Phim kinh dị Việt phải tự biết... né lưỡi dao kiểm duyệt

Đăng lúc: 8:32 am, Ngày 20/08/2019

Kinh dị, tâm linh là chủ đề nhạy cảm tại Việt Nam. Do đó, để những bộ phim dạng này có thể đến được với khán giả trên màn ảnh rộng, các nhà làm phim phải tìm đủ mọi cách… né lưỡi kéo kiểm duyệt.

Muôn vàn kiểu… lách
 
Bộ phim Thiên linh cái bị dời lịch chiếu, phải quay lại, nhằm tiết chế bớt những phân đoạn ghê rợn, máu me là trường hợp hiếm hoi, đặc biệt nhất từ trước đến nay trong lịch sử phim kinh dị Việt. Trước đó, phim Rừng xác sốngBẫy cấp ba của đạo diễn Lê Văn Kiệt bị cấm chiếu do tại thời điểm đó chưa có hệ thống dán nhãn, phân loại phim cụ thể như hiện nay.
Cảnh trong Thiên linh cái.
 
Với những phim có người nước ngoài tham gia vào bất kỳ phần nào thì khâu kiểm duyệt bắt đầu ngay từ kịch bản. Người bất tử của đạo diễn Victor Vũ là ví dụ điển hình của khâu trình duyệt từ kịch bản cho đến “né” duyệt bằng cách lý giải tất cả những gì xảy ra đối với nhân vật An sau ba lần đầu thai cùng những phân đoạn dùng bùa ngải chỉ là… giấc mơ.
Cảnh bùa ngải trong Người bất tử.
 
Nhà sản xuất Hồng Tú của phim Pháp sư mù cho biết, cách đoàn phim tránh lưỡi kéo kiểm duyệt là không dùng những cảnh gây cảm giác ghê rợn như máu me, giết người, chết chóc. “Chúng tôi giảm nhẹ, cân nhắc cách xử lý hình ảnh, màu sắc của phim, cùng với nội dung hướng đến những yếu tố tâm linh gần gũi, dễ chịu, để khán giả cảm thấy tích cực hơn trong đời sống. Bởi lẽ, không phải cứ tâm linh là nói đến mê tín dị đoan mà bỏ qua những mặt tốt, mặt hướng thiện của nó”.
 
Đạo diễn Bá Vũ, phim Cha ma cũng chọn cách tương tự. “Trong hai bộ phim đã làm và cả những phim kinh dị sau này, tôi luôn đưa ra thông điệp: con ma đáng sợ nhất chính là… con người. Người bịa ra chuyện ma. Những gì tàn nhẫn, độc ác nhất là do chính con người gây ra. Đây cũng là hướng đi nhân văn mà rất nhiều phim kinh dị thế giới chuyển tải”.
 
Đảm nhận vị trí đồng đạo diễn của phim Pháp sư mù, Huỳnh Lập khẳng định, anh luôn chú ý cân bằng giữa yếu tố tâm linh và yếu tố khoa học khi lý giải những tình huống trong phim, nhằm mang đến cái nhìn đa chiều, khách quan.
Những yếu tố tâm linh, kỳ dị trong phim Pháp sư mù phần lớn do chính êkíp đoàn phim sáng tạo.
 
“Trước phim, chúng tôi nhắc khán giả bằng lời mở đầu: “Tất cả những gì xảy ra trên phim chỉ là giả tưởng”, vì có rất nhiều thứ trong phim - từ bùa chú hay chiêu thức của ông pháp sư đều do tôi nghĩ ra. Nó hoàn toàn không có thật mà là sáng tạo nghệ thuật, giúp bộ phim hấp dẫn hơn. Câu rào đó không phải chỉ để né kiểm duyệt như mọi người nghĩ mà còn là khuyến khích người xem không nên làm theo, không nên tin vào những gì xảy ra trên phim” - Huỳnh Lập nhấn mạnh.
 
Mặt khác, ở khâu quảng bá, phát hành, nhà sản xuất và nhà phát hành phim cũng thường chọn cách đẩy thông điệp của bộ phim thay vì chỉ xoáy vào yếu tố kinh dị, tâm linh, hù dọa khán giả.
 
Băn khoăn còn đó
 
Tuy nhiên, những kiểu né kiểm duyệt như trên chỉ là giải pháp tình thế, bởi nếu thực sự muốn điện ảnh Việt nói chung và phim kinh dị Việt nói riêng phát triển, thay vì quẩn quanh với những đề tài sáo mòn, cũ kỹ thì cửa kiểm duyệt cần rộng mở và được quy định rõ ràng hơn.
 
“Làm phim kinh dị ở Việt Nam khó vô cùng. Phim bị trói lại hết, không phải là cấm mà là cắt xén, ảnh hưởng đến mạch và câu chuyện phim. Người làm phim hoàn toàn không biết cái gì được, cái gì không. Cũng những yếu tố đó, nhưng trong phim nước ngoài thì qua “ải”, còn phim Việt thì không. Cũng một yếu tố đó mà phim này qua, phim kia lại bị ách. Nó khiến nhà làm phim… hồi hộp ghê gớm” - đạo diễn Bá Vũ bày tỏ.
 
Trong Lật mặt 4 của đạo diễn Lý Hải có chi tiết người phụ nữ đã chết thình lình đội mồ sống dậy, khiến giới làm phim ngỡ ngàng… vì không ngờ lại thoát cửa kiểm duyệt. Những chi tiết trong phim Người bất tử của Victor Vũ cũng gây ngạc nhiên khi có thể qua ải gọn nhẹ.
NSX phim Bắc kim thang đã tự cắt bỏ cụm từ "tiếng hát ma" trong các hình ảnh, trailer chính thức vì sợ không qua được ải kiểm duyệt.
 
Một cây bút phê bình điện ảnh cho biết: “Đôi khi việc duyệt còn tùy thời điểm và… vận may của nhà làm phim. Nếu ở thời điểm duyệt phim, dư luận không có gì căng thẳng, hội đồng duyệt phim có thể châm chước cho qua những chi tiết không đáng kể. Nhưng nếu rơi vào thời điểm căng thẳng, Cục Điện ảnh sẽ rất gắt gao”.
 
Đạo diễn Bá Vũ bày tỏ: “Phim kinh dị, tương tự như phim khoa học giả tưởng, kích thích trí tưởng tượng của con người và là một sản phẩm tưởng tượng. Chúng ta vẫn hay nói về thế giới tâm linh của người Việt - thờ cúng, đi chùa, gần đây hầu đồng cũng đã được cho phép, nghĩa là chúng ta đã chấp nhận điều đó. Thờ cúng đã mang yếu tố tâm linh rồi thì phim ảnh chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng mà thôi. Mong muốn của tôi cũng như của các nhà làm phim Việt là khi đã cho phim kinh dị nước ngoài qua thì cũng nên cởi trói cho phim Việt vì chúng ta đã có hệ thống dán nhãn. Có như vậy, điện ảnh Việt mới mong có những tác phẩm đi đến tận cùng”. 
 
Lê Phan/Theo PNO

Đọc thêm các bài khác