đau đầu.
Gần 20 vở diễn mới sẽ cạnh tranh mùa Tết năm nay. Cũng có vở chỉ mới phúc khảo đã phải ngưng, cho thấy kịch Tết khó đạt doanh thu như mong đợi.
Kịch bản yếu
"Kịch bản yếu vẫn là vấn đề muôn thuở của các sân khấu kịch TP.HCM mỗi khi các sàn diễn chuẩn bị vào mùa phục vụ Tết. Năm nay cũng không ngoại lệ" - nhận định của NSND Trần Minh Ngọc, thành viên Hội đồng Nghệ thuật Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM. Theo ông, khán giả xem kịch ngày càng tinh tế, họ không dễ dãi như trước. Bằng chứng là mùa Tết năm ngoái, có vở tưởng sẽ sống đến mùng 10 nhưng chỉ mới mùng 4 Tết đã "rụng". Vì thế, việc đầu tư để có vở đạt chất lượng là vấn đề tiên quyết của các sàn diễn.
Cảnh trong vở Ác nhân cốc của Sân khấu Idecaf
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu Kịch IDECAF trăn trở: "Như mùa Tết mọi năm, chúng tôi tất tả đi tìm kịch bản mới thì năm nay, IDECAF chỉ đầu tư cho 2 suất diễn từ mùng 1 đến mùng 10 với 2 vở được chọn từ đầu năm, đó là Mưu bà Tú và Ác nhân cốc. Ban đầu, dự kiến sẽ diễn mỗi ngày 3 suất nhưng cảm thấy khó đạt doanh thu nên chỉ tập trung 2 suất/ngày. Do vậy, kế hoạch tái dựng vở hài Cướp dâu cho các nghệ sĩ ngôi sao thế vai các diễn viên trẻ đã tạm dừng".
Đạo diễn Ngọc Hùng của Sân khấu Thế giới trẻ chia sẻ: "Kịch Tết phải bảo đảm chất lượng và đậm không khí vui xuân đón Tết nên vở Sóng gió gia tộc (tác giả: Nguyễn Bảo Ngọc, đạo diễn: Quang Huy), sau khi phúc khảo được hội đồng góp ý chỉnh sửa vì cái kết quá bi lụy, đành gác lại sang Tết mới chỉnh sửa. Thay vào đó, sân khấu chúng tôi tập tiếp vở Cuộc chiến sắc đẹp (tác giả: Phan Ngọc Liên, đạo diễn: Ngọc Hùng) để diễn Tết cùng với các vở Chuyện cũ mình bỏ qua, Thần tiên cũng nổi điên, Duyên ma, Thanh Xà, Bạch Xà...".
Cảnh trong vở Tía ơi, con lấy chồng của Sân khấu 5B
Đồng ý với nhận định về khán giả của NSND Trần Minh Ngọc, NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM (Sân khấu nhỏ 5B), bày tỏ nguồn kịch bản mới không có, bắt buộc các sân khấu kịch phải tìm kiếm các kịch bản cũ để dựng theo hình thức mới, đồng thời sử dụng những tác phẩm sân khấu đã dựng trong năm, ăn khách, vui tươi, để trình diễn xen kẽ. "Tuy nhiên Sân khấu nhỏ 5B hứa hẹn Tết này sẽ thu hút đông khán giả, vì sau phúc khảo đã thử diễn vài suất, hiệu ứng dành cho các vở Tía ơi, con lấy chồng và Giao kèo sống thật rất tốt. Tôi cho rằng khán giả hôm nay rất tinh tế. Họ đánh giá rất chuẩn về tác phẩm sân khấu, không thể đầu tư theo kiểu hên xui".
Đa sắc màu
Nhìn chung, các sân khấu kịch chuẩn bị vở Tết đều chú trọng, chăm chút nội dung, thông điệp và hình thức thể hiện. Các sân khấu năm nay làm vở Tết đều tập trung khai thác đúng phong cách của từng thương hiệu.
Do vậy, bức tranh kịch Tết đa sắc màu, trong tiếng cười đều chứa đựng ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Kịch Sài Gòn vẫn đi theo phong cách "hài kịch pha kinh dị", qua các vở: Tiếng hát nửa đêm, Mượn hồn, Oan hồn bên suối, Mảnh đất nhiều ma, Người yêu ma. Sân khấu Kịch Hồng Vân - Phú Nhuận với các vở: Tám thần tài, Ma nữ không chồng, Oan hồn truyện... Kịch Hồng Vân - Chợ Lớn diễn các vở: Thanh Xà, Bạch Xà, Ngẫm Kiều, Căn hộ 404.
Poster vở Tình yêu trời đánh của Sân khấu Hoàng Thái Thanh
Còn tại Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh, Tết này có 2 vở mới là Mút chỉ mút cà tha, Tình yêu trời đánh và ngày 15, 16/2 giới thiệu 2 suất diễn đặc biệt Một thập kỷ yêu thương, kỷ niệm 10 năm thành lập sân khấu, gồm các lớp diễn xuất sắc trong những vở "đinh" như: Nửa đời ngơ ngác, 29 anh về, Thử yêu lần nữa, Sông dài, Bông hồng cài áo, Nửa đời hương phấn...
Có 2 ông bầu rất "máu" với chương trình Tết, cứ đến hẹn lại lên là "gom ngôi sao" để làm kịch, đó là Trần Bùm và Lê Nguyên Đạt. Năm nay, Trần Bùm gắn kết với Nhà hát Kịch TP.HCM ra mắt 2 vở Heo heo bố già và Ra giêng anh cưới em (phần 2) tại Nhà hát Bến Thành; còn Lê Nguyên Đạt kết hợp với Sân khấu Kim Ngân dựng chương trình Long phụng kỳ duyên, Đại hỷ tại Sân khấu Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh.
Các sân khấu kịch đã ý thức việc nâng cao giá trị của từng câu chuyện thông qua các kịch bản sân khấu đầy tiếng cười nhưng bảo đảm được tiêu chí hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu giải trí trong những ngày Xuân của khán giả.
Poster vở Ngẫm Kiều của Sân khấu Hồng Vân - Chợ Lớn
Giải trí nhưng phải ý nghĩa
Theo NSND Hồng Vân: "Kịch đa sắc màu mang tính giải trí nhưng phải thật sự ý nghĩa, tạo được giá trị và chất lượng, kịp thời đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí mùa Tết của khán giả. Tôi cho rằng mức đầu tư kịch phí các tác phẩm Tết không quá cao nhưng những câu chuyện về tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, sự sẻ chia cùng số phận con người cần được giữ vững.
Khán giả hôm nay không còn hời hợt. Tôi cho rằng kịch Tết năm nay xen kẽ những câu chuyện gay cấn, những chiêu trò đậm chất hài nhưng vẫn phải bảo đảm yếu tố văn hóa, giáo dục. Đừng ỷ vào tên tuổi tài năng diễn xuất của các nghệ sĩ mà thiếu chăm chút. Năm ngoái, nhiều vở diễn thất bại chính là do xem nhẹ yếu tố này".
Theo NLĐO