Mọi người ở đây ai cũng trêu, bảo Phương Hồng Thủy là người duy nhất sống ở Mỹ mà hằng tháng không phải lo ký bill, lái xe không cần quan tâm bình xăng.
1.
Atlanta, George mùa thu. Buổi sáng, NSƯT Phương Hồng Thủy chở về nhà mấy bao đất, chuẩn bị vun bón cho những cái cây trong vườn. Từ Mỹ, giọng chị giòn tan khi nghe tôi hỏi khu vườn ấy có thể hình dung như thế nào: “Có mấy cái cây thôi em, thêm bộ bàn ghế anh chị hay ngồi uống cà phê trà nước. Nhưng mà mùa này lá phong rất đẹp…”. Lần đầu tiên trò chuyện cùng chị, từ khoảng cách nửa vòng trái đất, nhưng lại có cảm giác thân thuộc. Có lẽ vì hai chị em có chung năng lượng bình yên mà vô hình, từ những cái cây…
Tôi nói với chị: “Em vẫn không quên nhân vật Thúy Kiều của chị trong vở Ai giết nàng Kiều hơn 20 năm về trước”. Đó cũng là vai diễn làm nên tên tuổi Phương Hồng Thủy trên sân khấu cải lương những năm thập niên 1990, vai Thúy Kiều được trao huy chương vàng giải Trần Hữu Trang 1991.
NSƯT Phương Hồng Thủy của ngày hôm nay, tươi tắn và hạnh phúc
Ấn tượng của khán giả lúc ấy đối với Phương Hồng Thủy ngoài ca diễn hay, còn là gương mặt bầu bĩnh như thể đang “ngậm kẹo” rất dễ thương. Nhưng chị nói vui, khuôn mặt baby có lúc “làm khổ” chị lúc học ở Trường Nghệ thuật Sân khấu II (khóa 1975-1978). Đó là khi diễn vai Tây Thi, chị bị cô giáo… phạt vì không thể hiện góc mặt 3/4 mà cứ đưa “cái má bầu” về phía khán giả. “Cô giáo mắng: Diễn như vậy làm sao khán giả thấy được biểu cảm của mình” - NSƯT Phương Hồng Thủy kể lại.
Một lần khác chị bị mắng cho khóc lên khóc xuống là trên sàn tập vai Cầm Thanh, vở Cô đào hát. Đạo diễn Hoa Hạ - người từng dựng vở Ai giết nàng Kiều - vì muốn nội tâm của các nhân vật phải được lột tả thật sâu sắc mà không ngại to tiếng, quát mắng nghệ sĩ. Nhưng rồi bao nhiêu áp lực trên sàn tập đều được đền đáp xứng đáng. Năm ấy, khi Phương Hồng Thủy lột tả xuất sắc nỗi khổ tâm của Cầm Thanh trên sân khấu thì phía cánh gà, đạo diễn Hoa Hạ cũng lặng lẽ chảy nước mắt. Vai diễn quá xúc động và thành công. Cô đào hát đã mang về cho câu lạc bộ Cải lương Ba thế hệ giải A Hội diễn mùa thu 1998, và giải Mai Vàng cùng năm cho Phương Hồng Thủy.
Khán giả một thời ấn tượng với NSƯT Phương Hồng Thủy qua hình ảnh “cô đào ngậm kẹo” rất dễ thương
Cầm Thanh trở thành một trong những vai diễn không thể nào quên trong sự nghiệp của chị. Hóa thân vào nhân vật này, không chỉ là nỗ lực tập luyện kiên trì, mà còn có sự bộc phát tâm trạng thật của chính chị. “Cuộc đời tôi trải qua nhiều chuyện, nội tâm của Cầm Thanh cũng chính là cảm xúc từ bên trong của chính tôi, đã được thỏa sức bày tỏ, vùng vẫy cùng nỗi đau của nhân vật trên sân khấu”, NSƯT Phương Hồng Thủy tâm sự.
2.
Câu nói “Cuộc đời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả” có lẽ đúng với NSƯT Phương Hồng Thủy, trong từng đoạn đời. Với sự nghiệp, ngay từ khi mới ra trường, chị đã có cơ hội đảm nhận vai chính và sớm được yêu mến qua các vở diễn: Hồn thơ non nước, Công chúa Tô Lan, Lá sầu riêng, Nhân danh công lý… đã sớm nổi danh và được đông đảo khán giả yêu mến khi diễn cùng các nghệ sĩ Trọng Hữu, Vũ Linh, Minh Vương… Nhưng cuộc đời riêng của chị lại có nhiều nỗi niềm, có những giai đoạn cuộc sống thật sự khó khăn, và nhiều thử thách với cô đào trẻ.
Trong năm tháng cũ có hình ảnh ba và con gái ngồi uống rượu cùng nhau bên hiên nhà. Ba dạy cho con gái biết chấp nhận và bước qua những vui buồn của cuộc đời. Thời đi học, cuộc sống gia đình khá giả, chị cũng hồn nhiên không phải lo nghĩ gì. Nhưng rồi lại đến giai đoạn kinh tế gia đình nghèo khó, chị đi hát mà tiền cũng chẳng có dư để mua thuốc rê cho ba, không lo đủ cho cuộc sống của cả nhà. Ba chị vẫn an ủi: “Có sao đâu con, đời người có lúc này lúc khác…”.
Mẹ chị bán xôi xoay xở nuôi các con và chăm sóc cháu ngoại - con gái nhỏ của chị. “Lúc đi học, việc ăn cơm độn hay thiếu thốn mọi bề tôi cũng không thấy khổ, những ngày đi hát có khi cùng anh chị em trong đoàn ăn cơm với muối ớt để dành tiền gửi về cho gia đình, cũng xem là chuyện bình thường. Nhưng khi mẹ và các em tôi phải ăn xôi ế trừ cơm, cuộc sống ở nhà quá khó khăn, tôi không thể chịu nổi. Mẹ luôn giấu tiệt điều đó để tôi yên tâm đi hát. Đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn thấy mình nợ mẹ một lời xin lỗi…”, NSƯT Phương Hồng Thủy xúc động.
NSƯT Phương Hồng Thủy và chồng
Năm 1986 khi chị đang lưu diễn ở Nha Trang thì ba mất. “Lúc đó đoàn không cho tôi biết, vì không có ai đảm nhận các vai chính thay. Khi trở về, đoàn tổ chức tiệc liên hoan, có người đến hỏi: “Hôm bữa ba em mất sao không thấy em về?”. Lúc đó tôi không nói được gì, lật đật gọi xích lô về nhà. Đoạn đường chỉ vài cây số mà tôi thấy xa thăm thẳm. Nhìn thấy bàn thờ mà tôi cũng không dám tin là ba đã mất. Tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc ngồi khuỵu ngay trước cửa, chỉ có thể nói được câu: “Sao ba không đợi con về”…, chị kể trong nước mắt.
Rất nhiều lần trong cuộc trò chuyện, giọng Phương Hồng Thủy cứ nghẹn lại. Nước mắt sau 60 năm cuộc đời nếu có chảy xuống, cũng chỉ có thể là vì cuộc chia lìa với người thân yêu. Năm xưa ba là người gửi chị vào Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, ông thích hát bội và muốn con gái trở thành nghệ sĩ. Rồi chị về Trường Nghệ thuật Sân khấu II theo học khoa cải lương, cho đến khi chị đã nổi tiếng, ba vẫn chưa có cơ hội nào xem con gái diễn…
3.
NSƯT Phương Hồng Thủy sang Mỹ định cư gần 20 năm. Sáng nào cũng vậy, chồng chị - anh An Khương - thức dậy sớm sẽ pha sẵn cho chị ly cà phê sữa. Đến lúc anh chuẩn bị đi làm thì chị lại pha cà phê đá cho chồng mang theo. Ngày cùng anh ra sân bay rời Việt Nam, chị nói với anh: “Em không có gì ngoài một trái tim”. Còn anh, không để vợ phải bận tâm điều gì với cuộc sống trên đất Mỹ.
NSƯT Phương Hồng Thủy và con gái
“Mọi người ở đây ai cũng trêu, bảo Phương Hồng Thủy là người duy nhất sống ở Mỹ mà hằng tháng không phải lo ký bill, lái xe không cần quan tâm bình xăng. Mọi thứ đều có anh bảo bọc. Bên cạnh mình có được một người nói với mình rằng, anh ấy luôn muốn được chăm sóc, được mỗi ngày trò chuyện với mình. Thì đâu còn gì phải mong cầu thêm nữa”, chị tâm sự.
Theo PNO