Khánh Ly bảo: "Tôi không mong mình có cái chết hoành tráng như Phi Nhung. Khi nào Chúa gọi, tôi sẽ đi. Nếu được, hãy để tôi ra đi lặng thầm trong giấc ngủ".
Cuộc sống của bà hiện tại thế nào?
-Tôi đóng cửa, ở nhà tránh dịch, nghe ngóng tin tức dịch bệnh ở Việt Nam. Tôi rất lo và luôn theo dõi tình hình quê hương.
Tôi hiện không có nhiều công việc, hầu như chỉ ở nhà. Tôi có nuôi hai "em bé" 4 chân. Mỗi ngày, tôi cho hai bé ấy ăn, ngủ; làm vườn; làm tất tần tật việc nhà: nấu cơm, chùi nhà, rửa chén, giặt quần áo...
Tôi đang sống với con gái thứ 3. May mắn, nó không có chồng. Nếu không, có khi chồng không cho nó nuôi mẹ đâu. (cười)
Tôi rất khỏe. Nhờ không uống rượu, không chích choác, cờ bạc, ít ra ngoài,... mà tôi năm nay 76 tuổi vẫn tốt. Tôi chỉ phải lưu ý đường huyết cao, khá nguy hiểm đấy! Ở tuổi tôi không mắc bệnh này cũng bệnh kia thôi.
Tôi ít chơi với bạn già. Các em trẻ thường đến nhà tôi đàn hát, nghe tôi kể chuyện xưa, thế mà vui. Tôi mà gặp bạn già chỉ quanh quẩn buồn phiền hết chuyện chồng con đến chuyện của mình. Thôi, đánh bạn với người trẻ thì hơn!
Giai đoạn Mỹ đỉnh dịch, bà sống sao?
-Tôi không sợ nhiễm virus hay chết. Chỉ là, tôi thấy sợ cho một cái chết quá lạ lùng: đi cách ly, chết âm thầm, không được gặp con cháu phút cuối và thiêu hoặc chôn cùng vài người khác. Tôi thấy những điều đó quá tội nghiệp cho một cái chết.
Bà thay đổi những gì sau 6 năm chồng qua đời?
-Lúc còn sinh thời, ông lo cho tôi mọi thứ. Ông mất, tôi phải tự lo mọi thứ mà lại chẳng biết nên bắt đầu từ đâu, đúng là hơi khổ thật. Tôi may mắn có con gái lo phụ, tuổi này cũng không còn nhiều show. Nhưng tự lo thì vẫn phải tự lo, buồn phải không?
Tôi vẫn luôn buồn và nhớ ông nhưng không cô đơn. Hơn 40 năm qua, tôi đi đâu làm gì cũng có ông bên cạnh. Giờ ông không còn, tôi cũng không muốn đi đâu nữa. Một phần từ xưa, ông hay đi công việc bên ngoài, tôi đã quen ở nhà một mình. Tôi cũng biết bên ngoài kia có rất nhiều người quan tâm, chia sẻ và thương mình nên không thấy cô đơn.
Không còn ông là một mất mát không thể thay thế trong đời tôi. Nhưng vì biết an phận, tôi thấy bằng lòng với cuộc sống hiện tại.
Tôi rất khỏe. Nhờ không uống rượu, không chích choác, cờ bạc, ít ra ngoài,... mà tôi năm nay 76 tuổi vẫn tốt
Tuổi tác ảnh hưởng đến bà thế nào?
-Tôi thay đổi đủ mọi mặt đấy chứ. Tôi bây giờ đâu thể tóc dày, da căng, giọng hát càng không như thủa đôi mươi nữa. Thứ duy nhất không thay đổi là trái tim của tôi. Tôi tin câu "Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính". Bạn có thể học rất giỏi nhiều thứ nhưng bản chất con người mình thì không. Trời sinh bạn hiền, bạn chẳng thể học cho hiền hơn hoặc ác đi được.
Nhiều người lớn tuổi tôi biết sợ đãng trí, quên mất những điều họ trân quý. Bà thì sao?
-Tôi biết rồi có lúc mình sẽ quên tất cả. Nhưng trong đời ai cũng sẽ có nhiều người, nhiều điều nên quên. Bạn nhớ nhiều sẽ sinh buồn, ân hận rồi tự dằn vặt mình. Vì vậy, càng nhớ nhiều càng khổ tâm, phiền não. Tôi cũng vậy, quên được chừng nào tốt chừng ấy. Tôi sống nhiều rồi, đã qua đủ thăng trầm, buồn vui, sướng khổ, giàu nghèo,... có quên đi một chút cũng chỉ giúp lòng nhẹ bớt.
Trong sự nghiệp âm nhạc dài, từ cô thiếu nữ Mai "đen" chỉ biết hát, ngây ngô với đời đến danh ca Khánh Ly, bà chiêm nghiệm gì?
-(cười lớn) Đã lâu rồi tôi mới nghe lại cái tên này! Thời đi học, bạn bè gọi tôi là Mai "đen" (Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai - PV) vì tôi đen thật. Tôi thích sưởi nắng, dạo đồi hay vào rừng ở Đà Lạt nên không trắng trẻo như các bạn cùng trang lứa.
Năm tới, tôi tròn 60 năm đi hát. Tôi nghiệm từ hành trình dài mình đã đi qua và gọi đó là số mệnh. Tôi không có tài, hát không hay, người cũng không đẹp nhưng số được yêu thương. Có được phần số ấy là may mắn của tôi.
Những gì tôi có đã đem cho đời, cho bạn bè, con cái,... hết cả nhưng nhận lại còn nhiều hơn. Những gì tôi có hôm nay là quá nhiều. Ở đời, chúng ta không nên đặt mình cao hơn người khác. Khi sạt lở, núi cao sẽ đổ còn đồi thấp vẫn vậy. Ai muốn tranh làm cây cao, tôi chỉ xin làm cỏ dại. Dù có bị cháy, tôi vẫn sẽ mọc lại sau một cơn mưa mát lành.
Khánh Ly mà không có tài ư?
-Tôi không nói quá! Cả đời tôi được quá nhiều nên giờ biết an phận, không đòi hỏi gì thêm nữa. An phận vậy mà còn khó sống bạn à! Tuổi này còn "Em ước mơ mơ gì, tuổi mười tư, tuổi mười lăm?" (Tuổi mộng mơ - Phạm Duy) là chết lớn.
Tôi không có tài, hát không hay, người cũng không đẹp nhưng số được yêu thương. Có được phần số ấy là may mắn của tôi
Ký ức về Trịnh Công Sơn trong bà là gì?
-Ông Sơn là bóng cả mà tôi được đứng bên dưới hưởng sự râm mát cho đời mình. Ký ức về ông vẫn đầy ắp trong tôi. Tôi nguyện không làm bất cứ điều gì tổn hại đến ông Sơn. Không ai có thể tác động và không có gì đánh đổi được tình yêu tôi dành cho ông Sơn.
Quãng cuối cuộc đời, bà chuẩn bị thế nào cho sự ra đi?
Tôi không mong mình có cái chết hoành tráng như Phi Nhung. Khi nào Chúa gọi, tôi sẽ đi. Nếu được, hãy để tôi ra đi lặng thầm trong giấc ngủ.
Tôi đã dặn bạn bè mình rằng nếu tôi mất, các con tôi và Quang Thành sẽ lo hậu sự cho tôi. Tôi sẽ được hỏa táng rồi để chung tro cốt với chồng, việc để trong nhà hay rải ở đâu tùy các con quyết định. Tôi muốn Quang Thành cùng các con lo liệu vì tôi xem Thành như con của mình.
Tôi mong được mọi người nhớ, chỉ cần một góc rất nhỏ trong tim họ. Mọi người hãy nhớ rằng vào tháng năm ấy, từng có một người tên Khánh Ly đi qua cuộc đời mình.
Như ông Sơn viết: Những người đến không vì mong/ Những người khuất không vì quên (Sẽ còn ai - Trịnh Công Sơn). Không ai muốn sinh ra trong cõi đời này. Và không phải ai chết đi cũng bị quên lãng. Chẳng vì vậy mà có những người đã khuất sống mãi trong lòng mọi người?
Bà định về Việt Nam không?
-Tôi luôn mong về Việt Nam. Tôi yêu Hà Nội và Sài Gòn, yêu Nhà thờ Đức Bà, yêu con đường sách bình yên và yêu cả những chiếc xe đạp chất đầy hoa. Mong sao dịch bệnh mau hết để tôi còn kịp về thăm bạn bè, gặp lại khán giả những người yêu tôi và tôi cũng yêu họ.
Theo VietNamNet