Người phụ nữ tạo nên huyền thoại 'Tây du ký' 1986

Đăng lúc: 8:33 am, Ngày 18/04/2017

Trong các tác phẩm kinh điển "tứ đại kỳ thư" Trung Quốc được dựng thành phim, "Tây du ký" 1986 là bộ phim bị xem thường nhất nhưng lại thành công nhất.

Mỗi năm, Trung Quốc sản xuất hơn 1.000 phim truyền hình lớn nhỏ. Nhưng nếu nói đến tác phẩm để đời, hầu như ai cũng từng xem không dưới một lần, chắc chắn chỉ có một. Hơn 30 năm qua, Tây du ký là siêu phẩm duy nhất làm được điều đó. Dương Khiết người đứng sau thành công đó.
 
Nữ đạo diễn Dương Khiết qua đời ở tuổi 88 hôm 15/4/2017 là chuyện bình thường bởi bà đã ở ngưỡng xưa nay hiếm. Nhưng với những người yêu quý Tây du ký 1986, họ bất ngờ, đau buồn và không hiểu chuyện gì đã xảy ra đối với người phụ nữ mạnh mẽ đó.
Dương Khiết - người đàn bà làm nên lịch sử truyền hình Trung Quốc.
 
Từ năm ngoái, sức khỏe Dương Khiết đã suy yếu. Nhưng bà chưa bao giờ chia sẻ về bệnh tật. Trước khi qua đời, bà rơi vào cơn hôn mê sâu 10 ngày. Không ai trong đoàn phim Tây du ký năm đó biết tin cho đến khi bà trở về với cõi trời.
 
Người phụ nữ với vóc dáng nhỏ nhắn đó luôn giữ cá tính mạnh mẽ cho đến khi qua đời. Không hề ngoa khi nói rằng Dương Khiết là kỳ nữ trong giới truyền hình, đã làm ra điều không thể trong lịch sử truyền hình Trung Quốc.
 
Người phụ nữ hai lần cưới giữa thị phi
 
Dương Khiết từng gây chú ý khi ra mắt cuốn tự truyện mang tên Dương Khiết: Chín chín tám mươi mốt nạn. Trong cuốn sách, bà kể về người cha mất sớm.
Dương Khiết và người chồng đầu tiên. Lần hai, bà kết hôn với nhà quay phim Tây du ký kém 14 tuổi. Ảnh: QQ.
 
Cha bà là liệt sĩ từng bị sát hại trong thảm án Thành Đô vào năm 1949. Sau năm 1949, Dương Khiết đến Thanh Đảo (Sơn Đông) và gặp người chồng đầu tiên Tuần Truyền Cơ. Họ tiến đến hôn nhân trong sự phản đối của gia đình vì khoảng cách giai cấp.
 
Nhưng bà không quan tâm. Dương Khiết nói muốn sống với Tuần Truyền Cơ và quyết tâm kết hôn. Cuộc hôn nhân kéo dài hơn 10 năm cuối cùng lại đứt gánh giữa chừng.
 
Dương Khiết chưa bao giờ chia sẻ về lý do chia tay. "Lúc đến không màng nguyên nhân, khi chia tay không cần đào xới lý do", bà nói. Sau đó, Dương Khiết tái hôn với quay phim Vương Sùng Thu.
 
Lần tái hôn này, bà cũng gánh nhiều thị phi. Vương Sùng Thu kém Dương Khiết 14 tuổi, lại chỉ là cấp dưới của bà. Người ta nói bà dại dột khi để "phi công trẻ dắt mũi".  
Xe chở đoàn làm phim của Dương Khiết mắc kẹt vì tuyết, cả đoàn không phân biệt vai vế cùng xuống để chống đỡ xe. Ảnh: Sina.
 
Năm 1969, bất chấp mọi dị nghị, bà vẫn tổ chức lễ cưới giữa trong thời điểm đất nước Trung Quốc còn hà khắc về chuyện tái hôn và yêu người trẻ tuổi. 
 
"Bạn hạnh phúc hay đau khổ là do sự nỗ lực của bạn. Bạn trông cậy vào những điều phù phiếm, dư luận, nếu khổ bạn chỉ có thể trách mình", bà khẳng định.
 
Đó cũng là điều khiến Dương Khiết tạo nên Tây du ký.

Thất vọng khi phải đạo diễn Tây du ký
 
Năm 1981, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) lên ý định tái hiện "tứ đại danh tác" trên màn ảnh. Hai tác phẩm được lựa chọn là Hồng lâu mộng Tây du ký.
 
Giữa hai dự án, ai cũng mong được là đạo diễn Hồng lâu mộng, bộ phim không nặng kỹ xảo, có tình yêu lứa đôi, gần gũi hơn nhiều so với tiểu thuyết mang tính thần thoại của Ngô Thừa Ân.
Bà chỉ đạo dàn diễn viên Tây du ký
 
Đạo diễn Vương Phù Lâm được chọn quay Hồng lâu mộng. Quyết định này khiến Dương Khiết thất vọng. Bà đã mong được bấm máy Hồng lâu mộng. Cũng vì lẽ đó, khi lãnh đào đài hỏi: "Bà dám quay Tây du ký không?", Dương Khiết có chút giận dỗi: "Không".
 
Nhưng sau đó, bà chấp nhận lời đề nghị quay phim với yêu cầu: "Có tiền sẽ dám". Và để như chứng minh bà không sai lầm, trong sáu năm quay phim vượt qua vô vàn khó khăn, Dương Khiết đã tạo nên một tác phẩm kinh điển của màn ảnh nhỏ.
 
Cảnh khổ khi quay phim từng được bà mô tả chi tiết trong cuốn tự truyện ra mắt năm 2012 có tên Dám hỏi đường ở nơi nào. Phó quay phim Đường Kế Toàn viết Đường ở dưới chân cũng cùng câu chuyện.

Bộ phim bị coi thường nhất
 
Vì đủ nguyên nhân, Tây du ký bị lạnh nhạt nhất trong bộ tứ đại danh tác. Tây du ký không thể so với ê-kíp Hồng lâu mộng. Phim càng không thể đứng cạnh hai bộ làm phim sau đó như Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử.
 
Trong quá trình quay phim, Tây du ký chỉ có một máy quay, một giá đỡ máy quay ba chân thẳng đứng, tổng kinh phí 6 triệu NDT (thù lao hiện nay của sao hạng A cũng lên đến trăm triệu NDT). Nghèo, thiếu phương tiện, một diễn viên trong đoàn phải đảm đương nhiều vai trò để tiết kiệm.
 
Ấy thế mà lãnh đạo đài CCTV vẫn không hài lòng. Họ còn muốn cắt bỏ phim. Dương Khiết bằng quan hệ của mình trong giới đã cầu cạnh tài trợ. Sau này khi nhắc lại chuyện cũ, bà còn trêu Trì Trọng Thụy: "Nếu năm xưa ông ấy giàu như giờ, đoàn phim đã sướng rồi".
 
Điều duy nhất đoàn phim khi đó có là con người. Tổng cộng 25 tập phim không bối cảnh, phim trường, đoàn phim phải di chuyển khắp nước để có thể quay. Suốt sáu năm ròng rã khi quay, Dương Khiết tự nhận "đây là đoàn phim vượt khó".
Những gì đoàn phim năm đó có chỉ là con người.
 
"Để quay cảnh bay lượn trên không, chúng tôi không có nổi dây thép, phải sử dụng dây dù. Một bên nghệ sĩ được treo bằng dây dù, một bên có thiết bị ròng rọc kéo lên kéo xuống. Chúng tôi tự sáng tạo ra cách quay, nhưng dù cố đến đâu vẫn để lại sạn. Khi lên phim, tôi buồn khi vẫn thấy lỗi kỹ xảo. Đau lắm nhưng là tránh không được", Dương Khiết kể.
 
Trong bài phỏng vấn với chủ trì Lưu Dương hồi năm 2014, Dương Khiết không giấu sự tự hào khi đoàn phim vượt khó, vượt khổ để thành công. "Tây du ký có thể là kinh điển nhưng không phải phiên bản hoàn hảo. Ngay khi nhìn tạo hình các nhân vật, tôi đã thấy không hài lòng", bà nói.
 
Cũng vì thế mỗi lần khi xem lại phim, cảm giác duy nhất trong bà là tiếc nuối vì "sửa một chút cũng không thể". Những năm gần đây, nhiều nhà làm phim tái hiện Tây du ký trên màn ảnh. Dương Khiết khi nói về điều này tỏ ra không quan tâm.
 
Bà cho rằng làm lại phim là điều bình thường nhưng "làm lại không phải làm bừa". Bà không hài lòng nếu như tác phẩm thêm tình tiết Đường Tăng si tình hay Trư Bát Giới muốn có con.
Tây du ký thành kinh điển và Dương Khiết là người phụ nữ tạo ra kinh điển từ những điều không tưởng.
 
"100 đạo diễn sẽ có 100 cách nhìn, có cách làm phim riêng. Nhưng tôi không muốn phá hoại tác phẩm. Tôi hy vọng, dù làm gì họ cũng nên tôn trọng nguyên tác", bà nhấn mạnh.
 
Quả thật, 30 năm trôi qua, kỹ xảo cao hơn trước, nhân viên phục trang, thiết kế, trang điểm chuyên nghiệp hơn, nhưng tác phẩm kinh điển ra đời lại như "đãi cát tìm vàng". Nhiều người yêu phim Trung Quốc hiện nay tiếc nuối khi "thời hoàng kim đã một đi không trở lại".

Tây du ký bản 1986 của Dương Khiết chính là biểu tượng của thời kỳ hoàng kim đó. 
 
Hiểu Nguyệt/Theo Zing

Đọc thêm các bài khác