Dấu ấn của tài tử bạc mệnh Đơn Dương qua các vai diễn
Đăng lúc: 7:23 am, Ngày 09/12/2015
Không học hành diễn xuất bài bản nhưng Đơn Dương liên tiếp để lại ấn tượng qua các vai góc cạnh, cá tính, trở thành tên tuổi lớn của làng điện ảnh Việt.
Đơn Dương sinh ngày 27/8/1957 tại Lâm Đồng. Không học hành bài bản về diễn xuất nhưng là em rể của đạo diễn Lê Cung Bắc nên nghệ sĩ có nhiều cơ hội tiếp cận với điện ảnh. Đơn Dương bén duyên điện ảnh vào năm 1982 với vai người thương binh tên Dũng trong phim Pho tượng của đạo diễn Lê Dân.
Đạo diễn Đào Bá Sơn cho rằng nhờ gương mặt góc cạnh, khả năng diễn xuất thiên bẩm, đặc biệt là việc lột tả nội tâm nhân vật qua ánh mắt, Đơn Dương được nhiều đạo diễn chú ý từ phim Pho tượng. Sau khi tạo dấu ấn với phim đầu tay, anh đóng tiếp phim Vùng trời cho chim câu của đạo diễn Lưu Bạch Đàn, Bản tình ca của đạo diễn Lê Mộng Hoàng. Năm 1986, nghệ sĩ xuất hiện cùng ca sĩ Thanh Lan trong phim Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc (ảnh). Đơn Dương vào vào vai một nghệ sĩ có tài, từ bỏ những phồn hoa, cám dỗ của thị trường giải trí để theo đuổi nghệ thuật đích thực bằng đồng lương công chức.
Những năm đầu thập niên 1990, nghệ sĩ có cùng lúc hai vai diễn gây dấu ấn trong phim Canh bạc và Cỏ lau. Trong Canh bạc, Đơn Dương vào vai một lái xe đường dài tên Chiến và có mối tình đẹp với cô sinh viên do diễn viên Thu Hà thủ vai. Do máu mê cờ bạc, Chiến đẩy người yêu vào hoàn cảnh ngặt nghèo. Cuối cùng, tình yêu và sự bản lĩnh giúp anh chiến thắng bản thân, sống hạnh phúc bên người mình yêu. Với diễn xuất tự nhiên, Đơn Dương, Thu Hà đã phản ánh được cuộc sống khốc liệt ở những cung đường giáp biên giới - nơi sinh sống của nhiều tay anh chị buôn lậu hoặc những chủ bãi vàng.
Khác hẳn với nhân vật trong Canh bạc, Đơn Dương hóa thân thành người lính trở về sau chiến tranh với sự giằng xé tâm hồn trong phim Cỏ lau. Nghệ sĩ vào vai Lực, anh bộ đội giải phóng trở về với cơ thể lành lặn nhưng mang tổn thương tinh thần to lớn khi nhìn thấy tấm ảnh của chính mình trên bàn thờ. Tưởng chồng đã hy sinh, vợ Lực đi bước nữa với một thợ chụp ảnh và mang bố Lực theo để tiện chăm sóc. Trở về, Lực đối diện với cảnh cha già mất trí nhớ không nhận ra mình, vợ đã thuộc về người khác. Anh phải nén nỗi đau mất mát để làm tròn nhiệm vụ của một người lính trong thời bình.
Sau phim Canh bạc và Cỏ lau, Đơn Dương được giới chuyên môn đánh giá là diễn viên hợp với những vai góc cạnh, cá tính, có chiều sâu nội tâm trong các phim nghệ thuật. Năm 1999, nghệ sĩ tiếp tục thành công với vai ông Cảnh trong phim Đời cát. Cuộc sống của những người lính trở về sau chiến tranh được Đơn Dương diễn tả chân thực, cảm động qua vai Cảnh. Diễn xuất của cố nghệ sĩ góp phần đem đến giải Bông Sen Vàng cho phim Đời cát tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13 (2001).
Năm 1999, Đơn Dương còn thành công với vai Hải trong phim điện ảnh Ba mùa của đạo diễn Tony Bùi. Hải là một người đạp xích lô có tâm hồn thánh thiện, cao cả khi dành cho cô gái điếm tên Lan sự trân trọng và tình yêu thương vô bờ bến. Chuyện tình của Hải "xích lô" và Lan "cave" góp phần làm cho bức tranh của những người lao động nghèo nơi thành thị trở nên trong trẻo, nên thơ giữa "ba mùa": nắng, mưa, hy vọng.
Năm 2002, Đơn Dương gây dấu ấn với vai Tam trong phim Mê Thảo, thời vang bóng. Ông hóa thân xuất sắc trong hình ảnh một người đàn ông can trường, tài hoa, đa cảm. Hình ảnh Đơn Dương trong vai Tam chết gục trên cây đàn nguyệt với những ngón tay rỏ máu ám ảnh người xem. Tam là một phạm nhân mang án tử, được chủ ấp Mê Thảo che chắn khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Biết ơn chủ, Tam tìm mọi cách cứu ông ra khỏi những ám ảnh về cái chết của người tình quá cố, bất chấp việc mình sẽ chết khi chạm tay vào cây đàn nguyệt bị yểm bùa. Mê Thảo thời vang bóng cũng là một trong những bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp điện ảnh ngắn ngủi của nam diễn viên.
Trước đó, Đơn Dương gặp sự cố khi đóng phim Chúng ta là những người lính và Rồng xanh của Hollywood. Trước việc hai bộ phim này có nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam, nam diễn viên chịu nhiều áp lực lớn từ dư luận. Từ năm 2003, Đơn Dương định cư tại Mỹ. Cuộc sống khá khó khăn do không có vai diễn, ông vướng vào scandal lấy vợ lớn tuổi vì tiền và tống tiền người tình cũ. Theo lời kể của đạo diễn Lê Cung Bắc, Đơn Dương nhận được vài lời đề nghị đóng phim tại Mỹ và nếu nhận vai, ông sẽ có nhiều tiền. Nhưng nam diễn viên cho rằng những vai này dễ gây hiểu lầm vì tính cách phản diện nên từ chối.
Để có thu nhập sống ở Mỹ, Đơn Dương cùng vài người bạn làm công việc kinh doanh địa ốc. Nam diễn viên khao khát trở về Việt Nam làm nghề nhưng ước muốn này mãi không thành. Đơn Dương mất ngày 7/12/2011 (giờ Hà Nội) ở tuổi 54, sau ca phẫu thuật mổ não do tai biến. Người nhà thực hiện di nguyện chôn cất ông trên mảnh đất quê hương.
Châu Mỹ/Theo VnExpress